Khủng hoảng tranh biếm họa, nên được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học”, AFP dẫn lời bà Mai Mercado, phát ngôn viên Đảng Nhân dân Bảo thủ Đan Mạch.
Ngày 06/3 vừa qua, hai đảng đối lập của Đan Mạch đã tranh luận về vấn đề có nên dạy học sinh tại các trường học trong nước về cuộc khủng hoảng do những bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad - khiến cho cộng đồng người Hồi giáo nổi giận - gây ra hay không.
Trong bài báo đăng trên Nhật báo Jyllands-Posten, bà Mai Mercado, phát ngôn viên Đảng Nhân dân Bảo thủ cho biết: “Khủng hoảng tranh biếm họa, vụ thảm sát tại Thủ đô Paris nhằm vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo, và mới đây nhất là vụ tấn công khủng bố tại Thủ đô Copenhagen đêm 14/02 là những sự kiện lịch sử quan trọng nên thường xuyên được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học”.
Năm 2005, Nhật báo Jyllands-Posten đã từng đăng tải 12 bức hình châm biếm Nhà tiên tri Muhammad và gây ra nhiều cuộc biểu tình của thế giới Hồi giáo ở nhiều nơi. Tờ báo này cũng nhận được nhiều lời đe dọa chết chóc.
Hồi đầu năm 2015, nước Pháp và cả thế giới được phen rúng động khi tuần báo Charlie Hebdo bị hai tay súng Hồi giáo tấn công - do đã in lại những bức tranh châm biếm mà báo Đan Mạch từng đăng - khiến 12 người thiệt mạng. Hai vụ nổ súng kinh hoàng sau đó ở giữa Thủ đô Paris hoa lệ làm thêm 5 người chết.
Tuy nhiên, bà Mai Mercado nhấn mạnh rằng, các giáo viên nên được phép tự do lựa chọn xem liệu có giới thiệu các bức tranh biếm họa cho học sinh hay không, cũng như đưa ra chủ đề thảo luận.
AFP dẫn lời bà Mai Mercado: “Về mặt chính trị, chúng tôi không quy định chi tiết những gì mà sinh viên được giảng dạy, đó là truyền thống từ xưa để đảm bảo rằng các trường học tại Đan Mạch không phải lo lắng về sự can thiệp của chính trị”.
Nhưng bà cũng nói thêm rằng nếu giáo viên từ chối giới thiệu những bức tranh biếm họa, “học sinh sẽ chạy về nhà và search Google bởi vì chúng luôn tò mò và muốn tìm hiểu”.
Người đứng đầu Hiệp hội giáo viên Đan Mạch, ông Anders Bondo Christensen cho rằng nên để giáo viên quyết định nên nói về những bức tranh biếm họa gây tranh cãi như vậy trong trường học hay không và giảng dạy như thế nào.
Phát biểu với hãng thông tấn Ritzau, ông cho biết: một cách thích hợp để thảo luận về chúng là có thể “mời những phụ huynh của các học sinh người Hồi giao đến giải thích tại sao (những bức tranh biếm họa) lại kích động họ”.