Danh họa Đỗ Quang Em qua đời

Minh Khang| 03/08/2021 20:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Họa sĩ Đỗ Quang Em - tên tuổi lớn của làng mỹ thuật - qua đời ở tuổi 79 vì bệnh già, tối 3/8.

Anh Cao Việt Hiếu - con rể cố họa sĩ - cho biết: "Cha chúng tôi lâm bệnh nặng từ vài tháng nay. Ông ra đi thanh thản bên các con và người thân". Linh cữu họa sĩ được quàn tại nhà riêng ở đường Điện Biên Phủ, quận 3. Lễ động quan lúc 13h ngày 5/8, sau đó linh cữu được hỏa táng.

Giới mộ điệu thương tiếc khi hay tin buồn. Theo Lý Đợi - nhà báo chuyên mảng mỹ thuật, họa sĩ Đỗ Quang Em thuộc top thành công nhất với trường phái hội họa cực thực, dù ông không phải là người đầu tiên trong nước theo khuynh hướng này. Tài năng của ông được nhiều khán giả, đồng nghiệp nể trọng, làng hội họa chào đón từ rất sớm.

Họa sĩ Đỗ  Quang Em bên một tác phẩm tĩnh vật. Ảnhh: Văn  Bảyy.

Họa sĩ Đỗ Quang Em bên một tác phẩm tĩnh vật của ông. Ảnh: Văn Bảy.

Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy đánh giá: "Trong dòng nghệ thuật cổ điển, khi đặt tranh ông bên cạnh các tác giả, chúng ta nhận thấy một thế giới riêng của Đỗ Quang Em, đó là đóng góp lớn của ông". Sinh thời, họa sĩ Đinh Cường - đồng nghiệp cùng thời Đỗ Quang Em - nhận xét, nhờ cách chơi bóng tối, cách đặt ánh sáng đầy quyền uy, tranh ông luôn quyến rũ, đắt giá.

Họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh tại tư gia năm 2009. Ảnh: Văn Bảy.

Họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh tại tư gia năm 2009. Ảnh: Văn Bảy.

Cùng nói về sự sắp đặt ánh sáng trong tranh cố họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định: "Người xem có thể cảm nhận, mỗi tác phẩm của ông toát lên một tinh thần nghiêm nghị, thể hiện sự trân trọng vớí thế giới đối tượng. Bao trùm trong tranh là bóng tối. Nó như sự tĩnh lặng huyền mặc của một tâm thức định tĩnh. Những khoảng sáng trong tranh Đỗ Quang Em bao giờ cũng gợi lên cảm xúc nhiệm màu của sự hiện thân".

Họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời - 1

Bức "Chân dung vợ họa sĩ" do Đỗ Quang Em sáng tác tại Sài Gòn, năm 1975. Ảnh: Văn Bảy chụp từ ảnh tư liệu.

Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh ở Ninh Thuận. Thuở nhỏ, ông phụ cha chụp ảnh, làm bố cục, tráng rửa phim, sửa hình... Cha ông muốn ông học thêm mỹ thuật (do lúc đó chưa có nhiều trường lớp đào tạo nhiếp ảnh), nâng cao thẩm mỹ và tay nghề, nối nghiệp gia đình. Sau khi tốt nghiệp Trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP HCM) năm 1965, ông chuyển hướng sang hội họa. Giai đoạn đầu sự nghiệp, phong cách của ông có phần gần với danh họa Nguyễn Trung, tập trung vào kỹ thuật sáng - tối. Từ năm 1971 về sau, ông khám phá con đường riêng với trường phái cực thực (hyperrealism).

Năm 1991, ông triển lãm chung Tranh sơn dầu và lụa ở TP HCM. Năm 1993, ông tham gia triển lãm New Space cùng các họa sĩ Việt Nam và Singapore. Ông tổ chức triển lãm 36 tác phẩm mới ở Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM năm 1994, trưng bày tranh tại Galerie Lã Vọng, Hong Kong từ năm 1993 đến 1996. Thập niên 1990, các tác phẩm của ông gây chú ý với giới sưu tầm hội họa quốc tế. Nhiều tranh Đỗ Quang Em có giá thị trường 60.000-70.000 USD, như bức Tôi và vợ tôi (vẽ năm 1989) bán công khai với giá 70.000 USD năm 1994, bức Ấm và tách trà - giá50.000 USD năm 1995... Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, từng nhắc đến danh họa: "Họa sĩ Đỗ Quang Em đã được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế...".

Đỗ Quang Em thường vẽ những đồ vật dân dã như ghế tre, chõng tre, đèn dầu, tách trà, khăn choàng cổ, cái ấm, hoặc vẽ vợ, các con và vài người bạn của ông. "Tôi vẽ, yêu thương ai, ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường thì hoàn toàn xa lạ", ông từng nói. Dù theo đuổi trường phái hiện thực, ông cho rằng "họa hổ họa bì nan họa cốt", phải thể hiện tâm hồn của đối tượng chứ không chỉ vẽ ngoài da. Theo ông, hội họa phải chân thật, thương ghét thật tình, rạch ròi về cảm xúc.

Họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời - 2

Tác phẩm "Amulet" (Bùa hộ mệnh), năm 2000. Ảnh: Văn Bảy chụp từ ảnh tư liệu.

So số lượng tác phẩm của nhiều đồng nghiệp cùng thời, Đỗ Quang Em thuộc hàng vẽ ít, vì phong cách ông khó thể vẽ nhanh. Sang thập niên 2000, sức khỏe xuống dốc, mắt mờ, tay run, sức sáng tác của Đỗ Quang Em giảm sút. Ông dành thời gian cho bên vợ con, thỉnh thoảng đàm đạo cùng bạn hữu ở Hội mỹ thuật TP HCM. Nhiều năm gần đây, tranh ông bị sao chép nhiều nhưng họa sĩ không khó chịu. Ông từng tâm sự: "Mình có hay, ngưòi ta mới chép. Con đường tôi đi đã có thêm bằng hữu. Như vậy, tôi không còn cô đơn nữa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh họa Đỗ Quang Em qua đời