Người phụ nữ Việt Nam hoặc ít nhiều trường hợp phụ nữ nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau đã có mặt ở Việt Nam rồi gánh chịu những bi kịch của tình trường với người bản xứ, số phận của người phụ nữ nói chung được gọi là “mỹ nhân” thời loạn.
Dường như những “mỹ nhân” từ cổ chí kim đã được tạo hóa sắp đặt hẳn cho số phận nghiệt ngã: hồng nhan bạc phận. Cô gái Tây Marguerite trong chuyện tình với chàng thương gia Nam kỳ lục tỉnh Huỳnh Thủy Lê là một ví dụ.
Chuyến phà chiều cuối năm 1929
Năm 1929, đường từ miền Tây về Sài Gòn và ngược lại chủ yếu bằng xe đò, những chuyến xe xuôi ngược qua tuyến đường sông nước này tất nhiên phải qua phà vì hồi ấy chưa có cầu. Có hai chuyến phà chính nằm trên cung đường “vạn dặm”: phà Mỹ Thuận nếu đi về hướng Sa Đéc và phà Cần Thơ nếu đi về hướng Long Xuyên.
Ở cả hai bến phà này giữa các dòng xe xuôi ngược, trong không khí sực nức mùi khói xăng là cảnh huyên náo của đội quân bán hàng rong, quà đặc sản của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Lẫn trong cảnh huyên náo đó là những giọng ca của nghệ sĩ bến phà để xin tiền khách qua đường.
Đó có thể là những giọng ca sáu câu vọng cổ, đặc trưng của cải lương tài tử của một “trưởng lão cái bang” vừa ca vừa đàn bằng cây guitar thùng phím lõm hay cây kìm còn gọi là nguyệt cầm. Cũng có thể là một “ban nhạc” gồm hai vợ chồng, cùng hòa điệu những bản tân nhạc thời chiến kiểu “anh tiền tuyến, em hậu phương” với điệu boréro quen thuộc.
Hình ảnh của đôi vợ chồng nghệ sĩ bến phà mà anh chồng thường là cụt nhân chống tó ôm đàn còn người vợ bị mù cất giọng hát não nề làm xúc động lòng khách bộ hành để rồi vang lên tiếng kêu leng keng của những đồng tiền kẽm thảy vào cái lon sữa bò hay lon sữa ghi-gô đầy vơi theo nhịp cảm xúc và lòng hảo tâm của bá tánh vốn là đặc trưng của nghề hát rong ở các bến phà, chân cầu ngày xưa.
Trên một chiếc đò từ bến Sa Đéc ngược lên Sài Gòn vừa xuống phà Mỹ Thuận có một cô gái Tây còn rất trẻ, cô mới 15 tuổi, cái tuổi của một đóa hoa khai nhụy, đẹp rực rỡ với sức quyến rũ đặc trưng như hớp hồn những chàng trai lên xuống phà khi cô vừa bước xuống xe tới đứng dựa lan can con phà đang rẽ sóng vượt “trường giang” qua bên kia bờ sông Tiền.
Cô gái Tây đẹp hớp hồn người tên Marguerite Duras hôm đó mặc chiếc đầm màu xanh đen, áo sơ mi trắng tay “phồng” kiểu đồng phục của học sinh nữ trung học trường Tây lúc bấy giờ. Marguerite cột mái tóc nâu sáng thành hai bím, đội chiếc nón rộng vành rất “đầm”, tì một bên vai vào lan can phà hướng đôi mắt màu xanh bi-ve có hàng mi dài, cong vút nhìn ra khoảng sông rộng, dáng đứng lồng lộng trong bóng nắng ánh lên màu phù sa châu thổ từ mặt nước sông lên càng khiến cô đẹp lộng lẫy, mê hồn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Sắc đẹp của cô gái Tây lập tức đập vào mắt một chàng trai ở tuổi 27, đi trên chiếc ô tô sang trọng hiệu Limuosine có tài xế riêng vừa lái xuống phà. Thập niên 1920, loại xe “xịn” của Mỹ này nhập vào toàn cõi Đông Dương chỉ có 10 chiếc, riêng ở Việt Nam có vài chiếc mà miền Tây đã có đến 2 chiếc, đó là chiếc Limuosine của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy nhập đợt đầu tiên và chiếc thứ 2 của chàng thanh niên đang đậu trên phà Mỹ Thuận vào buổi chiều năm 1929 tên Huỳnh Thủy Lê.
Cậu công tử này là người Việt gốc Hoa, con trai út của một thương gia kinh doanh lúa gạo nổi tiếng giàu có nhất nhì ở tỉnh Sa Đéc. Đó là ông Huỳnh Thuận. Huỳnh lão gia không chỉ có chành gạo lớn nhất tỉnh Sa Đéc để thu mua lúa gạo toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rồi xuất bán ra Trung kỳ, Bắc kỳ mà còn xuất ra nước ngoài qua thương cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn.
Ngoài kinh doanh lúa gạo, ông Huỳnh Thuận còn nhảy sang kinh doanh bất động sản mà một lãnh vực dễ phất nhanh nhất là xây nhà phố cho thuê. Ở tại Sa Đéc ông Huỳnh Thuận có hàng trăm căn nhà phố cho thuê cũng như ở Sài Gòn miệt Chợ Lớn nhà phố cho thuê của ông Huỳnh Thuận cũng chẳng kém cạnh gì một đại gia giàu có khác là Hứa Bổn Hỏa còn gọi là chú Hỏa.
Công tử Huỳnh Thủy Lê là con trai út của lão gia Huỳnh Thuận, ở tuổi 27 Huỳnh Thủy Lê được cha giao cả cơ ngơi, sản nghiệp cho cai quản nên chuyện công tử Lê ngự trên chiếc xe Limuosine sang trọng màu đen đi về giữa Sài Gòn - Sa Đéc là chuyện thường ngày trong công việc kinh doanh của một thiếu gia. Còn cô Marguerite thì học ỏ Sài Gòn cũng thường về thăm mẹ là bà Marie Donnadeu, hiệu trưởng trường tiểu học L’ecole Primaire De Jeunes Filles De Sa Dec (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương, Sa Đéc, Đồng Tháp). Ngôi trường này có thể nói là thuộc dạng cổ nhất của xứ Nam Kỳ lục tỉnh còn tồn tại chức năng sư phạm.
Ngay khi mở cửa xe bước xuống sàn phà thư giãn, công tử Huỳnh Thủy Lê đã không sao rời mắt khỏi cô gái Tây đang đứng dựa lan can phà nhìn ra dòng sông Tiền mênh mông. Công tử họ Huỳnh liền tiến đến chỗ cô gái đẹp mê hồn này, cũng đứng dựa vào lan can phà ngắm cảnh để lấy cớ được gần bên người đẹp. Chỉ sau vài lời xã giao bắt chuyện, họ đã quen nhau và câu chuyện giữa hai người trở nên thân mật, tự nhiên như đã quen nhau từ kiếp trước.
Cậu công tử đa tình, hào hoa, giàu có, ăn nói lịch thiệp cũng đã gây được ấn tượng mạnh với người đẹp. Và giữa họ đã có một tiếng sét ái tình đánh trúng không chỉ một, mà cả hai người. Khi phà cặp bến, người ta thấy cô gái lên xe đò xách va ly quần áo và cặp sách xuống để bước lên chiếc Limuosine màu đen của cậu công tử họ Huỳnh rời phà Mỹ Thuận để thẳng tiến về hướng Sài Gòn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Huỳnh Thủy Lê và Maguerite
Người mẹ lận đận của cô Marguerite
Lúc lên xe, có lẽ hiểu ý của ông chủ nên anh lơ cứ cho xe chạy tốc độ chậm để khoảng đường từ phà Mỹ Thuận đi Sài Gòn… kéo dài ra, thêm nhiều thời gian cho ông chủ được ngồi bên người đẹp tâm sự. Marguerite cho công tử họ Huỳnh biết qua về gia cảnh của cô. Gia đình Marguerite ở thủ đô Paris, Pháp, gồm có 3 anh em, Marguerite là em gái út. Tuy sống với nhau có ba mặt con nhưng ba mẹ cô không có hạnh phúc.
