Trước khi phiên tòa nghị án, chiều 30/10 khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, bị cáo Lê Thanh Liêm đề nghị xem xét việc ông bị cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước gây thất thoát lãng phí, nhưng lại trên thực tế lại không có thiệt hại.
Tại phiên tòa, ông Phạm Hồng Thái, Kế toán trưởng của Sở Y tế Long an cho biết: Việc ông Liêm ký phụ lục hợp đồng là đúng thực tế và đúng quy định pháp luật. Trong hồ sơ thanh toán, có văn bản xác nhận của Sony, trên thị trường không loại thiết bị cùng chủng loại, model… được sản xuất ở Nhật nên đây là tình huống bất khả kháng. Nếu không điều chỉnh xuất xứ thì không thể thực hiện được gói thầu.
Việc thanh toán khối lượng hoàn thành, thanh lý hợp đồng và đưa vào sử dụng chưa phải thời điểm gói thầu kết thúc. Gói thầu chỉ kết thúc khi có quyết toán của UBND tỉnh và chủ đầu tư thực hiện xong những yêu cầu của UBND tỉnh trong quyết định quyết toán. Thời điểm đó, theo quy định, nhà thầu phải “treo” số tiền 5% giá trị gói thầu để cam kết trả lại tiền nếu quyết toán của dự án là dư. Trong dự án này, không có sự thất thoát ngân sách nhà nước vì nhà thầu đã trả lại 735 triệu vào NSNN theo đúng quyết toán, ông Thái cho biết.
Bị cáo Lê Thanh Liêm cũng cho rằng, gói thầu không có thiệt hại vì số tiền thanh toán dư đã được chủ đầu tư thu hồi theo đúng quyết định của UBND tỉnh. Thời điểm trước 19/8/2019, chưa kết thúc gói thầu, chưa được quyết toán mà Sở Tài chính đã có kết luận định giá và cho rằng thất thoát ngân sách. Dựa trên kết luận đó, CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị cáo là không đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, phía đại diện VKS vẫn cho rằng, trong quá trình thực hiện gói thầu, ông Liêm “biết rõ các quy định về đấu thầu, quy trình, nhưng chủ quan không thực hiện đúng dẫn đến thất thoát số tiền 911 triệu. Khi tiền đã chuyển vào tài khoản của nhà thầu, là Sở Y tế mất quyền sở hữu, kiểm soát số tiền 1,92 tỷ là đã thất thoát 911 triệu; chứ không cần tính đến quy định quyết toán dự án, VKS cho biết. VKS cũng cho rằng bị cáo Liêm có lỗi gián tiếp trong vụ việc này.
Về các kết luận giám định (KLGĐ) của Sở Tài chính, VKS cho rằng KLGĐ 803/KLGĐ-STC và 2602/KLGĐ-STC vào năm 2017 là để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn KLGĐ 4213/KLGĐ-STC ngày 25/9/2020 là dùng để kết luận điều tra và truy tố. KLGĐ 4213 là giám định về giá thiết bị trong gói thầu.
Vậy nên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Liêm 3-4 năm tù.
Các Luật sư không đồng ý với nhận định của VKS. Vì cấu thành tội phạm của tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại của BLHS 1999 phải có cấu thành là lỗi cố ý trực tiếp; và có hậu quả nghiêm trọng”. VKS lập luận bị cáo Liêm có lỗi cố gián tiếp, nên không thể truy tố về tội danh này. Bị cáo Liêm cũng không có hành vi làm trái với lỗi cố ý trực tiếp. Hợp đồng giữa Sở Y tế và nhà thầu là hợp đồng trọn gói, thì gói thầu dạng này không được thay đổi về giá.
Các Luật sư chỉ ra việc Sở Tài chính có sự mâu thuẫn trong các KLGĐ. Các KLGĐ đã chỉ đưa ra hoặc áp dụng một phần các điều khoản, làm hiểu sai đi vấn đề. Việc thanh toán khối lượng hoàn thành, thanh lý hợp đồng, thanh toán dự án hoàn thành đều được quy định rõ ràng. Nhưng Sở Tài chính chỉ áp dụng những quy định về thanh toán khối lượng hoàn thành. Vì vậy đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều trả bổ sung, trưng cầu giám định Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính với gói thầu.
Bản KLGĐ 803/KLGĐ-STC ngày 21/03/2017 là một văn bản giám định tư pháp nhưng không có giám định viên ký tên. Ông Huỳnh Văn Sơn không phải là giám định viên tư pháp. Như vậy KLGĐ 803 không có giá trị pháp lý.
Bản KLGĐ bổ sung số 2602/KLGĐ-STC ngày 14/08/2017 là hình thức giám định tập thể nhưng chỉ có một GĐV Nguyễn Hữu Linh Giang ký, ông Huỳnh Văn Sơn ký 02 bản KLGĐTP nêu trên là không đúng quy định tại Điều 28, Điều 32 Luật giám định tư pháp 2012, điểm b mục 3 Công văn 4713/BTP – BTTP ngày 14/6/2013 của Bộ Tư pháp quy định:
“Trường hợp tổ chức (bao gồm tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc) được trưng cầu, yêu cầu giám định thì người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu đó phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp”.
Điều 3 thông tư số 138/2013/TT-BTC, GĐV lĩnh vực tài chính chỉ được giám định về: thuế, chứng khoán, hải quan, thuế và giá. Thế nhưng tại dòng 18 trang số 04 KLGĐBS số 2602, GĐV tài chính thực hiện giám định “quyết toán đầu tư xây dựng công trình” là không đúng với thẩm quyền và trái với khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2014TT-BXD ngày 22/4/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Nói lời sau cùng trước khi HĐXX tiến hành nghị án, bị cáo Lê Thanh Liêm đã khóc cho rằng bị cáo bị truy tố oan. Bị cáo Liêm đề nghị HĐXX tuyên mình vô tội, hoặc tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung, trưng cầu giám định lại.
HĐXX cho biết do tính chất vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải xem xét nên nghị án kéo dài. Thời gian tuyên án dự kiến 14h ngày 3/11.