Trước HĐXX, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo Dũng nghẹn ngào: “Cả đời tôi cũng đã phấn đấu, cống hiến, mong được trở về với gia đình trong những năm cuối của cuộc đời”.
Trình bày trước HĐXX, luật sư của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, khẳng định, Viện Kiểm sát truy tố về tội “Nhận hối lộ” đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, vị này cho rằng, cần làm rõ hơn những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để Hội đồng xem xét, đưa ra phán quyết cuối cùng.
Theo luật sư, trước khi xét duyệt chuyến bay combo vào năm 2021, bị cáo Dũng không có bất kỳ mối quan hệ nào với các cá nhân trong danh sách 13 công ty được phê duyệt các chuyến bay, trong đó 7 công ty đã tham gia từ năm 2020; 6 công ty còn lại là do quan hệ của các Bộ ngành đến tiếp xúc với bị cáo.
Thêm vào đó, bị cáo Dũng không có những hành động hứa hẹn, thỏa thuận để đưa các doanh nghiệp này vào danh sách đề xuất, cấp phép chuyến bay; không có thỏa thuận về ăn chia, và cũng không gây khó dễ khi tham gia xét duyệt.
Viện dẫn thêm căn cứ thể hiện sự khách quan của bị cáo Dũng, luật sư cho biết, trong số 47 doanh nghiệp tham gia hoạt động các chuyến bay combo, chỉ có 13 doanh nghiệp đến gặp, còn lại bị cáo Dũng hoàn toàn không biết các doanh nghiệp khác là ai, không đến gặp.
Thêm vào đó, sau khi có chuyến bay được phê duyệt, một thời gian sau các cá nhân mới gọi điện, đề nghị đến gặp, nhưng ban đầu cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đều từ chối. Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp này tha thiết xin gặp, bị cáo Dũng cũng là muốn nghe các cá nhân này trình bày các khó khăn, thuận lợi liên quan, để rút kinh nghiệm cho các chuyến bay sau, nên đã đồng ý gặp.
Cũng theo luật sư, bị cáo Dũng nhận thức, sau khi các chuyến bay được hoàn thành, các doanh nghiệp mới đến cảm ơn, do trước đó bị cáo đã hướng dẫn nhiệt tình, không có vụ lợi gì.
Ngoài ra, khi vụ án được điều tra, bị cáo đã nhận thức rằng, là công chức nhà nước nhận bất cứ số tiền nào cũng là vi phạm pháp luật, do đó đã tích cực khai báo, đồng thời khắc phục hoàn toàn số tiền 21,5 tỷ đồng là hậu quả trong vụ án do mình gây ra.
Được trình bày thêm ý kiến, bị cáo Tô Anh Dũng cho rằng, luôn thành khẩn nhận tội, theo như những nội dung đã được nêu trong cáo trạng.
Theo bị cáo: “Trong thời gian dịch bệnh, được giao làm thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tôi cũng nhận thức được trách nhiệm của mình để nỗ lực, cố gắng khắc phục nhanh nhất dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại với người dân, cũng như bảo hộ các công dân ở nước ngoài. Do đó, trong việc tham mưu chính sách, không bao giờ nghĩ đến việc trục lợi. Liên quan tới các chuyến bay combo, cá nhân tôi với chức năng nhiệm vụ được giao, đã hết sức nỗ lực xây dựng quy trình để triển khai, với mong muốn bà con trở về nước nhanh nhất, an toàn nhất, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.
Theo bị cáo Dũng, xuất phát từ sự nể nang, mong muốn doanh nghiệp triển khai sớm các chủ trương của Nhà nước; thêm vào đó là nhận thức đơn giản, không nhận thức được hành vi nhận tiền cảm ơn là hành vi vi phạm. Quá trình điều tra, các cán bộ giải thích và đọc luật, nên đã nhận thức được hành vi, đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo.
Cũng trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), mong HĐXX xem xét về tinh thần, thái độ, trách nhiệm đối với công việc của mình.
Bị cáo Lan khẳng định, trong quá trình làm việc, bản thân đã luôn đặt công tác bảo hộ công dân lên hàng đầu, đặt lợi ích của công dân lên trên tất cả. "Bị cáo luôn coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân của gia đình mình, cần phải hỗ trợ để đưa người dân về nước trong thời gian sớm nhất và hiệu quả nhất", bị cáo Lan nói.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nêu rõ, trong năm 2021, một số doanh nghiệp đã đề xuất các chuyến bay combo đưa công dân về đều cách ly ở các cơ sở của quân đội để tăng số lượng các chuyến bay. Tuy nhiên, bị cáo Lan cho rằng, công dân mắc kẹt ở nước ngoài có nhiều thành phần, trong đó có người không đủ điều kiện kinh tế để tham gia chuyến bay combo của doanh nghiệp, do đó vẫn phải duy trì các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về cách ly tại các cơ sở quân đội, song song với các chuyến bay combo.
Bên cạnh đó, bị cáo cho biết khi tiếp nhận thông tin nhiều công dân phản ánh về việc giá vé của các chuyến bay ở mức cao, bị cáo đã đề nghị Phòng Bảo hộ công dân can thiệp và trực tiếp đề nghị với các doanh nghiệp kiểm soát giá vé, đảm bảo quyền lợi cho công dân.
Cho rằng việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đã từng có những tiền lệ trước đó, bị cáo Lan dẫn chứng, năm 2021 đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa hơn 10.000 công dân bị mắc kẹt ở Libya. Hay năm 2019, Bộ Ngoại giao phối hợp kiến nghị đưa khẩn cấp thi thể 39 nạn nhân tử vong trong container đông lạnh ở Anh về.
Từ đó, bà Lan khẳng định việc kiến nghị tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước khi đại dịch diễn ra là đúng với thẩm quyền và nhiệm vụ của công tác bảo hộ công dân mà Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Cục Lãnh sự được giao, hoàn toàn không có chuyện lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.
Về vấn đề xem xét các tài sản của bị cáo hiện đang bị kê biên, phong tỏa, bà Lan bày tỏ mong muốn HĐXX cho giải tỏa kê biên căn chung cư tại quận Nam Từ Liêm để gia đình bị cáo có nơi sinh sống và bị cáo "có nơi để quay về sau khi đã hoàn thành án".
Các phần tài sản còn lại, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan cũng xin được giải tỏa kê biên để gia đình xử lý, lấy tiền nộp khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo.