Chuyện về một cựu Thẩm phán yêu nghề luật sư

Bình Nguyên| 29/09/2019 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều người biết đến chị với vai trò là một nữ Thẩm phán kỳ cựu, mạnh mẽ, làm việc trong môi trường quân đội. Chị đã nỗ lực hết mình phấn đấu cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học pháp lý cũng như hoạt động xét xử.

Chính vì thế, chị đã thành danh trong lĩnh vực mà bản thân đam mê. Đó là luật sư Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm II, Tòa án quân sự Trung ương.

Từ người Thẩm phán hết mình vì công việc...

Trong lịch sử ngành Tòa án quân sự, chị là người phụ nữ đầu tiên dấn thân vào nghiệp Tòa án binh. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Đại học pháp lý (nay là Đại học Luật), chị về công tác tại Tòa án quân sự Quân khu 2. Phận liễu yếu đào tơ, hoạt động trong môi trường quân đội, nhưng chị không quản ngại mà sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào do Thủ trưởng đơn vị giao phó. Theo chị, việc càng khó khăn, con người càng được thử thách và vì thế sẽ càng trưởng thành hơn.

Với chị, công việc khó khăn chính là cơ hội để chị được học hỏi, được trải nghiệm, được áp dụng kiến thức thu nhận trong trường đại học vào thực tiễn. Ngoài công việc chuyên môn được giao, chị còn say mê nghiên cứu khoa học pháp lý, là cộng tác viên tích cực của tạp chí chuyên ngành Tòa án và và một số tờ báo. Đồng thời, chị rất nhiệt tình tham gia các phong trào quần chúng, nhiều năm giữ các chức vụ Bí thư Đoàn, Ban chấp hành Hội phụ nữ cơ sở.

Nghề xét xử trong quân đội có đặc thù riêng. Các Tòa án quân sự chỉ tổ chức xét xử các vụ án hình sự và hầu hết là xét xử lưu động tại các đơn vị. Dự phiên tòa thường là hàng trăm cán bộ, chiến sỹ các đơn vị và nhân dân địa phương. Vì vậy, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rất cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng điều hành phiên tòa nghiêm minh và xử lý đúng pháp luật các tình huống trước “ba quân”. Hiệu ứng từ mỗi hành vi và quyết định của Chủ tọa phiên tòa có sức ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng tới cán bộ, chiến sỹ, góp phần củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của bộ đội đối với công lý,  giữ vững kỷ cương, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội. Cũng vì thế mà việc xem xét bổ nhiệm một phụ nữ làm Thẩm phán Tòa án quân sự khiến lãnh đạo ngành hết sức băn khoăn, nhất là trong điều kiện lịch sử ngành Tòa án quân sự chưa có tiền lệ bổ nhiệm Thẩm phán nữ. Sau hơn 10 năm theo dõi, chứng kiến những bước trưởng thành của chị, cuối cùng, Đảng ủy Quân sự, Tư lệnh Quân khu 2 và lãnh đạo ngành Tòa án quân sự đã đặt trọn niềm tin vào người nữ sỹ quan quân đội ấy...

Chuyện về một cựu Thẩm phán yêu nghề luật sư

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết với thân chủ của mình trước phiên xét xử

Sau gần 20 năm vững vàng trên cương vị Thẩm phán, chị còn được giao đảm nhiệm các trọng trách Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Tổng hợp, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm II, Tòa án quân sự Trung ương và Giảng viên kiêm chức Học viện Tư pháp, Học viện Tòa án. Năm 2019, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Quân đội giao phó và nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Chị tâm sự: Mặc dù đã được nghỉ hưu, nhưng niềm đam mê và năng lượng làm việc trong chị vẫn tràn đầy; Những kiến thức chuyên môn về pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp có được sau 30 năm gắn bó với ngành Tòa án không cho phép chị lãng phí. Vì vậy, chị quyết định gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để tiếp tục được làm những công việc mà mình yêu thích.

Bước vào lĩnh vực làm việc mới, từ nghề xét xử, nay chuyển sang nghề “thầy cãi”, chị không cảm thấy lạ lẫm. Bởi chính vai trò Thẩm phán mấy chục năm qua đã tạo điều kiện vững chắc để chị tư vấn pháp luật chính xác và tham gia tranh tụng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức tại phiên tòa, góp phần chống oan sai trong xét xử các vụ án hình sự. Mặt khác, chị được người bạn đời - Luật sư kỳ cựu Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Cường tạo điều kiện thuận lợi để vợ phát huy năng lực của mình.

... Đến nữ luật sư tận tâm với nghề

  Dù là Thẩm phán trước đây hay hay luật sư hiện nay, sau khi xét xử các vụ án hoặc tham gia tố tụng bào chữa/bảo vệ cho bị can, bị cáo,  đương sự, chị đều có những chia sẻ hữu ích đến độc giả. Gặp chị, không khó để nhận ra chị - một Thẩm phán, một Luật sư đau đáu với nghề, với người, với những số phận, những mảnh đời, những hoàn cảnh éo le mà chị chứng kiến. Đằng sau những phiên tòa, những câu chuyện mà chị chia sẻ, là những trăn trở, băn khoăn thẫm đẫm tình người và những thông điệp hết sức nhân văn mà chị muốn gửi tới mọi người.