Sau khi ba mẹ Marguerite chia tay, bà ôm 3 đứa con tuổi còn thơ dại xuống tàu qua Việt Nam tình nguyện đi truyền bá văn hóa Pháp cho các xứ thuộc địa ở Đông Dương. Tới Sài Gòn, bà Marie Donnadeu được chính quyền Pháp phân công về tỉnh Sa Đéc đảm nhận vai trò hiệu trưởng một trường tiểu học gần như rách nát, thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Tuy nhiên, đối với bà Marie thì chuyện khó khăn, thiếu thốn không thành vấn đề miễn sao có nơi ăn chốn ở cho 3 đứa con và một công việc ổn định đúng nghề nghiệp của bà là quá tốt, bởi bà Marie xuất thân là một nhà giáo.
Vả lại, ở môi trường một tỉnh nhỏ như Sa Đéc, được làm hiệu trưởng một trường tiểu học của Pháp (lúc đó Sa Đéc không có trường trung học phổ thông, học sinh học hết cấp tiểu học muốn học lên trung học phải đi Cần Thơ, Mỹ Tho hay Sài Gòn) thì đã là người có chức sắc, được mọi người vị nể. Do đó sau khi học hết tiểu học Marguerite đã được mẹ gửi lên Sài Gòn học ở một ngôi trường dòng nổi tiếng do người bạn thân làm hiệu trưởng.
Trong 3 người con phải theo mẹ lưu lạc sang một nước thuộc địa xa xôi, bà Marie dồn hết tình thương yêu cho cô con gái út vì hai anh của Marguerite không chịu học hành, trong đó, người anh cả lại nghiện thuốc phiện. Chính vì thế nên Marguerite mới có một chuyến về thăm nhà, thăm mẹ và mới có cuộc gặp gỡ định mệnh với cậu công tử Lê trên chuyến phà Mỹ Thuận. Tình yêu đã đến với họ thật nhanh chóng trong buổi chiều định mệnh ấy, và tuy Marguerite nhỏ hơn công tử họ Huỳnh đến 12 tuổi nhưng điều đó chẳng phải là một trở ngại để ngăn cản tình yêu mãnh liệt của cô gái Tây vừa bước tới tuổi 15 đầy hoa mộng với nhiều ước mơ ở phía trước.
Cuộc chia tay lặng lẽ
Về phía Huỳnh Thủy Lê, đã yêu say đắm Marguerite nhưng trong lòng cũng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Tất nhiên công tử họ Huỳnh cũng nói sơ qua về gia cảnh của mình nhưng giấu biệt chuyện mình đã đính hôn với một cô gái do gia đình đã lựa chọn. Đó là một cô thôn nữ rất xinh đẹp, hiền thục ở tuổi 17 quê quán Mỹ Tho tên Nguyễn Thị Mỹ. Đôi tài tử giai nhân, môn đăng hộ đối này đang chờ “cô dâu” đủ tuổi lập gia đình để tiến tới hôn nhân.
Nhưng theo tập quán kể từ khi hai nhà kết thông gia, công tử họ Huỳnh đã được xem như là rể của họ Nguyễn. Chính trong lịch trình lên Sài Gòn kiểm tra việc làm ăn từ các cơ sở kinh doanh được cha giao lại, công tử Lê dự định sẽ ghé lại Mỹ Tho thăm vị hôn thê và cha mẹ vợ tương lai. Nhưng vì cuộc gặp gỡ tình cờ với Marguerite nên công tử họ Huỳnh đã không ghé Mỹ Tho mà cùng với người đẹp mới quen đi thẳng lên Sài Gòn.
Kể từ hôm ấy tình yêu của cô gái người Pháp mới 15 tuổi và chàng thương gia lục tỉnh 27 tuổi chớm nở và rồi họ yêu thương nhau mãnh kiệt tưởng không có gì ngăn cản nổi. Với Marguerite tất nhiên mang dòng máu Tây, thấm nhuần văn hóa Tây nên chuyện chênh lệch tuổi tác không thành vấn đề, cô yêu công tử họ Huỳnh bất chấp dư luận, vượt qua mọi rào cản kể cả việc cô còn đang tuổi học trò.
Nhưng với chàng trai Huỳnh Thủy Lê thì khác, cuộc hôn nhân đã được cha mẹ hai bên cha mẹ định đoạt theo kiểu “môn đăng hộ đối” của thời kỳ thập niên 1920 vẫn còn bị ràng buộc khắc khe trong vòng lễ giáo, dòng tộc, danh dự… nên mối tình giữa công tử họ Huỳnh và cô gái Pháp đã đứng trước một bờ vực thẳm mà người không thể nhảy qua bờ vực ấy lại chính là Huỳnh Thủy Lê.
