NSƯT Hoài Linh cho biết ngày giỗ Tổ nghề sân khấu đã được Nhà nước công nhận là ngày truyền thống của ngành sân khấu và không có chuyện loạn đền thờ Tổ.
Phản hồi lại một bài viết có tiêu đề “Loạn nhà thờ Tổ”, danh hài Hoài Linh cho rằng tác giả bài viết này cần học thêm về kiến thức và tìm hiểu thêm về Tổ nghề sân khấu. “Nghề nào cũng phải có người khai sinh ra lâu đời và là người đầu tiên thì xem như là Tổ nghề.
Danh hài Hoài Linh trong ngày Giỗ Tổ nghề sân khấu tại Nhà Thờ Tổ nghiệp
Nghề của nghệ sĩ chúng tôi không phải chỉ thờ Tổ sân khấu mà còn thờ "Thập Nhị Công Nghệ, Tiền Hiền, Hậu Hiền và cả những khán giả ân nhân của chúng tôi. Ngày giỗ Tổ của chúng tôi cũng đã được nhà nước công nhận là ngày "Truyền thống ngành sân khấu" rồi đấy”- Hoài Linh viết trên trang cá nhân.
NSƯT Hoài Linh khẳng định việc thờ Tổ nghề sân khấu không liên quan đến đồng bóng vì trong tín ngưỡng thờ Mẫu, không có thờ Tổ nghề sân khấu.
Về vấn đề nhiều người không phải là nghệ sĩ cũng đến xin lộc Tổ nghề sân khấu, nam danh hài cho biết: “Khán giả là những người trực tiếp nuôi nghệ sĩ chúng tôi, vả lại một năm có một ngày khán giả có thể gần gũi anh, em nghệ sĩ chúng tôi nhất. Khán giả của chúng tôi đến không phải để xin lộc mang về, nói như thế là đụng chạm hơi nhiều khán giả của chúng tôi đấy. Khán giả của chúng tôi đến để dâng hương cho những bật tiền bối quá cố của chúng tôi, mà khán giả chúng tôi ái mộ xưa nay và giao lưu với nghệ sĩ, như thế không được à?
Tín ngưỡng mỗi nghề mỗi khác, quan trọng là chúng tôi nhớ đến những bật khai sáng nghề nghiệp. Đó là sự thể hiện truyền thống “tôn sư, trọng đạo, uống nước nhớ nguồn " của người Việt Nam từ bao đời nay”- Hoài Linh cho biết.
Cũng nhân câu chuyện Tổ nghề Sân khấu, Hoài Linh cho biết, đã là người cầm bút, bất cứ chuyện gì, việc gì cũng phải tìm hiểu cho kỹ ngọn ngành, nếu không sẽ chỉ là “cào bàn phím” và lãng phí thời gian.
Đây không phải lần đầu tiên Hoài Linh lên tiếng về một số bài báo “kiểu này”. Bản thân NSƯT Hoài Linh từng khổ sở vì những bài viết sai sự thật, gây hoang mang dư luận khi cho rằng nam nghệ sĩ mắc bệnh nặng, qua đời. Những tin đồn thất thiệt, kiểu giật tít, câu view rẻ tiền ban đầu khiến danh hài Hoài Linh bị “sốc” nhưng “mãi rồi cũng thành quen”. Chỉ có điều, khán giả là những người “hứng chịu” vì những tin đồn thất thiệt như thế, thậm chí nhiều người mất niềm tin khi đọc được những thông tin như thế, không biết đâu là thật, đâu là giả. Thế mới có những biệt danh như "anh hùng bàn phím", "cào bàn phím" dành cho những người cầm bút bây giờ. Chung quy lại, nghề nào thì cũng cần một chữ “tâm” với nghề.
Năm 2015, Nhà thờ Tổ của Hoài Linh được hoàn thành. Đây công sức, tâm huyết của nam nghệ sĩ khi dành toàn bộ số tiền sau bao năm đi diễn. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Cát Phượng thì việc xây nhà Thờ Tổ này đã ngốn của Hoài Linh gân 100 tỉ đồng. Nhà thờ Tổ của Hoài Linh có quy mô xây dựng gần 500 m2 với điện chính được thiết kế, điêu khắc nhiều chi tiết, sơn son thếp vàng. Toàn khuôn viên xanh tươi mát, yên bình, ở quận 9 TP HCM. Ngôi nhà xây dựng theo phong cách đền chùa miền Bắc xưa... nằm bên một con rạch nhỏ, trong không gian "quê" tĩnh lặng ở vùng ven thành phố. Kiến trúc ngôi nhà thờ mang nét cổ kính, lọt thỏm giữa một khuôn viên rộng lớn, có nhiều hoa lá. "Kiến trúc sư" chính cho ngôi nhà thờ nhiều tâm huyết của danh hài Hoài Linh là anh Năm, một nghệ nhân xứ Bắc. Anh Năm đã bỏ vợ con ngoài quê, vào Sài Gòn suốt mấy tháng nay. Hằng ngày, anh Năm và nhiều nghệ nhân khác tỉ mỉ trau chuốt từng chi tiết cho ngôi nhà thờ này. |