Giáo dục

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số

Tuấn Dũng (Thực hiện) 22/06/2023 06:47

Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên Hội Nhà báo, trong bối cảnh kỷ nguyên số nhằm đáp ứng với sự thay đổi của công nghệ là việc làm rất cần thiết. Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với TS. Nhà báo Trần Bá Dung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam.

ts-nha-bao-tran-ba-dung-tai-mot-lop-nghiep-vu-viet-ve-xay-dung-dang-nam-2021(1).jpg
TS. Nhà báo Trần Bá Dung tại một lớp nghiệp vụ viết về xây dựng Đảng năm 2021.

PV: Tham gia giảng dạy nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, ông có thể đánh giá về đội ngũ làm báo trẻ và nhà báo hiện nay?

TS. Nhà báo Trần Bá Dung: Trước hết có thể nói về những thuận lợi của đội ngũ làm báo trẻ hiện nay. Thứ nhất là lực lượng các phóng viên, nhà báo trẻ hiện nay được đào tạo một cách bài bản tại nhiều trường đại học khác nhau. Nguồn nhân lực cho ngành báo chí truyền thông hiện nay không chỉ do các cơ sở đào tạo báo chí tại trường đại học công lập cung cấp. Rất nhiều trường đại học ngoài công lập cung cấp các chương trình đào tạo về truyền thông và sinh viên ra trường vẫn có thể xin việc tại các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, một lực lượng hùng hậu người làm báo tốt nghiệp từ các ngành khác với ngành báo chí.

Tuy nhiên trong vòng 10 năm trở lại đây tại các cơ quan báo chí, thì tỷ lệ phóng viên, nhà báo được đào tạo bài bản tại các trường báo chí, các trường có ngành đào tạo về báo chí truyền thông ngày càng nhiều.

Thứ hai là các phóng viên, nhà báo trẻ hiện nay có điều kiện tốt hơn so với các thế hệ trước từ môi trường làm việc, cơ hội làm việc, cơ hội tiếp cận kiến thức, kĩ năng công nghệ về thu nhận, xử lý, truyền tải thông tin.

Thứ ba là đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, trong đó có đời sống văn hóa ngày càng phát triển. Mặt bằng hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, nhất là giới trẻ. Những người làm báo trẻ có lợi thế này đã đi tiên phong trong lĩnh vực tuyên truyền văn hóa.

Thứ tư là làm báo trong môi trường công nghệ phát triển, các nhà báo trẻ có điều kiện để đi sâu vào nghiệp vụ từ ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ làm báo mới. Mô hình tòa soạn hội tụ cũng đã dần phát triển tại Việt Nam theo xu thế của thế giới.

Thứ năm là sự phát triển của xã hội làm cho sự giao thoa cởi mở, giao tiếp xã hội trong và ngoài nước của phóng viên trẻ cũng dễ dàng hơn, nhiều hơn, chất lượng hơn. Làm báo bản thân là hoạt động văn hóa, nhà báo là nhà hoạt động văn hóa, lại được được sống trong môi trường văn hóa mở, là điều rất thuận lợi.

Trong sự năng động của xã hội nói chung, lớp trẻ của nhiều ngành nghề thể hiện vai trò của mình, đó cũng là động lực để lớp trẻ làm báo phát huy vai trò của mình theo đà tiến lên của xã hội.

Thứ sáu là điều kiện kinh tế hiện nay ngày càng cao, nhìn chung, nhà báo trẻ hiện nay không quá thiếu thốn về kinh tế như các thế hệ cha anh trước kia.

Bên cạnh thuận lợi đó là những mặt trái trong kỉ nguyên số như: Báo chí hiện nay có thể nói bị sức ép không nhỏ của kinh tế thị trường. Nó tác động rất lớn đển việc tác nghiệp cũng như đạo đức của nhà báo. Nhà báo hiện nay phải chạy đua tin tức, chạy đua thông tin, làm việc đối phó vì đảm bảo định mức tin, bài, kinh tế; Nhiều nhà báo trẻ ỷ lại vào internet, lười cập nhật kiến thức mới, lười học, lười đọc, lười nghiên cứu. Tính tự giác ngày càng thấp đi: Không trau dồi văn hóa, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí có tình trạng là phóng viên mà không đọc báo giấy bao giờ, tin bài đưa không tự biên tập, chạy theo việc câu view, câu like.    

Do môi trường hiện nay tạo cho nhiều nhà báo sự không nghiêm túc trong nghề nghiệp biểu hiện như: Xào xáo tư liệu trên mạng, lấy bài viết của người khác cắt ghép, không nêu rõ nguồn gốc… Nhiều nhà báo trẻ coi nghề báo là nghề kiếm tiền dễ dàng, một số nhà báo trẻ xuống cấp về đạo đức, đi tống tiền, đi dọa nạt doanh nghiệp, đơn vị, thương mại hóa báo chí.

