Cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản bước sang giai đoạn mới

TG| 10/10/2015 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tờ "Thái Dương" (Hong Kong) đưa tin: tháng 5/2015, cơ quan chức năng Trung Quốc đã lần lượt bắt giữ 2 công dân Nhật Bản được cho là "đang tiến hành các hoạt động gián điệp" tại hai tỉnh Liêu Ninh và Chiết Giang.

Tuy nhiên, vụ việc này cho đến mấy ngày gần đây mới được tiết lộ. Điều này cũng cho thấy cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bước sang tầng nấc mới.

Theo cơ quan chức năng Trung Quốc, hai nghi phạm "gián điệp Nhật Bản" đều trực tiếp từ Nhật Bản xâm nhập vào Trung Quốc. Một người bị bắt tại căn cứ quân sự Đơn Đông (thuộc tỉnh Liêu Ninh) gần biên giới Trung-Triều, người còn lại bị bắt khi xâm nhập khu vực đóng quân của Hạm đội Đông Hải thuộc Quân chủng Hải quân, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Chiết Giang.

Biện pháp hoạt động gián điệp của 2 công dân Nhật Bản này khác với trước đây. Theo phía Trung Quốc, các gián điệp Nhật Bản bị phát hiện trước đây thường được trang bị thiết bị đo lường, xâm nhập các vùng xa xôi của Trung Quốc như Tân Cương, Nội Mông để tiến hành đo lường và vẽ bản đồ. Chỉ có gián điệp Đài Loan mới sử dụng biện pháp xâm nhập các căn cứ của PLA để thu thập tin tức tình báo, nhằm cảnh báo các cuộc tấn công bất ngờ đối với Đài Loan.

Lần này, Cơ quan tình báo Nhật Bản cũng đã áp dụng biện pháp mạo hiểm giống Đài Loan. Điều này cho thấy nhu cầu tin tức tình báo của Nhật Bản đã có sự thay đổi.

Cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản bước sang giai đoạn mới

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga phản ứng về việc Trung Quốc bắt  giữ công dân nước này nghi là làm gián điệp. Ảnh BBC

Trên thực tế, sau khi ông Shinzo Abe một lần nữa trở lại nắm quyền ở Nhật Bản, các hoạt động gián điệp của nước này nhằm vào Trung Quốc được đặt vào vị trí ưu tiên. Cùng với sự ra đời của "Hội nghị bảo đảm an ninh quốc gia", hoạt động gián điệp và tuyển dụng gián điệp người địa phương được coi là hai bánh xe của cỗ xe ngoại giao và bảo đảm an ninh Nhật Bản. Thực tế cho thấy, từ khâu đào tạo gián điệp đến việc sử dụng các phương tiện tình báo hiện đại, công nghệ cao, Nhật Bản đang xây dựng một mạng lưới gián điệp mọi lúc mọi nơi, từ trên không đến đáy biển nhằm vào Trung Quốc.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide từng tiết lộ rằng, chính phủ Nhật Bản luôn chú trọng nghiên cứu sâu rộng về phương pháp thu thập tin tức và hình thái thể chế tình báo chuyên nghiệp, mang tính tổ chức cao. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thiết lập bộ phận chuyên trách mới, chuyên thu thập tư liệu tình báo cá nhân thuộc phòng Điều tra tình báo Nội các, nhằm vào quan chức cấp cao và quân nhân Trung Quốc.

Những năm gần đây, các vụ việc liên quan đến quan chức Trung Quốc bị Nhật Bản mua chuộc, không chế và đẩy ngược lại Trung Quốc tiến hành các hoạt động gián điệp cho Nhật Bản là khá nhiều. Ví dụ, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc Khang Nhật Tân trong thời gian đi công tác tại Nhật Bản đã bị phía Nhật Bản dùng "Mỹ nhân kế" khống chế và khi trở về Trung Quốc đã trở thành "gián điệp Nhật Bản"; cựu Công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, sau này trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Ireland - ông Mã Kế Sinh và phu nhân - cũng bị Nhật Bản mua chuộc và đẩy về Trung Quốc tiến hành các hoạt động gián điệp phục vụ cho cơ quan tình báo Nhật Bản; cựu Tùy viên quốc phòng (Tùy viên trưởng) Trung Quốc tại Nhật Bản Vương Khánh Giản cũng trở thành "gián điệp Nhật Bản".

Những vụ án liên tiếp này cho thấy từ lâu nay Nhật Bản đã rất chú trọng tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm vào Trung Quốc, từ quan chức chính phủ đến dân thường, dường như không chỗ nào không có, mức độ sâu rộng và ác liệt của nó vượt xa sự tưởng tượng của mọi người.

Lịch sử đã chứng minh: người Nhật có sở trường phát động chiến tranh vô hình. Mặc dù không nhìn thấy binh lính xung trận, không thấy cảnh "đầu rơi máu chảy", nhưng cuộc chiến này sâu rộng và ác liệt khôn lường. Bất kể là trong cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ giữa Nhật Bản với nhà Thanh (Trung Quốc), cuộc chiến giữa Nhật Bản với Nga tại khu vực Viễn Đông, hai cuộc chiến Nhật-Mỹ tại Thái Bình Dương... mọi hoạt động gián điệp của Nhật Bản đều rất xuất sắc.

Gián điệp Nhật Bản thường "ăn sâu, cắm rễ" ở nước mục tiêu, lặng lẽ tiếp cận những cơ quan đầu não được xác định là đối tượng, thu thập thông tin tình báo, thậm chí đưa người của mình vào trong nội bộ cơ quan sở tại. Trước khi Chiến tranh Giáp Ngọ nổ ra, Quân đội Nhật Bản đã liên tiếp cử gián điệp sang Trung Quốc, tổ chức thành mạng lưới gián điệp rộng rãi.

Thời kỳ đó, cháu trai của Lý Hồng Chương (một trung thần của Triều đình nhà Thanh), quan chức phụ trách Cục quân giới Bắc Dương (quân đội nhà Thanh), Trương Sỹ Hàm đều bị gián điệp Nhật Bản dụ dỗ bán những tài liệu cơ mật, thậm chí còn bán cả vũ khí đạn dược của quân đội nhà Thanh cho quân đội Nhật Bản.

Điều đáng lưu ý là trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật đang ở vào thời kỳ nhạy cảm như hiện nay, hơn thế có thể xảy ra xung đột quân sự bất kỳ lúc nào, việc Nhật Bản tăng cường toàn diện hoạt động gián điệp tại Trung Quốc cũng là điều có thể lý giải. Vấn đề đặt ra là công tác chống gián điệp của Trung Quốc đã áp dụng biện pháp như thế nào để đối phó có hiệu quả, hay tiếp tục đi theo bi kịch lịch sử năm xưa, đang là bài toán mà cơ quan chống gián điệp của Trung Quốc cần sớm đưa ra lời giải.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản bước sang giai đoạn mới