Trong hai ngày 1 và 2/3, TAND tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Kiên (SN 1963, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo là đồng phạm với bị cáo Kiên gồm: Trịnh Mạnh Cường (SN 1971, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên); Đinh Văn Hữu (SN 1962, Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên); Nguyễn Quang Tuyến (SN 1972, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên); Võ Thúc Chính (SN 1978, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng T&C); Mai Thanh An (SN 1982, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô); Hồ Thị Sáu (SN 1989, Giám đốc khối thẩm định III - Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE) và Nguyễn Quốc Việt (SN 1977, thẩm định viên - Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE).
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ năm 2019 đến 2020, sau khi biết Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư hai gói thầu: Gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu năm 2019-2020 (gói thầu số 1) và gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trung học phổ thông năm 2020 (gói thầu số 2), Hữu đã đến gặp Kiên đặt vấn đề tạo điều kiện để công ty này được thực hiện hai gói thầu trên và được Kiên đồng ý.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Cả hai gói thầu này, Kiên đều chỉ đạo Cường cùng với Hữu lập danh mục và báo giá các thiết bị. Từ đó, giao cho Tuyến tính toán báo giá các thiết bị để làm sao có lợi nhuận cho công ty của Hữu từ 20-25%.
Với mục đích trên, Tuyến đã tính toán báo giá các thiết bị trong danh mục của gói thầu số 1 tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng (giá trị thật khoảng 6,5 tỷ đồng) và gói thầu số 2 hơn 9,9 tỷ đồng (giá trị thật khoảng 5,6 tỷ đồng).
Tiếp đó, nhóm của Hữu đã câu kết với Chính, An, Sáu và Việt hoàn thiện các thủ tục để Kiên ký các quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cả hai gói thầu.
Do được Kiên tạo điều kiện nên công ty của Hữu trúng cả hai gói thầu. Đầu năm 2020 và 2021, Hữu đã hai lần đến phòng làm việc của Kiên chúc Tết với tổng số tiền 600 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, Hữu đã thực hiện hành vi thông thầu, vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Kiên, Cường lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, có tính chất vụ lợi.
Tuyến, Chính, An, Sáu và Việt vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, thực hiện hành vi thông thầu, vi phạm trong quá trình thẩm định giá.
Từ hành vi vi phạm pháp luật như trên, Kiên, Hữu, Cường, Tuyến, Sáu và Việt đã gây thiệt hại của Nhà nước hơn 7,5 tỷ đồng. Chính gây thiệt hại của Nhà nước hơn 3,2 tỷ đồng. An gây thiệt hại của Nhà nước 4,2 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra vụ án, Kiên và đồng phạm đã khắc phục hậu quả 5,9 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Hữu là người khởi xướng, bị cáo Kiên thực hiện hành vi phạm tội với vai trò tích cực. Các bị cáo còn lại thực hành và giúp sức. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định. HĐXX khẳng định, hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” như nội dung cáo trạng.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vu án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Kiên và bị cáo Hữu cùng mức án 5 năm tù. Bị cáo Cường và bị cáo Tuyến cùng mức án 4 năm tù. Bị cáo An và bị cáo Chính cùng mức án 30 tháng tù, hai bị cáo Sáu và bị cáo Việt cùng mức án 24 tháng tù theo tội danh như đã nêu trên
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên và các bị cáo phải nộp lại số tiền 7,5 tỷ đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên để nộp ngân sách Nhà nước. HĐXX cũng chấp nhận sự thỏa thuận và tự nguyện khắc phục hậu quả tổng số tiền 5,9 tỷ đồng mà các bị cáo đã nộp trước khi phiên tòa diễn ra.