Sau 2 năm gắn bó về tinh thần lẫn thể xác, đến lúc công tử Huỳnh Thủy Lê phải quyết định chọn lựa gữa mối tình phiêu lưu mộng tưởng với cô gái người Pháp hoặc với người vợ đã hứa hôn 10 năm ở Mỹ Tho, Nguyễn Thị Mỹ. Cuối cùng, vì là một thương gia biết tính tóan thiệt hơn nên công tử họ Huỳnh đã chọn giải pháp an toàn là cưới người mình đã được hai bên gia đình chọn lựa, sắp đặt.
Huỳnh Thủy Lê đã không đủ can đảm nói thật với Marguerite mà chỉ lẵng lặng chia tay, không gặp lại cô gái người Pháp. Sau khi bặt tin của người yêu, Maguerite cũng chuẩn bị theo mẹ cô về Pháp, trước ngày xuống tàu, Marguerite có tới ngôi nhà của công tử họ Huỳnh mua để xây tổ uyên ương của hai người ở Sài Gòn, cảnh cũ thì còn đó, nguyên vẹn không có gì thay đổi nhưng người xưa thì như bóng chim tăm cá. Cô gái người Pháp không hiểu vì sao người đàn ông mà mình yêu thương bỗng dưng lại bặt tăm không cho cô biết lý do.
Đám cưới hoành tráng của công tử họ Huỳnh
Marguerite có ngờ đâu rằng trong khi cô và gia đình đang lênh đênh trên biển vượt cuộc hải trình vạn dặm về quê hương Pháp quốc thì ở Sa Đéc công tử họ Huỳnh chuẩn bị làm đám cưới với cô Nguyễn Thị Mỹ, một tiểu thư khuê các. Đây là cuộc hôn nhân sắp đặt mà công tử họ Huỳnh không thể cãi lại được.
Đám cưới “môn đăng hộ đối” của công tử họ Huỳnh và tiểu thư Nguyễn Thị Mỹ diễn ra trong 3 ngày, lớn nhất tỉnh Sa Đéc về mức độ hoành tráng, giống như một ngày hội ở cả quê nhà của chú rể và cô dâu. Khi xe rước dâu lên phà Mỹ Thuận, vô tình cô Nguyễn Thị Mỹ trong áo cưới cô dâu bước xuống xe hoa đến dựa vào lan can phà nhìn ra khoảng sông rộng khiến Huỳnh Thủy Lê bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh Marguerite ngày nào.
Trong lúc cô dâu trẻ đẹp đang ngập tràn trong hạnh phúc giữa bao ánh mắt ngưỡng mộ của người trên phà thì công tử họ Huỳnh lòng buồn rười rượi đứng nhìn về phía chân trời như dõi theo bóng hình cô gái Pháp đang ôm mối sầu tuyệt vọng trở về quê xa tít bên kia bờ đại dương.
Marguerite có biết đâu rằng ngày cô xuống tàu rời cảng Nhà Rồng thì Huỳnh Thủy Lê cũng lẵng lặng ra đưa tiễn cô, ông đứng cạnh chiếc Limuosine màu đen đậu nép trong con đường nhỏ cạnh hãng tàu thủy Messagerie Martimes nhìn theo cho đến khi con tàu vụt xa khỏi tầm mắt. Cuộc tiễn đưa không lời này chính là nỗi dằn vặt trong trái tim của người đàn ông vì nghịch cảnh éo le mà không thể giải bày cho người mình yêu biết được.
Sau đó công tử họ Huỳnh cũng lẳng lặng quay về Sa Đéc để lo tổ chức đám cưới. Người ta cưới vợ thì vui, ngập tràn hạnh phúc còn công tử họ Huỳnh cưới vợ thì mặt mày rầu rĩ, nụ cười gượng gạo trên môi bởi tâm hồn ông như đã gửi theo bóng con tàu đưa Marguerite đi khỏi ngôi nhà kỷ niệm mà hai người đã có một khoảng thời gian sống trong hạnh phúc. Dù đó là những tháng ngày mối quan hệ này được hoàn toàn giữ bí mật.
Đám cưới của công tử Huỳnh Thủy Lê và người đẹp Nguyễn Thị Mỹ đã từng được ca ngợi là đám cưới lớn và sang trọng nhất Nam Kỳ lục tỉnh. Trong những ngày ấy, mọi người đều vui vẻ, tưng bừng chỉ có chú rể họ Huỳnh là buồn vô hạn, uống rượu rất nhiều và đêm động phòng đã say như chết.
Nhưng rồi theo thời gian, công tử họ Huỳnh trở thành người cha của 5 đứa con (3 gái, 2 trai) với trách nhiệm nặng nề trong gia đình cũng như trong việc kinh doanh, mối tình lãng mạn ngày xưa với cô gái người Pháp cũng phai mờ dần.
Công tử họ Huỳnh ở Sa Đéc lại rất khác công tử họ Trần ở Bạc Liêu về tánh trăng hoa, ông sống rất có trách nhiệm với người vợ mà ông chưa từng yêu thương trước đó, nhưng rồi như người xưa đã nói” lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, công tử họ Huỳnh cũng thương yêu vợ rất mực. Họ đã có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cái về sau này đều thành đạt và đều sinh sống, lập nghiệp ở nước ngoài.
Ba cô con gái của ông Huỳnh Thủy Lê là: Huỳnh Thủy Tiên, GS.TS - Giám đốc Bệnh viện Nhi bang Califonia, Mỹ. Cô con gái thứ hai là Huỳnh Thủy Anh lúc còn đi học là hoa khôi của một trường trung học ở Chợ Lớn. Về sau cô này kết hôn với con trai của ông Trần Văn Hương (biệt danh "Ông già gân") từng làm Thủ tướng chế độ Sài Gòn, rồi gần ngày giải phóng 30.4.1975, khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức để trốn chạy ra nước ngoài lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa được 6 ngày, sau đó giao lại cho đại tướng Dương Văn Minh (biệt danh "Minh lớn") để tuyên bô đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Cô con gái thứ ba là Huỳnh Thủy Hà, GS Trường Đại học Sorbonne, Pháp.
Marguerite Duras khi trở thành nhà văn nổi tiếng.
Cô gái Tây ngày xưa trở thành nhà văn nổi tiếng
Trong lúc công tử nhà họ Huỳnh trở thành một thương gia giàu có, nổi tiếng trên thương trường ở Việt Nam, có một mái ấm gia đình, vợ chồng con cái sống trong hạnh phúc thì ở bên kia bờ đại dương, cô gái Marguerite Duras mà công tử họ Huỳnh từng gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận vào một chiều cuối năm ngày nào vẫn không nguôi nhớ thương người đàn ông mang hai dòng máu Việt - Hoa.
Tiếng sét ái tình đã để lại cho người đẹp Marguerite Duras tận phía trời Tây một trái tim rướm máu. Trái tim này luôn hướng về mảnh đất trời Nam của khu vực Đông Dương, một thời là thuộc địa của Pháp với nỗi hoài vọng vô bờ. Mối tình bi thương, chia tay không một lời từ biệt là nỗi khắc khoải lớn, một dấu ấn khó phai mờ của một thời thiếu nữ đẹp lộng lẫy của Marguerite Duras, và chính dấu ấn không phai mờ này là một nguyên nhân chính thúc đẩy người đàn bà Pháp cầm bút sáng tác rồi trở thành nhà văn nữ của Pháp nổi tiếng cả thế giới.
Trong quá trình sáng tác 30 năm với nỗi chờ mong khắc khoải một bóng hình xưa, Marguerite Duras đã cho ấn hành một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng vượt thời gian mà một trong những tác phẩm đó là cuốn tiểu thuyết L’Amant (Người tình), một tác phẩm văn học lừng danh mà Marguerite Duras viết bằng cả tâm huyết và nỗi nhớ thương sâu đậm về mối tình của bà để lại như một dấu ấn không thể phai nhạt vào những năm đầu của thập niên 1920-1930.
