Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nikolay Mladenov, đã nhận định như vậy tại cuộc họp định kỳ về “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine” của Hội đồng Bảo an.
Theo tin từ Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, ngày 23/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp trực tuyến công khai, thảo luận định kỳ về đề mục “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine” trong thời gian gần đây.
Tại cuộc họp, Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nikolay Mladenov, nhấn mạnh tình hình đại dịch Covid-19 đang tác động hết sức tiêu cực đến người dân Palestine cả về y tế, kinh tế, xã hội, đe doạ việc bảo đảm hoạt động của chính quyền Palestine cũng như việc cung cấp các dịch vụ xã hội tối thiểu trong thời gian tới; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân dân Palestine trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nikolay Mladenov
Ông Mladenov cũng cho biết trong một tháng qua, vẫn xảy ra các vụ va chạm giữa người Israel và Palestine, gây ra thương vong cho hai phía, trong đó chủ yếu là người Palestine.
Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình hòa bình Trung Đông nhấn mạnh, các quyết định của Chính phủ liên minh mới thành lập của Israel trong thời gian tới sẽ có tác động đến quỹ đạo của tiến trình hòa bình Trung Đông trong nhiều năm tới; nếu Israel tiến hành các kế hoạch sáp nhập một số vùng lãnh thổ và đẩy nhanh mở rộng các khu định cư, cùng với các hệ lụy nghiêm trọng của dịch Covid-19 thì điều đó sẽ châm ngòi nổ phức tạp, phá hỏng mọi hy vọng cho hoà bình.
Ông Mladenov cho rằng dù có những phức tạp như vậy, vẫn có thể lạc quan nhất là nếu các bên liên quan có thể duy trì hợp tác như Israel và Palestine đã phối hợp để ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua, như việc cùng kiểm tra, chữa trị các bệnh nhân, cung cấp viện trợ y tế, nhân đạo.
Điều phối viên đặc biệt cũng nhấn mạnh các nỗ lực của LHQ và cơ quan LHQ phụ trách hỗ trợ người Palestine (UNRWA) nhằm giúp đỡ Palestine thời gian vừa qua, trong đó có Kế hoạch ứng phó nhằm huy động ít nhất 34 triệu đô la để cung cấp các dịch vụ y tế tại Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem và Dải Gaza.
Phát biểu tại phiên họp, đại đa số các nước đều bày tỏ quan ngại về tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với nhân dân Palestine; nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay của cộng đồng quốc tế và các bên liên quan vấn đề Palestine là cần chung tay nỗ lực ứng phó với đại dịch, tránh các hành động đơn phương, bạo lực, cùng hợp tác để giải quyết các khó khăn trước mắt, nhất là khó khăn đặt ra đối vớichính quyền Palestine.
Ảnh: Reuters
Các nước đều khẳng định cần sớm nối lại thương lượng, đàm phán giữa các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài, toàn diện, dựa trên giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hoà bình, phù hợp với các nghị quyết liên quan của LHQ. Nhiều nước cũng hoan nghênh nỗ lực điều phối của LHQ trong việc viện trợ nhân đạo đối với nhân dân Palestine cũng như giảm thiểu căng thẳng, thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan.
Tham dự cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ các ý kiến nêu trên của các nước thành viên HĐBA, bày tỏ quan ngại về các vụ việc va chạm giữa Israel và Palestine; hoan nghênh việc hai bên đã có điều phối, hợp tác, kể cả trao đổi giữa hai Tổng thống, nhằm ứng phó hiệu quả đối với đại dịch Covid-19; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho nhân dân Palestine và các nỗ lực của LHQ, UNRWA.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng bày tỏ lo ngại về các kế hoạch hành động đơn phương, trong đó có kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine; khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt một giải pháp công bằng, toàn diện, lâu dài cho vấn đề Palestine, dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực đã được quốc tế công nhận, phù hợp với các Nghị quyết của LHQ, giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hoà bình, với Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.