Xã hội

Đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Ân- Thái Hiền 02/08/2023 - 09:08

Anh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc Thái chiếm gần 8% dân số toàn huyện. Với phương châm “đối tượng nào, hình thức ấy”, những năm gần đây, huyện đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.  Từ đó, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả nhất trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) là dưới hình thức sân khấu hóa.

tt-1.jpg
Cán bộ xã Hoa Sơn triển khai các văn bản luật cho người dân bản Vĩnh Kim

Qua những tiểu phẩm, kịch ngắn đã hấp dẫn người dân, thu hút mọi đối tượng và có sức lan tỏa, tác động sâu sắc. chị Lữ Thị Sửu, bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) chia sẻ: Cách đây 5 năm về trước, ở bản vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, chuyện mâu thuẫn giữa các gia đình sinh con một bề, tranh chấp tài sản diễn ra thường xuyên.

Nhưng những năm gần đây, được cán bộ tư pháp xã về phổ biến về các Luật, đặc biệt là tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, bằng các cuộc thi văn hoá văn nghệ, tiểu phẩm thì nhận thức của người dân đã thay đổi.

Giờ đây, đời sống bà con bản Vĩnh Kim đã khác trước rất nhiều. Bà con đã biết tập trung phát triển kinh tế, toàn bản có gần 80% hộ đạt gia đình văn hóa, cách đây 3 năm, bản vinh dự được đón làng văn hóa cấp huyện.

Ông Phan Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Xã Hoa Sơn hiện có gần 15% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở hai bản Vĩnh Kim và Yên Hòa, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật, khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, có những tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây các cấp ủy đảng, chính quyền Hoa Sơn đã chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc.

tt-3.jpg
Sân khấu hóa là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất đến đồng bào dân tộc thiểu số 

Việc đầu tiên xã Hoa Sơn triển khai là thành lập ban tuyên truyền trong đó có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên để tuyên truyền đến từng hộ gia đình.

Trong mỗi đợt về bản có đồng bào dân tộc sinh sống xã đã chọn lựa tuyên truyền viên giàu kinh nghiệm tăng cường cho chuyến đi. Nội dung diễn đạt được chuẩn bị gọn, đủ ý, không ôm đồm các điều khoản, văn bản. Nội dung tuyên truyền được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa qua những tình huống cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ liên quan đến các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đất đai, khiếu nại tố cáo.

Vì vậy, mỗi buổi tuyên truyền đều thu hút được rất đông bà con tham gia. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, xã Hoa Sơn đã tổ chức được 10 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với gần 1.500 lượt người tham gia ở 2 bản Yên Hòa và Vĩnh Kim.

Nhờ đó, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện có hơn 80% hộ dân được cấp Giấy chứng nhận Gia đình Văn hóa trong 3 năm liên tục.

Ông Nguyễn Hồng Phi, Trưởng phòng tư pháp huyện Anh Sơn chia sẻ: Với tiêu chí “dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu”, công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện đang được đa dạng hóa bằng nhiều hình thưc phong phú như tăng cường giáo dục pháp luật qua đài truyền thanh huyện; phát miễn phí các tài liệu pháp luật, giáo dục pháp luật trong nhà trường; thành lập câu lạc bộ pháp luật, hòa giải cơ sở.

Hiện nay, 21 xã thị trấn trên địa bàn huyện đã có tủ sách pháp luật, với ít nhất 300 đầu sách, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc tìm hiểu các kiến thức về pháp luật, đến nay Anh Sơn có hơn 180 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, và 155 tổ hòa giải. Điều đáng ghi nhận trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở huyện Anh Sơn là việc phối hợp, triển khai công tác này khá đồng đều của các ban, ngành cấp huyện và cơ sở.

tt-2.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Công an tuyên truyền pháp luật cho bà con bản Vều 1

Trong năm 2022, đã tổ chức tuyên truyền PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Cẩm Sơn, Hoa Sơn, Bình Sơn, Tường Sơn qua các tiểu phẩm đã tuyên truyền về Phòng chống bạo lực gia đình; Phòng chống phường hụi, tín dụng đen; Phòng chống tệ nạn xã hội Ma túy và Mại dâm, với trên 4.500 lượt người tham gia hưởng ứng; ngoài ra 21 xã thị trấn đã tổ chức 190 cuộc tuyên truyền PBGDPL, cho trên 23.000 người tham gia.

Với những cách làm thiết thực, hiệu quả, công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện từng bước chuyển biến tích cực và đem lại hiệu quả nhiều mặt.

Nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số ngày được nâng lên, các hành vi vi phạm pháp luật do tập quán, thói quen dần được xóa bỏ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số