Kinh tế

Đà Nẵng có hơn 2.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Trang Trần 14/04/2023 - 14:57

Đó là nội dung thông tin trong buổi họp báo quý I/2023 do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào sáng nay (14/4).

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, quý I vừa qua, địa phương ghi nhận hơn 2.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái; 168 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 8% so với cùng kỳ do gặp khó khăn, không thể duy trì hoạt động.

Cũng trong thời gian này, TP. Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 800 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái; 673 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 42%.

hon_hai_ngan_doanh_nghiep_o-dn_ngung_hoat_dong-1-.jpg
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể chủ yếu quy mô nhỏ,

So với quý IV/2022, khoảng 50% số doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn hơn và hơn 25% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Tại buổi họp báo quý I/2023, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng Lê Minh Tường cho biết, theo Tổng cục thống kê vừa công bố thì đây là lần đầu tiên trong cả nước các quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập.

“Tại TP. Đà Nẵng, sau đại dịch Covid-19, khả năng chống chịu bị bào mòn nên nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Điều này khiến cho số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng” – ông Lê Minh Tường nói.

Cũng theo ông Tường, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh giải thể chủ yếu quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5 đến 30 người, không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Lĩnh vực giải thể tập trung các nhóm ngành buôn bán, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế tạo, chế biến nhỏ, dịch vụ ăn uống, tư vấn thiết kết quảng cáo…

Nguyên nhân thứ hai khiến hàng ngàn doanh nghiệp trong thể trụ được, theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Đà Nẵng, là khó khăn về dòng tiền. Cụ thể là dòng vốn đang cạn kiệt, lãi suất tăng cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn, sức ép lạm phát, tăng chi phí sản xuất.

Nguyên nhân thứ ba là nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, nhất là doanh nghiệp phụ thuộc xuất khẩu và nhập khẩu.

Trước tình hình này, TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để mở rộng thị trường cũ, tìm kiếm thị trường mới.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư; tập trung công tác xây dựng chính quyền, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và trật tự xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng có hơn 2.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động