Ông Trump cam kết vào đầu năm 2021 mọi người Mỹ sẽ được tiếp cận vaccine phòng Covid-19 và sau đó sẽ chuyển vaccine đến các nước khác trên thế giới để “vĩnh viễn xóa sổ đại dịch”. Trong khi đó, Tổng thống các nước: Anh, Nga, Pháp lo lắng "cuộc đấu tranh gian khổ" vẫn nằm ở phía trước.
Đầu năm 2021 mọi người Mỹ sẽ được tiếp cận vaccine phòng Covid-19
Ngày 31/12, trong thông điệp tiễn biệt năm 2020 và chào đón năm 2021, Tổng thống Mỹ Donald Trump dành nhiều lời ca ngợi những thành quả mà chính quyền đương nhiệm đã đạt được trong năm qua, gọi đây là những "chiến thắng lịch sử".
Trong thông điệp qua video đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh đối mặt với những thách thức lớn trong năm nay, "người Mỹ đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sức mạnh, sự kiên trì và quyết tâm đáng kinh ngạc và đã cùng nhau đạt được những chiến thắng lịch sử mà không ai nghĩ rằng chúng ta có thể làm được."
Theo ông, để đẩy lùi đại dịch Covid-19, nước Mỹ đã chứng kiến cuộc huy động lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới 2, trong đó các nhà máy được tái cơ cấu để sản xuất hàng chục nghìn máy thở và hàng triệu triệu khẩu trang.
Các liệu pháp và phương pháp điều trị để giảm các triệu chứng của Covid-19 đã được phát triển nhanh chóng, qua đó góp phần cứu sống hàng triệu người Mỹ.
Một thành tựu mà Tổng thống Trump nhấn mạnh là việc phát triển và bào chế vaccine phòng Covid-19 trong thời gian nhanh kỷ lục và đúng với những gì mà ông dự đoán, mặc dù các chuyên gia cho rằng việc có được vaccine vào cuối năm 2020 là "không tưởng."
Ông cam kết vào đầu năm 2021 mọi người Mỹ sẽ được tiếp cận vaccine phòng Covid-19 và sau đó sẽ chuyển vaccine đến các nước khác trên thế giới để “vĩnh viễn xóa sổ đại dịch.”
Tổng thống Trump cũng gửi lời cảm ơn tới người lao động Mỹ, các nhân viên y tế, các nhà khoa học, các quân nhân vì những đóng góp cho những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch.
Tổng thống Trump cũng đặc biệt nêu bật những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế, nhấn mạnh: "Trước đại dịch, chúng ta đã xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới và giờ đây chúng ta đang làm điều đó một lần nữa."
Ông viện dẫn gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử trị giá 3.000 tỷ USD, khẳng định nước Mỹ đã đạt được "những con số chưa từng thấy" với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,7% xuống còn 6,7%; kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 33,4% trong quý 3/2020. Ông tuyên bố Mỹ đã phục hồi nhanh hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu sau khi gần như ngừng hoạt động vào đầu năm 2020 vì đại dịch.
Những thành tích khác của chính quyền đương nhiệm được Tổng thống Trump đề cập ngắn gọn, bao gồm kiểm soát nhập cư vào Mỹ để bảo vệ người lao động trong nước, xây bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico, hạ giá thuốc và ký kết các thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ ở Trung Đông.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Trump kêu gọi mọi người dân cần tiếp tục giữ vững niềm tin và hy vọng, dù vẫn còn rất nhiều điều bất an. Ông gửi lời chúc tới toàn thể người dân Mỹ một năm mới nhiều điều tốt đẹp và bình an.
"Cuộc chiến chống dịch bệnh không dừng lại dù chỉ 1 phút"
Trong thông điệp Năm mới, khi Anh không còn ràng buộc bất kỳ quy định nào của Liên minh châu Âu (EU) vào 23h ngày 31/12, giờ GMT (tức 6h sáng 1/1/2021 giờ Hà Nội), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: "Đây là thời khắc tuyệt vời của đất nước này. Chúng ta có quyền tự do trong tay và nó tùy thuộc khả năng tận dụng tối đa của chúng ta".
