Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề "di sản tư liệu" là nội dung mới, trên cơ sở nội luật hóa khuyến nghị của UNESCO. Do vậy, chỉ khuyến khích, không nên quy định thành trách nhiệm hay nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan tổ chức.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, chiều 23/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Về di sản tư liệu, Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là nội dung mới, lần đầu tiên được quy định. Các quy định tại Chương IV của dự thảo Luật về vấn đề này được quy định trên cơ sở nội luật hóa khuyến nghị của Chương trình ký ức thế giới.
Tuy nhiên, theo đại biểu, qua nghiên cứu cho thấy, Chương trình ký ức thế giới là một sáng kiến mới của UNESCO và nội dung các khuyến nghị của Chương trình thì thường xuyên được cập nhật, thay đổi.
Trong khi đó, dự thảo Luật có nhiều quy định khá chi tiết với nhiều nội dung quy định cứng về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương trong việc chỉ đạo, tổ chức kiểm kê, phê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di sản tư liệu hàng năm (Điều 54); xây dựng đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh (Điều 61),
"Thậm chí quy định việc xây dựng kho bảo quản phải theo tiêu chuẩn phù hợp yêu cầu bảo vệ, bảo quản theo loại hình và chất liệu của di sản tư liệu kho bảo quản di sản... Tôi băn khoăn về tính khả thi của các quy định này. Theo tôi, do đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên trước mắt đề nghị chỉ nên quy định theo hướng khuyến khích các cơ quan tổ chức thực hiện, không nên quy định thành trách nhiệm hay nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan tổ chức như dự thảo hiện nay", đại biểu Hiển nêu quan điểm.
Ông Đỗ Đức Hiển cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định về thủ tục đề nghị UNESCO ghi danh đối với di sản tư liệu "còn phức tạp, nhiều tầng nấc". Khuyến nghị của Chương trình ký ức thế giới của UNESCO quy định bất cứ tổ chức, cá nhân nào được sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu tư liệu đều có quyền trình hồ sơ đề cử ghi danh di sản tư liệu khu vực hoặc thế giới của UNESCO.
Trong khi dự thảo Luật (Điều 55) quy định điều kiện phải là di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê di sản tư liệu quốc gia thì mới được đề nghị ghi danh trong các danh mục của UNESCO và phải qua nhiều khâu xét duyệt được quy định (Điều 56). Như vậy là chưa phù hợp với khuyến nghị.
Mặt khác, thời gian vừa qua một số tài liệu quý của nước ta đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực hoặc thế giới, chằng hạn như ”Mộc bản Triều Nguyễn”, ”Châu bản Triều Nguyễn”, ”Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” mà không phải làm các hồ sơ thủ tục công nhận, ghi vào Danh mục kiểm kê di sản tư liệu quốc gia.
Điều 86 dự thảo Luật quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Một trong những yêu cầu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu này là tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu với mục tiêu quy định chung, toàn diện về hoạt động xử lý, quản trị, điều phối dữ liệu, tiêu chuẩn, tiêu chí trong xây dựng, quản lý, vận hành CSDL. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Ban soạn thảo Luật Dữ liệu để chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến nhất trí bổ sung di sản tư liệu vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.
"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, đã chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiện vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
"Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin, được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được; khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được. Vì vậy, tại dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này", ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.