Một trong những vụ án chị chia sẻ khá ấn tượng là trường hợp 7 người con trong một gia đình đã đâm khởi kiện yêu cầu hủy “bìa đỏ” của bà mẹ và người em trai út. Trong khi trước đó, 7/8 người đã “từ chối nhận thừa kế” và đồng ý cho mẹ đứng tên thửa đất là tài sản của người cha quá cố để lại. Sau khi được đứng tên thửa đất đó, bà đã làm hợp đồng tặng cho vợ chồng cậu con trai út một phần. Vì thế, một phần đất của cha đã được sang tên cho vợ chồng người em. Vậy mà giờ đây, họ lại nhất loạt yêu cầu hủy bìa đỏ để đòi chia thừa kế mảnh đất của em mình.

Thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật của Công ty, chị nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cậu em út - bị đơn của vụ án dân sự này. Vốn từng là một Thẩm phán, kiến thức và kinh nghiệp nghề nghiệp mách bảo chị rằng, khách hàng của chị có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi văn bản nhận thừa kế của bà cụ chỉ vô hiệu một phần (phần của người con gái không trực tiếp ký từ chối nhận di sản thừa kế). Hợp đồng tặng cho tài sản giữa bà mẹ và vợ chồng người con út hoàn toàn hợp pháp, pháp luật  luôn bảo vệ người thứ ba ngay tình…

Tuy nhiên, nỗi băn khoăn, trăn trở không nằm ở kết quả tranh tụng và lời tuyên án của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, mà nằm ở “nhân tình thế thái”, anh em ruột rà mà đối với nhau như vậy thì thật xót xa. Giờ đây, căn nhà lụp xụp trên thửa đất hơn 100m2 được mẹ tặng cho người em nơi vùng quê nghèo đã trở thành “miếng bánh” hấp dẫn để 8 anh chị em ruột thịt và bà mẹ già vô tội đưa nhau tới chốn pháp đình kiện tụng. Với sự tư vấn của chị, cùng sự hòa giải của người Thẩm phán Tòa án có tâm, những “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” ấy đã hiểu ra vấn đề và tự nguyện “rút đơn” khởi kiện. Và, chị vui bởi tình cốt nhục đã được cứu vãn.

Chị nói: “Dù nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện với bất kỳ lý do gì, thì tôi vẫn vui và tin, rằng phần nhân thiện trong mỗi con người vẫn hiện hữu và xuất hiện đúng lúc, để cứu rỗi linh hồn những kẻ đã ít nhiều trượt khỏi quỹ đạo của tình cốt nhục”.

Mới đây, qua điện thoại, chị đã tư vấn cho một cặp vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ được đoàn tụ. Đó là trường hợp ở Hải Hậu, Nam Định. Người vợ vừa khóc, vừa kể về mâu thuẫn của vợ chồng, về sự nghi ngờ, ghen tuông của người chồng làm cho mình oan ức. Bị xúc phạm và tổn thương, chị muốn được ly hôn ngay lập tức. Đôi vợ chồng trẻ nhưng đã là tỷ phú (tài sản chung hơn 10 tỷ đồng), bởi họ kinh doanh mỗi người một lĩnh vực và đều phát đạt. Cho nên, người vợ nhờ luật sư vào cuộc để nhanh chóng được giải phóng và được chia tài sản công bằng.

Nghe xong gia cảnh khách hàng, chị hỏi han, chia sẻ về những tình tiết liên quan tới tình cảm vợ chồng, về con cái, về những điều mà vợ chồng cùng quan tâm, về mấu chốt và mức độ của sự mâu thuẫn, về tâm trạng những đứa con thơ…Sau hai giờ đồng hồ tư vấn qua điện thoại, chị nhận thấy đôi trẻ vẫn chưa hết yêu nhau. Từ lời tâm sự của chị, người vợ như được vơi đi nỗi niềm, được chia sẻ, được động viên và được giải tỏa bức xúc…

Ba hôm sau, chị nhận được cuộc điện thoại từ bên kia đầu dây, người vợ với một giọng nói hồ hởi, thẹn thùng “báo tin” cho luật sư biết nhờ sự tư vấn tận tâm của chị mà vợ chồng họ đã không phải ly hôn. Chưa một lần gặp mặt nhưng người phụ nữ vô cùng cảm động vì được tư vấn một cách vô tư mà không hề có cuộc “ngã giá” hay đề nghị “ký hợp đồng dịch vụ pháp lý nào”- điều dường như rất hiếm đối với những văn phòng/luật sư hiện nay. Nghe xong cuộc điện thoại ấy, chị thấy mình yêu đời, yêu nghề, yêu bản thân và yêu cuộc sống này hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một cựu Thẩm phán yêu nghề luật sư