Ông Johnson đã nêu rõ những lý do để hy vọng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi mà các vaccine vẫn đang được phân phối, trong đó có loại vaccine do hãng tại Anh và Đại học Oxford bào chế tại Anh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson lưu ý rằng "cuộc đấu tranh gian khổ" vẫn nằm ở phía trước, sau khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.
Trong bài phát biểu mừng Năm mới được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 31/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng làn sóng dịch Covid-19 thứ hai vẫn chưa chấm dứt và đang tiếp tục tàn phá đất nước, nhấn mạnh "cuộc chiến chống dịch bệnh không dừng lại dù chỉ 1 phút".
Ông cho biết nhiều nhân viên y tế vẫn phải làm nhiệm vụ trong đêm Giao thừa, đồng thời kêu gọi người dân không khuất phục trước khó khăn và giữ vững tinh thần đoàn kết. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng sự đoàn kết sẽ giúp người dân Nga có thể "vượt qua mọi khó khăn" và "khôi phục cuộc sống bình thường".
Không giống như nhiều nước châu Âu, Nga tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt vốn được triển khai vào mùa Xuân năm nay với hy vọng hỗ trợ nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá nặng nề. Trong khi một số thành phố lớn đã cắt giảm số nhân viên đến các văn phòng làm việc và các quán bar cũng như nhà hàng phải đóng cửa sớm, hầu hết các khu vực cũng đã áp đặt những biện pháp hạn chế nhằm giảm các buổi tụ họp đông người và bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Phần lớn người dân Nga lựa chọn đón Năm mới năm nay ở nhà, trong phạm vi gia đình, cùng với người thân, bạn bè. Mặc dù phải duy trì các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh như đóng cửa các nhà hát, bảo tàng, triển lãm, hủy bỏ các lễ hội, cùng nhiều sự kiện đại chúng, hạn chế giờ mở cửa của các nhà hàng, quán bar, thậm chí đóng cửa trong mấy ngày đầu năm mới, nhưng thủ đô Moskva, các thành phố Saint.Petersburg, Kazan, Krasnodar và nhiều thành phố khác của Nga vẫn được trang hoàng rực rỡ để đón Năm mới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thông điệp Năm mới lần cuối cùng trên cương vị là người đứng đầu chính phủ sau nhiệm kỳ 4 năm cho rằng, khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chưa từng có trong lịch sử nước Đức có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2021, ngay cả khi các loại vaccine phòng dịch hiện nay đang mang lại những hy vọng nhất định.
Bà Merkel cảnh báo: "Những ngày tháng này... là những thời khắc vô cùng khó khăn đối với đất nước của chúng ta và sẽ còn kéo dài một thời gian nữa". Bà nói: "Mùa Đông này sẽ vẫn rất khó khăn. Những thách thức mà đại dịch tạo ra vẫn rất lớn".
Bà Merkel cảm ơn phần lớn người dân Đức đã tuân thủ các biện pháp hạn chế do giới chức nước này áp đặt để kiểm soát tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, nhưng cũng dành những lời gay gắt với những người đã không tuân thủ các biện pháp chống dịch, như đeo khẩu trang, thậm chí là tham gia các cuộc biểu tình cực đoan.
Mặc dù vậy, bà Merkel bày tỏ hy vọng vào một ngày gần trong năm tới, được chứng kiến nụ cười của những con người đầu tiên được tiêm vaccine trong các viện dưỡng lão và nhân viên y tế. Bà chia sẻ, trong suốt 15 năm lãnh đạo đất nước, dù có rất nhiều lo lắng, nhưng chưa bao giờ bà chứng kiến nước Đức trong tình trạng vội vã muốn bước sang năm mới nhanh như vậy".
Đức, từng được ca ngợi trong cách xử lý khống chế làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, đang chật vật đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Hơn 32.000 ca đã tử vong do mắc Covid-19 tại Đức và ngày 30/12 là ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay với hơn 1.000 ca.
Hiện Đức đang trong giai đoạn áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch dự kiến kéo dài đến hết ngày 10/1/2021. Song song với các biện pháp này, từ ngày 27/12, Đức đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.
Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, lượng vaccine ở Đức sẽ tăng đáng kể trong vài tháng đầu năm 2021 khi năng lực sản xuất vaccine của BioNTech được mở rộng, cộng với việc sẽ có thêm các loại vaccine được cấp phép sử dụng.