Quyển tiểu thuyết “Người tình” là chân dung của thời gian, không gian trên đất Pháp lồng trong bối cảnh của mảnh đất phía trời Nam xa tắp, ở đó bà dựng lại toàn bộ tình yêu của một cô gái Pháp ngây thơ với người đàn ông hào hoa Huỳnh Thủy Lê lần đầu gặp gỡ với bối cảnh miền Tây Nam Bộ và hình ảnh một Sài Gòn trong bước chuyển biến của thời cuộc đổi thay, ly loạn. Không chỉ ly loạn của một xã hội, một giai đoạn lịch sử mà ly loạn cả trong lòng người, trong tình yêu bộ ba: Pháp - Hoa - Việt trên đất Việt và Việt - Pháp - Hoa trên đất Pháp.
Tiểu thuyết “L’Amant” của nhà văn nữ Pháp Marguerite Duras đã được dựng thành phim với tên tiếng Việt là “Người tình” bởi đạo diễn lừng danh Jean-Jacques Annaud, khi được công chiếu đã làm cho bao trái tim khán giả trên thế giới rơi lệ, càng đưa tên tuổi của Marguerite lên đài danh vọng. Và trong hàng triệu khán giả khắp nơi trên thế giới đã đọc tiểu thuyết, xem phim “Người tình” của Marguerite hẳn nhiên có chàng trai họ Huỳnh ngày nào. Và chính vì thế nên ông quyết định sẽ có một ngày nào đó đến Pháp tìm gặp lại người xưa.
Cú điện thoại bất ngờ của người xưa trong nước mắt
Một ngày cuối năm 1971, trong lúc nhà văn nữ lừng danh Marguerite Duras của Pháp đang ngồi lục soạn lại những tác phẩm đã ấn hành của bà trong quá trình 30 năm cầm bút sáng tác. Bởi lẽ, theo thói quen mỗi năm khi thời tiết chuyển từ mùa thu đường phố Paris ngập lá vàng sang chớm đông phủ đầy tuyết trắng, nhà văn thường đắm chìm trong hoài niệm với thế giới sách của mình.
Khi bàn tay bà chạm đến cuốn tiểu thuyết “L’Amant” đầy dấu ấn của kỷ niệm, đôi mắt hấp háy đầy tư lự của người đàn bà 57 tuổi nhìn ra cửa sổ trong sự hồi tưởng xa xăm thì bỗng chuông điện thoại bàn của bà reo vang. Cầm máy lên nghe, từ đầu dây là giọng một người đàn ông mà trong một thoáng bà không nhận ra là quen hay lạ. Chỉ nghe mấy tiếng ho nhẹ, rồi âm thanh khàn đục nói tiếng Pháp phát âm không chuẩn lắm của một người vùng Đông Á cất lên.
Đó là một câu xin lỗi theo phép xã giao rồi hỏi bà có phải là nhà văn Marguerite Duras không? Câu này bà nghe đã quen vì thường ngày cũng có nhiều cuộc điện thoại bất ngờ của độc giả hâm mộ khắp nơi gọi tới và hỏi bà như vậy. Nhưng người đàn ông vùng Đông Á, phát âm tiếng Pháp đơn ngữ đặc trưng này khiến bà Marguerite Duras như có linh tính là một người rất thân thiết.
Khi bà Marguerite khẽ nói, cũng theo phép lịch sự “Đúng rồi, thưa ông” thì giọng của người đàn ông bên kia đầu dây run run: “Bà có nhận ra tôi là ai không?”. Với một trái tim nhạy bén của một phụ nữ lại là nhà văn, chỉ hơi khựng lại trong vài giây thì bà Marguuerite nhận ra ngay người đàn ông đang nói chuyện với bà bên kia đầu dây là ai.
Bà Marguerite tay chân luống cuống, trái tim đón nhận niềm vui hạnh phúc bất ngờ tràn tới khiến bà suýt ngất lịm, bà bật kêu: “Lạy chúa! Anh Thủy Lê”. Thế rồi nước mắt bà trào ra nghẹn ngào không nói được mà chỉ là tiếng thổn thức của sự dồn nén bao nhiêu năm xa cách, nhớ mong được bật lên. Người đàn ông bên kia đầu dây cũng thế, ông cũng bất khóc.
