Ngày 4/8, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế do Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đã đến thực tế kiểm tra tình hình phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Đà Nẵng.
Ông Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận 3.845 ca SXH, tăng 87%,38 so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn có số mắc cao là Thanh Khê (790 ca), Hải Châu (620 ca), Liên Chiểu (624 ca)…
Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, hiện có trên 50 xã, phường có người mắc SXH với 267 ổ dịch SXH nhỏ và đã tiến hành xử lý hóa chất ổ dịch này. Đến nay, Đà Nẵng chưa có trường hợp nào tử vong do SXH.
Đoàn công tác của Cục y tế dự phòng kiểm tra lăng quăng, bọ gậy tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: Anh Đào
“Trong 7 tháng đầu năm 2017, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra khá phức tạp tại 7/7 quận, huyện. Mặc dù ngành y tế đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị triển khai đầy đủ các biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Pasteur Nha Trang. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm”, ông Thạnh nhận định.
Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra ngày 4/8, tại BV Đà Nẵng hiện có 32 bệnh nhân bị SXH đang điều trị, trung tâm y tế quận Sơn Trà, quận Cẩm Lệ cũng đang điều trị khoảng 15 bệnh nhân bị SXH.
Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho hay, năm 2017, tình hình SXH diễn biến sớm hơn mọi năm và đang có chiều hướng gia tăng. Riêng Đà Nẵng là một trong 4 tỉnh có số mắc SXH cao. Nếu tính số ca SXH trên 100.000 dân thì Đà Nẵng là địa phương có số ca mắc cao bệnh nhất cả nước.
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp , ông Tấn đề nghị Đà Nẵng cần quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH, trong đó yêu cầu phải thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân loại tuyến điều trị, tránh việc bệnh nhân đến viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện…