Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An (Quảng Nam) lần thứ 3/2019 với chủ đề “Tình sâu nghĩa nặng - Hướng tới tương lai” đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, đặc sắc kết nối 2 thành phố với nhau.
Trong chuỗi hoạt động này, sáng 2/3, tại làng cổ Đông Sơn, UBND TP Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ công bố “Khu du lịch cấp tỉnh di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng”, “Điểm du lịch Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn” và “Tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn”.
Đoàn nghệ thuật Hội An biểu diễn trong buổi lễ Công bố khu du lịch cấp tỉnh tại Thanh Hóa
Làng cổ Đông Sơn nằm bên sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, tên đất, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới - Văn hóa Đông Sơn. Không chỉ có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục, làng cổ Đông Sơn gây ấn tượng cho du khách với cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, mang sắc thái làng quê Bắc Bộ. Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Trống đồng Đông Sơn được tìm thấy tại làng cổ
Danh thắng Hàm Rồng bên bờ Nam sông Mã không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, mà còn là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều giá trị lớn lao về lịch sử, văn hóa và cảnh quan tự nhiên, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/Q Đ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Quy hoạch có quy mô tổng thể trên 561 ha, với diện tích khoanh vùng bảo vệ là 211,83 ha (bao gồm khu bảo vệ I rộng 21,96 ha và khu bảo vệ II rộng 190,44 ha); cùng 2 khu chức năng là trung tâm hành lễ và trung tâm dịch vụ du lịch.
Lãnh đạo TP Thanh Hóa nhận quyết định Khu di tích cấp tỉnh, điểm, tuyến du lịch
Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 315-VH/VP ngày 28/4/1962. Di chỉ có tổng diện tích theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ là 45,032ha, bao gồm khu vực núi Đông Sơn, từ núi ra đến bờ sông Mã và từ cầu Hàm Rồng vào thôn Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng). Hiện nay, các hố khảo cổ đã được lấp lại để bảo quản. Riêng hố khảo cổ trong làng Đông Sơn được giữ lại làm hố trưng bày ngoài trời phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập.
Việc công nhận các khu, điểm du lịch là cơ sở quan trọng để bảo vệ và khai thác giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch thành phố. Nhằm bảo vệ, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, ngày 12/2/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-UBND công nhận di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là khu du lịch cấp tỉnh; Quyết định 579/QĐ-UBND công nhận Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn là điểm du lịch. Đồng thời, yêu cầu UBND TP Thanh Hóa có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan và bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch.
Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tại Tuần văn hóa
Cũng tại buổi lễ, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã công bố tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn với chủ đề “Âm vang làng cổ Đông Sơn”, gồm 14 tour du lịch khởi hành hàng ngày từ làng cổ liên kết với các tuyến, điểm du lịch của TP Thanh Hóa và vùng phụ cận.
Cũng tại TP Thanh Hóa đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An lần thứ 3/2019 với chủ đề “Tình sâu nghĩa nặng - Hướng tới tương lai”. Đây là hoạt động kỷ niệm 58 năm ngày kết nghĩa giữa TP Hội An - TP Thanh Hóa và hưởng ứng Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, 125 năm đô thị tỉnh lị, 25 năm thành lập TP Thanh Hóa, 5 năm TP Thanh Hóa được công nhận đô thị loại I. Đây cũng là cơ hội để hai thành phố quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hóa truyền thống, tiềm năng du lịch, nghệ thuật ẩm thực và các làn điệu dân ca, qua đó khẳng định mối tình kết nghĩa TP Thanh Hóa - TP Hội An ngày càng gắn bó keo sơn.
Du khách được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của Quảng Nam và Thanh Hóa
“Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ của 2 thành phố. TP Hội An tổ chức các hoạt động thử tài chuốt gốm, hát hò khoan, chiếu dân ca, cờ tướng, bài chòi, đập nồi, gấp lá dừa, tập làm và thả hoa đăng, dán lồng đèn tại không gian phố cổ Hội An. TP Thanh Hóa tổ chức các trò chơi dân gian, thi vẽ tranh theo chủ đề “Em yêu thành phố”... Bên cạnh đó là không gian văn hóa ẩm thực gồm các loại quà, bánh truyền thống của Hội An, Thanh Hóa như: Nem chua, chả tôm, bánh cuốn, cháo lươn, bánh khoái, bánh đúc, cao lầu, mì quảng, bánh đập... được người dân và du khách thích thú thưởng thức.
Người dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với những bài hát như: Du thuyền Sông Mã, Hò Sông Mã, trò diễn “Tú Huần”; ca cảnh Bài chòi, múa “Một thoáng Hội An”. Khép lại chương trình nghệ thuật là màn hát múa liên khúc: “Việt Nam quê hương tôi - Nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam”, do các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn nghệ thuật 2 thành phố biểu diễn. Đêm khai mạc được tô điểm với 500 đèn hoa đăng được quan khách và nhân dân thả tại mô phỏng Chùa Cầu trong Công viên Văn hóa Hội An.
Đến với tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An, mọi người được thả hồn mình vào hình ảnh “Người dân phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” với lồng đèn lung linh khoe sắc, cùng sinh hoạt đặc sắc nơi phố cổ Hội An. Năm nay là lần đầu tiên những nét đẹp làng cổ Đông Sơn - TP Thanh Hóa được trưng bày tại công viên Hội An. Trong khuôn khổ tuần văn hóa cũng sẽ công bố tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn, đây là một trong những nét mới trong tuần lễ văn hóa năm nay.
Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An lần 3/2019 diễn ra từ ngày 28/2 đến 3/3.