Tuy nhiên nhìn chung phóng viên trẻ có mặt bằng văn hóa tốt hơn trước kia. Tôi chưa nói là cao hơn, nhưng có thể nói họ được trang bị nhiều hơn, dễ hơn, vốn ngoại ngữ tốt hơn, điều kiện công nghệ, kĩ thuật đều hơn thế hệ cha anh. Nhiều nhà báo trẻ rất xông xáo, nghiệp vụ tốt, tham gia và đạt được nhiều giải Báo chí lớn.

PV: Lĩnh vực báo chí đang thay đổi nhanh chóng do ảnh hưởng của công nghệ và sự chuyển đổi số. Kỹ thuật số trở thành một phần quan trọng của công việc báo chí hiện đại. Theo TS. Nhà báo, các chương trình đào tạo nghiệp vụ báo chí cần tăng cường những kỹ năng nào để đáp ứng các yêu cầu mới này?

TS. Nhà báo Trần Bá Dung: Để làm báo trong môi trường kĩ thuật số hiện nay cần rất nhiều kĩ năng. Kỹ năng đầu tiên phải nói là kĩ năng sử dụng công nghệ: Nhà báo phải biết sử dụng các công nghệ, phương tiện, thiết bị cầm tay cũng như các thiết bị hỗ trợ khác, biết sử dụng các phần mêm ứng dụng hỗ trợ cho việc làm báo.

Kỹ năng tiếp theo có thể nói đến là kĩ năng khai thác và xử lý thông tin: Thông tin trong kỉ nguyên số tràn ngập trên môi trường mạng. Nhà báo thiếu kĩ năng khai thác và xử lý thông tin giống như người đi vào trong một khu rừng không biết lựa chọn cái gì, cách nào để tìm lối đi. Dùng từ khóa nào, dùng phương pháp nào để lấy tài liệu tổng hợp, dữ liệu viết bài cho mình.

Kỹ năng tiếp nữa đó là kĩ năng phân tích dữ liệu: Nhà báo cần biết cách so sánh, đối chiếu tổng hợp thông tin sau khi đã có đủ dữ liệu viết bài. Cần biết mình phải làm gì, đối chiếu với tài liệu nào, hỏi chuyên gia nào, xử lý thông tin nào trước hay sau, cách nào để kiểm chứng được thông tin chính xác hay không.

Sau nữa đó mới là kĩ năng nghiệp vụ chuyên môn báo chí cụ thể: Hiểu rõ đặc điểm của các thể loại, hiểu rõ mình cần làm gì, không được làm gì trong môi trường báo chí. Cũng một dữ liệu ấy khi anh đưa lên báo điện tử khác, báo in khác, truyền hình khác. Hiện nay trong một cơ quan báo chí đa phần hướng tới mô hình tòa soạn hội tụ, cùng một nguồn dữ liệu đó, là phóng viên, nhà báo cần có kĩ năng chuyên môn sâu để biết mình cần làm gì.

PV: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, nhu cầu thông tin của người dân tăng cao, đồng nghĩa với việc thông tin báo chí càng có điều kiện phát huy sức mạnh thì yêu cầu về đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà báo càng được đề cao. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

TS. Nhà báo Trần Bá Dung: Hiện nay, vấn đề đạo đức đang ngày càng được xã hội quan tâm. Báo chí ngày càng phát triển, thành tựu của báo chí ngày càng lớn, nhưng bên cạnh đó cũng phải nói mặt trái của báo chí cũng ngày càng làm xã hội day dứt, nhiều nhà báo, người quản lý báo chí cũng phải chạnh lòng với những nhà báo không tốt.

Có nhiều biểu hiện như những nhà báo cố tình vi phạm pháp luật, tống tiền doanh nghiệp, các đơn vị. Có nhiều nhà báo đã bị kinh tế thị trường làm cho biến chất. Họ chỉ coi báo chí như một cần câu cơm, công cụ làm tiền dễ dàng, cố tình viết sai sự thật hoặc dùng thông tin để ép doanh nghiệp phải đến gặp để đòi hỏi việc này việc kia.

Trong thời kỳ chuyển đổi số bây giờ tạo ra một thông tin tiêu cực, hình ảnh tiêu cực rất dễ, đó cũng là điều kiện để nhà báo thiếu đạo đức lợi dụng ép buộc doanh nghiệp, đơn vị đến với mình. Cũng có trường hợp cơ quan không cho nhà báo đưa tin chưa kiểm chứng, nhưng họ lại đưa lên trên mạng xã hội cá nhân như facebook, twitter, zalo để bằng mọi cách cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp phải tìm đến họ.

Báo chí hiện nay không hiếm tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Nhiều nhà báo gửi bản thảo bài viết có thông tin bất lợi, tiêu cực cho đơn vị để hù dọa mặc dù không được lãnh đạo báo, cơ quan cho phép, chỉ đạo.

Chúng ta cần viết nhân văn, nhân đạo hơn, và hướng tới chân, thiện, mỹ, chứ không chỉ nhìn đâu cũng thấy tiêu cực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số