Chính trị

Đại biểu đề xuất biện pháp giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định

Duy Tuấn 21/06/2024 - 15:32

Góp ý về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, một số đại biểu đề nghị nên quy định Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, người chưa thành niên (NCTN) là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên không thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước bất kỳ sự xâm hại nào.

Đặc biệt, khi tham gia vào quy trình tố tụng phức tạp do chưa đủ năng lực để hiểu về pháp luật và quyền lợi của mình nên họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Cha mẹ hay người đại diện theo pháp luật của họ không phải lúc nào cũng sẵn sàng và có đủ khả năng để giúp họ.

nguyenminhtam.jpeg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

"Do đó, để đảm bảo NCTN là người vi phạm pháp luật hay nạn nhân, nhân chứng được tốt hơn, phải hình thành một hệ thống riêng biệt, cơ chế pháp lý đặc thù phù hợp với đặc điểm thể chất, tinh thần, tâm lý ở lứa tuổi này.

Để bảo vệ và giải quyết các vấn đề liên quan đến NCTN một cách tối ưu nhất, việc xây dựng một đạo luật tư pháp NCTN một cách toàn diện, đồng bộ là sự cần thiết"- đại biểu Tâm nhấn mạnh.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 53. Nhất trí với phương án 1, đại biểu cho rằng, quy định cả ba cơ quan gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại mỗi giai đoạn tố tụng.

Riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, đại biểu Tâm đề nghị, biện pháp giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định.

"Quy định như vậy để kịp thời áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN khi đã đủ điều kiện theo quy định, đồng thời giảm tải công việc cho Tòa án cũng như hạn chế các thủ tục không cần thiết"- đại biểu Tâm nêu quan điểm.

ca11(1).jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hiện đang được quy định tại Bộ luật Hình sự là biện pháp tư pháp, còn trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đây là một biện pháp xử lý chuyển hướng.

Cụ thể, tại Điều 96 Bộ luật Hình sự quy định Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 1-2 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu thấy tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

"Do đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp bắt buộc đối với NCTN phạm tội do Tòa án áp dụng, không phụ thuộc vào việc NCTN đồng ý hay không"- đại biểu Thịnh phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu đề xuất biện pháp giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định