Mãi một lúc sau, Bà Marguerite Duras mới nói được điều cần nói: “Anh Thủy Lê thân yêu, làm sao mà anh có được số điện của em?”. Giọng người đàn ông đã bớt xúc động: “Em là nhà văn nổi tiếng cả thế giới, anh có đọc sách và xem phim “Người tình” của em mà”. “Anh Thủy Lê ơi, anh đang ở đâu, ở Sài Gòn hay Sa Đéc?”, “Anh đang ở gần em đây, ngay Paris”. Bà Marguerite chỉ còn biết kêu lên: “Chúa ơi” trong niềm vui vỡ òa và tràn đầy hạnh phúc.
Gặp lại bên bờ sông Seine
Thủ đô Paris của Pháp luôn là thành phố tráng lệ, nó mang đậm vẻ đẹp của văn hóa Pháp từ ngày xưa cho tới bây giờ. Ở Paris có hai thắng cảnh nổi tiếng mang vẻ đặc trưng của Pháp đó là dòng sông Seine chảy ngang qua thủ đô Paris và tháp Effel. Gần như thành một quy luật, thanh niên nam nữ Pháp khi hẹn hò nhau thì chọn nơi tâm sự là bờ sông Seine thơ mộng, còn người lớn tuổi thì chọn điểm hẹn hò là chân tháp Effel.
Nhưng bà Marguerite Duras đã cố ý chọn bờ sông Seine để gặp gỡ với ông Huỳnh Thủy Lê, trái tim tinh tế của một người phụ nữ, lại là một nhà văn nổi tiếng muốn nhắc cho “người xưa” của mình biết rằng bà vẫn không quên được một buổi chiều cuối năm gặp ông trên chuyến phà Mỹ Thuận ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ của Việt Nam.
Chàng thương gia trai trẻ Huỳnh Thủy Lê ngày nào và cô gái Tây xinh đẹp Marguuerite Duras 15 tuổi đứng dựa trên lan can phà Mỹ Thuận giờ đã là… ông cụ, bà cụ tóc bạc trắng, hai mắt đã mờ đục màu thời gian, giọng khàn khàn, tay chân run lẩy bẩy khi nắm tay nhau đi dọc dài theo bờ sông Seine vào mùa đông nước như đóng thành băng. Nhưng trong lồng ngực của đôi tình nhân ở tuổi thất thập, ngũ thập này trái tim vẫn đập một thứ nhịp mãnh liệt, nóng bỏng.
Hơn 40 năm rồi còn gì, trải qua bao dâu biển, ly loạn… mỗi người ở cách một đại dương, một phương trời nhưng lúc nào cũng nhớ về nhau bằng một thứ tình yêu cháy bỏng của thời tuổi trẻ nên khi gặp lại họ vẫn ngỡ mình vẫn còn ở tuổi thanh xuân. Và có lẽ mang tâm trạng dày vò, dằn xé hơn 40 năm khi chia tay với người yêu không nói được lời từ biệt nên bây giờ ông Huỳnh Thủy Lê cứ cầm bàn tay nhăn nheo, nhìn vào đôi mắt hấp háy sau tròng kính lão của bà Marguerite nói mãi một câu như đã thuộc lòng từ bao giờ: “Marguerite ơi anh vẫn một lòng, một dạ yêu em, yêu hết cả cuộc đời này!”.
du lịch nổi tiếng." src="https://congly.vn/data/news/2014/10/8/59/92jpg1412758030.jpg" style="width: 450px; height: 338px;" />
Nhà cổ của thương gia Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc thành điểm đến du lịch nổi tiếng.
Chỉ một năm sau ngày gặp lại bà Marguerite trên đất Pháp, năm 1972 ông Huỳnh Thủy Lê qua đời tại Sa Đéc, thọ 70 tuổi. Câu chuyện tình thật đẹp trong cảnh éo le ngang trái của chàng thương gia họ Huỳnh và cô gái Tây 15 tuổi Marguerite trên chuyến phà Mỹ Thuận ở Việt Nam sau này trở thành nhà văn nữ nổi tiếng thế giới đã trở thành “điểm nhấn” của tour du lịch TP.HCM - Sa Đéc (Đồng Tháp) bây giờ và khách trong nước, nhất là nước ngoài vẫn luôn tìm đến ngôi nhà cổ xưa của ông Huỳnh Thủy Lê ngay tại thị xã Sa Đéc để tham quan, hồi tưởng lại một trong những mối tình đẹp nhất vẫn tồn tại theo thời gian.