Cục Đăng kiểm Việt Nam phải sử dụng cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú. Vậy việc làm này có đúng quy định của pháp luật không?
Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Công lý, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện nay thì bị can vẫn có quyền học tập, làm việc bình thường, trừ trường hợp có văn bản ngăn chặn, hạn chế của cơ quan chức năng”.
Pháp luật Việt Nam quy định một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Một người bị khởi tố bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú thì chưa chắc chắn là họ sẽ có tội bởi quy trình tố tụng vẫn còn tiếp tục và họ chưa bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Với nguyên tắc suy đoán vô tội thì chỉ đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì một người mới được coi là có tội.
Pháp luật tố tụng hình sự quy định sau khi khởi tố bị can thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong trường hợp bị can bị tạm giam thì đương nhiên sẽ không thể tiếp tục học tập, lao động, làm việc được nữa. Còn trường hợp cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú thì bị can được quyền sinh sống học tập, làm việc tại địa phương, miễn là không ra khỏi nơi cư trú là được.
Quyền lao động, làm việc là quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và bộ luật lao động quy định. Quyền này chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp đặc biệt. Trong đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay quy định hạn chế làm công việc nhất định là một hình phạt bổ sung trong chế tài hình sự. Khi chưa có bản án kết tội, chưa có hình phạt chính thì sẽ không có hình phạt bổ sung. Bởi vậy, người bị khởi tố chưa bị áp dụng biện pháp cấm làm công việc nhất định nên bị can vẫn có quyền làm việc cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Trong một số trường hợp bị can thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chức vụ, nghề nghiệp. Nếu để bị can tiếp tục thực hiện hoạt động nghề nghiệp có thể dẫn đến việc gây khó khăn cho cơ quan điều tra hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Trong trường hợp đó thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc yêu cầu cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác để phục vụ cơ quan điều tra.
Tuy nhiên trong vụ án này nếu cơ quan điều tra không tạm giam và cũng không đề nghị cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác thì bị can đang tại ngoại hoàn toàn có thể đi làm để phục vụ công việc và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp
Hiện nay hàng loạt trung tâm đăng kiểm có cán bộ bị xử lý hình sự, gây hoang mang cho nhiều cán bộ công nhân viên khác, dẫn đến nhiều trung tâm đăng kiểm hoạt động cầm chừng, thiếu nhân lực nên việc huy động nhân lực thực hiện công tác đăng kiểm là cần thiết.
Ngoài việc phát hiện xử lý tội phạm thì cơ quan chức năng cũng cần thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cho hoạt động đăng kiểm được thông suốt, tránh trường hợp không xử lý hình sự thì hoạt động đăng kiểm nhanh chóng, sau khi xử lý hình sự một số trung tâm thì hoạt động đăng kiểm trở nên khó khăn phức tạp hơn.
Nếu để xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng từ sáng sớm để đăng kiểm xe cơ giới, có những chiếc xe đăng kiểm vài ngày chưa xong thì thủ tục hành chính trong lĩnh vực này rất đáng báo động. Việc chấn chỉnh hoạt động, xử lý sai phạm suy cho cùng cũng để phục vụ nhân dân, đấu tranh với tiêu cực.
Tuy nhiên nếu đấu tranh với tiêu cực xong mà người dân vất vả hơn, mất thời gian hơn, bức xúc hơn thì sẽ giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi vậy bên cạnh việc xử lý vi phạm thì cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu tăng cường công tác quản lý, sắp xếp, bố trí nhân sự để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ nhân dân trong việc đăng kiểm xe cơ giới.