Cựu Thẩm phán Đỗ Văn Chỉnh - Một tấm gương thanh liêm, chính trực

Quàng Hà| 13/09/2021 15:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiểu pháp luật và luôn cố gắng cống hiến kiến thức của mình cho người dân thông qua báo chí, Ông Đỗ Văn Chỉnh – cựu Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã được coi là “từ điển sống” về pháp luật của không chỉ các Thẩm phán, ông còn là kho tư liệu quý giá về pháp luật đối với các cơ quan báo chí để đưa pháp luật đến với dư luận xã hội.

Vị Thẩm phán giải đáp pháp luật bằng báo chí

Đã có 26 năm công tác trong ngành Tòa án (từ năm 1978 đến năm 2004), ông Đỗ Văn Chỉnh từng giữ các cương vị: Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội (1996-1989), Trưởng ban Thanh tra TANDTC (1989-2004), và Thẩm phán TANDTC - thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC (1989-2004). Nghỉ hưu ở tuổi 64, nhưng ông tiếp tục tham gia giảng dạy các khóa đào tạo Thẩm phán tại Học viện Tư pháp (2006 – 2013).

Nổi bật trên cương vị công tác của ông là giai đoạn ông giữ cương vị Trưởng ban Ban thanh tra TANDTC. Thời điểm đó, Ban Thanh tra có chức năng thanh tra nghiệp vụ xét xử, không thanh tra về công tác cán bộ, đơn thư khiếu nại tố cáo như sau này – Có những vụ án người dân khiếu nại phức tạp, đã được các Tòa chuyên trách trả lời, nhưng vẫn còn khiếu nại thì Chánh án chuyển cho Thanh tra xem xét, đề xuất hướng giải quyết. Sau một thời gian, nhận thấy hoạt động của Thanh tra rất hiệu quả, Chánh án chỉ đạo Ban Thanh tra trực tiếp đến các Tòa phúc thẩm và các Tòa án địa phương thanh tra, xem lại những vụ án khiếu nại gay gắt nói riêng và cả các bản án có hiệu lực pháp luật nói chung, nếu phát hiện sai sót thì xử lý ngay, như vậy đỡ cho người dân khắp cả nước mang đơn khiếu nại về Hà Nội.

1.-bac-chinh.jpeg
Chân dung cựu Thẩm phán Đỗ văn Chỉnh

Với nhiệm vụ được giao, khi đó mỗi chuyến Ban Thanh tra đi công tác kéo dài hàng chục ngày, thậm chí hàng tháng. Công việc của đoàn là kiểm tra tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trong một năm. Nếu đoàn phát hiện có những sai sót sẽ nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Còn có những sai sót nghiêm trọng của cấp tòa địa phương, vụ việc sẽ được báo cáo Chánh án TANDTC đề xuất kháng nghị để xét xử lại. 

Sau mỗi vụ việc được giải quyết thấu đáo, ông Đỗ Văn Chỉnh lại viết bài đăng trên Tạp chí Tòa án, Tạp chí Pháp lý… để rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành. Các bài viết của ông luôn được Chánh án TANDTC Phạm Hưng và sau đó là Chánh án Trịnh Hồng Dương ủng hộ với ý nghĩa cùng trao đổi, rút kinh nghiệm trong toàn ngành. 

Với tính cách khiêm nhường, liêm chính, Ông Chỉnh luôn cẩn trọng và tránh làm phiền Tòa án nơi mình thanh tra, chủ động giữ quan hệ đúng mức giữa đoàn thanh tra với đơn vị được thanh tra; giữ quan hệ giữa các thành viên nội bộ đoàn thanh tra với nhau. 

Để việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư của công dân được nhanh chóng, năm 1998, Tòa án tối cao thành lập Phòng tiếp dân thuộc Ban Thanh tra. Ông Chỉnh cho rằng cán bộ tiếp dân là bộ mặt của cơ quan nên phải chọn người phù hợp, nhã nhặn, lịch thiệp, tư cách đạo đức tốt bên cạnh yêu cầu về chuyên môn. Nhận được đơn khiếu nại của người dân, nếu thuộc thẩm quyền của các tòa chuyên trách thì chuyển đơn, nếu vụ việc nóng, cấp bách thì tùy từng trường hợp Ban Thanh tra đề nghị Chánh án tiếp dân, yêu cầu Tòa đã xét xử vụ án gửi hồ sơ lên để nghiên cứu, nếu phát hiện sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì nhất định đề xuất Chánh án kháng nghị. 

Đa số kiến nghị của Thanh tra khi đó được Chánh án TANDTC chấp nhận, nên nhiều Thẩm phán buồn lòng vì… bị hủy án. Được biết, cộng sự của ông Đỗ Văn Chỉnh là những thanh tra tâm huyết và có tinh thần trách nhiệm cao như ông Lê Ngọc Ánh, ông Nguyễn Văn Dân, ông Lê Bá Thân… nên hoạt động của Ban thanh tra TANDTC rất hiệu quả. 

Cả đời gắn bó với Tòa án, với nghề Thẩm phán, ông tâm niệm: Về mặt nguyên tắc, Tòa án phải đảm bảo sự công bằng, xét xử độc lập và đúng luật. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Ban thanh tra TANDTC đã cho ông một cái nhìn đa chiều, thấu đáo hơn về các vụ án, đặc biệt là các vụ án có nhiều sai sót trong xét xử. “Có quyết định bảo họ không hiểu luật thì cũng không hẳn. Bảo họ nhận tiền bôi trơn thì cũng khó chứng minh. Nhưng có một điều dễ thấy là nhiều khi người ta nể nang, bao che cho nhau, ví như khi bị cáo cùng là công chức, nhất lại là lãnh đạo cấp Sở mà Tòa án cấp huyện xét xử thì dễ có sự nương tay. Xong rồi liên quan đến vấn đề thành tích, nếu như việc xét xử có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng không bị phanh phui thì họ cứ ung dung cho qua bởi nếu xử lại thì ảnh hưởng đến thi đua của cơ quan. Từ đó đã tạo ra tiền lệ xấu, để nếu có vụ án tương tự thì người ta “há miệng mắc quai”, khó mà làm nghiêm được. Nhưng chỉ vì như thế mà trách riêng Thẩm phán thì cũng không công bằng. Cần phải xem xét ở cả khâu điều tra của công an, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nữa xem họ làm đã đúng chưa”.

Ngoài công việc chuyên môn mẫn cán, ông Đỗ Văn Chỉnh còn là một Thẩm phán liêm khiết, mẫu mực. Suốt cuộc đời công tác trong ngành Tòa án, ông sống tại căn hộ chỉ 24m2 trên tầng 5 khu tập thể cũ ở phố Giảng Võ - Hà Nội. Tài sản của ông chủ yếu là sách vở cùng các tài liệu nghiên cứu suốt mấy chục năm, nhưng có giá trị kiến thức rất cao của nghề cầm “cán cân công lý”.

Trưởng ban Thanh tra Đỗ Văn Chỉnh còn có thói quen trước khi nghỉ Tết, sau khi dặn dò công việc cho mọi người trong cuộc họp cuối năm, ông chúc Tết anh em và gửi tiền mừng tuổi cho mỗi cháu 10 ngàn đồng đối với ai có con nhỏ, rồi “chốt” lại: Tết là ngày dành cho gia đình, tôi đề nghị tuyệt đối không ai đến chúc tết nhà tôi. Phải đến khi ông nghỉ hưu, anh em trong cơ quan mới được đến thăm ông và chúc Tết.

 Một “từ điển sống” về pháp luật 

Với kinh nghiệm phong phú từ thực tế công việc, nguyên Thẩm phán, Chánh thanh tra TAND Tối cao Đỗ Văn Chỉnh đã có hơn 200 bài báo liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, dưới nhiều thể loại khác nhau được ông nghiên cứu, “chắt lọc” để chia sẻ với những người làm công tác chuyên môn. 

Được biết, ông Chỉnh là một cộng tác viên thân thiết và lâu năm nhất của Báo Công lý, Tạp chí Tòa án với những bài viết chuyên sâu về pháp luật hình sự, dân sự, hành chính và pháp luật tố tụng. Trong đó, điều được ông quan tâm nhất là vấn đề cải cách tư pháp. 

Trong các bài viết của mình, ông không những chỉ ra sai sót, mà còn nêu rõ vấn đề sai so với quy định nào, văn bản nào và phải áp dụng quy định nào; những mấu chốt pháp lý giúp cơ quan chức năng và người dân giải quyết vụ việc đúng với pháp luật hiện hành. Bên cạnh những bài có tính chất chuyên môn, ông cũng đã có nhiều bài viết hoặc ý kiến về nhiều vụ việc mà dư luận quan tâm về vấn đề pháp lý, cũng như cách xử lý chưa thỏa đáng của các cơ quan có thẩm quyền…

Với lối viết thẳng thắn, không ngại va chạm, dựa trên những văn bản luật pháp xác đáng, những bài báo của ông đã giúp người dân hiểu vấn đề dưới góc nhìn pháp luật, giúp các cơ quan liên quan có cách nhìn đa chiều về vụ việc.

