Ngày 4/4, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương khẳng định về thông tin 8.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký giải thể là sai sự thật.
Liên quan thông tin trên mạng xã hội về việc gần 8.000 DN ở Bình Dương đăng ký ngưng hoạt động chờ ngày giải thể, lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương khẳng định con số trên là không chính xác.
Theo đó, số DN trong nước đăng ký mới và DN tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng. DN trong nước ở Bình Dương điều chỉnh giảm vốn là 26 đơn vị với 747 tỷ đồng, 147 đơn vị giải thể là 1.145 tỷ đồng. So sánh giữa đăng ký mới, tăng vốn và con số giảm vốn, giải thể chênh lệch khoảng 15.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, Bình Dương có 11 DN FDI đăng ký mới 380 tỷ đồng, tăng vốn 49 DN khoảng 5.200 tỷ đồng; Giảm vốn có 8 DN với 400 tỷ đồng, giải thể 4 DN với 265 tỷ đồng. Đăng ký mới, cộng với tăng vốn khoảng 5.500 - 5.600 tỷ đồng và giải thể, giảm vốn 700 tỷ đồng, con số chênh lệch khoảng 5.000 tỷ đồng.
Từ con số này cho thấy tình hình kinh doanh của DN ở Bình Dương vẫn hoạt động tốt.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng khẳng định, thông tin gần 8.000 DN đăng ký ngưng hoạt động là không đúng.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2023, Bình Dương có 19.654 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 293 đơn vị so với cuối năm 2022). Trong quý I có hơn 36.000 lao động tạm hoãn hợp đồng không hưởng lương, lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 18.000 người (không tăng so với cùng kỳ năm 2022).
Cũng theo ông Phạm Văn Tuyên, do ảnh hưởng tình hình thế giới, lạm phát khiến các DN mất 50% đơn hàng, buộc phải giảm giờ làm và tình hình này vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Để đáp ứng nhu cầu lao động cho DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương sẽ tăng cường đào tạo nghề, gắn kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động để kịp thời nắm bắt công nghệ sản xuất mới tại DN.