Trên báo Dân trí có đăng bài ông Đỗ Văn Chỉnh trả lời phỏng vấn về cải cách tư pháp, ông nói: “Thực tế việc cải cách đã được tiến hành từ nhiều năm qua nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong cải cách cũng phải đề cao trách nhiệm của những cán bộ, trong nhiều vụ án chính những cán bộ tham gia tố tụng lại làm thiệt hại cho Nhà nước, oan sai cho người dân, tuy nhiên việc xử lý lại chưa nghiêm. Chưa có ai bị truy tố vì xử oan cho người vô tội cả!”

chinh.jpg
Tuyển tập những bài báo đã đăng được xuất bản năm 2020 của tác giả Đỗ Văn Chỉnh.

Ông Chỉnh cũng đưa ra nhận xét: “Hiện nay, nội dung cải cách mới chỉ đi vào phần tranh tụng mà chưa chú trọng vào các phần chính yếu của tố tụng. Lẽ ra, chúng ta phải cải cách từ khâu điều tra, nghĩa là luật sư phải được tham gia vào quá trình hỏi cung để tránh bị bức cung, ép cung”. Vấn đề nêu trên, ngay sau đó đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đưa vấn đề luật sư tham gia từ khâu điều tra vào Luật.

Ông Đỗ Văn Chỉnh cũng từng chia sẻ: “Nếu đưa ra xét xử, kết tội oan cho một người thì phải coi đây là một thảm họa cho bản thân họ và cả gia đình của họ. Phải coi đây là một việc mà cả cộng đồng chúng ta phải chịu trách nhiệm. Đây là một vấn đề lớn thuộc trách nhiệm của cả một hệ thống cơ quan tư pháp”. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những “khiếm khuyết” của ngành Tòa án: “Ngay trong ngành Tòa án nhiều người xét xử chưa thật khách quan. Việc “chạy án” là có và đã có nhiều điều tra viên bị đi tù vì làm sai lệch hồ sơ, nhiều lãnh đạo Tòa án bị truy tố vì tội nhận hối lộ. Việc phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực này không đơn giản. Hoặc phát hiện, xử lý nhưng lại làm nửa vời, lấy lệ, chưa triệt để nhiều khi trở thành tiền lệ”. 

Không chỉ những vấn đề thuộc các ban, ngành khác ông mới lên tiếng mà rất nhiều vụ việc, vấn đề thuộc Tòa án nơi ông công tác, ông cũng không ngại nêu quan điểm của mình. Tra trên Google, chỉ trong giây lát đã tìm thấy nhiều bài viết, nhiều ý kiến của ông được đăng ở nhiều cơ quan báo chí như: “Vụ “nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Bị cáo có thực hiện hành vi “khủng bố”?; “Vụ án OceanBank: Cần xét lại tội danh và làm rõ những góc khuất”; “Vụ kỳ án ở Nhơn Trạch, Đồng Nai - Bài học rút ra từ vụ án kéo dài gần 20 năm”; “Vụ tranh chấp đất ở Cà Mau: 7 năm 9 bản án vẫn còn đó…” ; “Nhiều Thẩm phán như máy phát thanh hợp pháp”… 

Được biết, ông còn viết nhiều bài báo dưới bút danh Đỗ Thanh Huyền, Lý Minh để chia sẻ quan điểm của mình. Những bài viết thẳng thắn, mang tính phê phán không nể nang được coi là phong cách của Trưởng ban Thanh tra TANDTC, là cây “từ điển sống” mà các Thẩm phán cũng như các nhà báo “pháp đình” của nhiều tờ báo mến tặng ông.

          Sau một thời gian lâm bệnh nặng, cây “từ điển sống” Đỗ Văn Chỉnh đã ra đi mãi mãi kể từ ngày 2/6/2021. Dù đã đi xa, nhưng ông dành lại biết bao ân tình cho người thân, bạn bè và cả những người được ông giúp  đỡ nhưng chưa bao giờ gặp mặt... Nhân ngày truyền thống của ngành, nhắc lại những câu chuyện về cây “từ điển sống” Đỗ Văn Chỉnh để chúng ta cùng nhớ về người cán bộ Tòa án liêm khiết, chính trực, giỏi chuyên môn… luôn tận tâm về công việc. Một nén tâm nhang nhớ về ông.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Thẩm phán Đỗ Văn Chỉnh - Một tấm gương thanh liêm, chính trực