Nhịp cầu Công lý

Cục Thể dục thể thao: Bổ nhiệm chức vụ người đang bị kỷ luật

Huy Anh 26/12/2023 - 09:08

Viên chức quản lý đang trong thời gian bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách với thời gian thi hành là 12 tháng vẫn được bổ nhiệm chức vụ với việc áp dụng quy định theo kiểu “rút gọn” khiến dư luận ồn ào, băn khoăn.

Đáng quan tâm là quyết định kỷ luật đã bị hủy nhưng nhiều tháng qua không được “khởi động lại” khiến dư luận nghi ngại chuyện “chìm xuồng” (!?).

Được bổ nhiệm chức vụ khi… đang bị kỷ luật

Ngày 22/3/2023, Tổng Cục trưởng Tổng Cục TDTT Đặng Hà Việt ký Quyết định số 13/QĐ-TCTDTT về việc kỷ luật viên chức đối với Phó Viện trưởng Viện khoa học TDTT Đặng Thị Hồng Nhung bằng hình thức khiển trách. Lý do được nêu ra trong quyết định là “...vi phạm quy định, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ (theo kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…”. Quyết định ghi rõ thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày 22/3/2023…

Ngày 04/7/2023, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt (do chuyển đổi mô hình Tổng Cục TDTT thành Cục TDTT từ 01/7/2023- PV) ký Quyết định số 63/QĐ-CTDTT về việc bổ nhiệm cán bộ với nội dung “Bổ nhiệm có thời hạn 05 năm bà Đặng Thị Hồng Nhung…giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, Cục Thể dục thể thao từ ngày 01/7/2023…”

tctdtt1(2).png
Trụ sở Cục TDTT. (Ảnh minh họa)

Việc này khiến dư luận khá ồn ào và đặt nhiều nghi vấn vì sao bị kỷ luật vẫn được bổ nhiệm.

Làm việc với phóng viên Báo Công lý, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Cục TDTT Phạm Thị Thu Hà cho biết việc bổ nhiệm bà Đặng Thị Hồng Nhung vừa qua là do sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Cụ thể, do mô hình tổ chức của Tổng Cục TDTT chuyển đổi thành Cục TDTT nên phải kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo để phù hợp với cơ cấu tổ chức. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phê duyệt, Cục đã yêu cầu các đơn vị báo cáo các danh sách viên chức lãnh đạo. Sau đó lãnh đạo Cục đã họp và thống nhất thực hiện quyết định bổ nhiệm đối với các chức danh sắp xếp lại theo cơ cấu mới.

Về vấn đề bổ nhiệm cán bộ khi đang trong thời gian bị kỷ luật, bà Hà cho biết, trường hợp bà Nhung là bổ nhiệm theo sắp xếp lại cơ cấu tổ chức. Căn cứ theo các quy định của Bộ và Luật Viên chức, xét thấy trường hợp bà Nhung đang là Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT thuộc Tổng Cục TDTT với phụ cấp trách nhiệm 0,7 là cao hơn phụ cấp chức vụ 0,4 của Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT thuộc Cục TDTT nên thuộc trường hợp “bổ nhiệm xuống” và tập thể lãnh đạo Cục quyết định bổ nhiệm.

Áp dụng pháp luật kiểu…“rút gọn”(!)

Trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (được Cục trưởng Cục TDTT làm căn cứ để ban hành quyết định bổ nhiệm chức vụ đối với bà Nhung), Điều 47 quy định: “ a. Trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập mà chức vụ viên chức đang giữ ở đơn vị sự nghiệp công lập cũ tương đương hoặc cao hơn chức vụ viên chức vụ viên chức dự kiến đảm nhiệm ở đơn vị sự nghiệp công lập mới hoặc trường hợp đổi tên đơn vị sự nghiệp công lập thì tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập mới trình cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập xem xét, quyết định chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng”.

Như vậy, theo quy định thì trường hợp bà Đặng Thị Hồng Nhung cũng như những viên chức lãnh đạo khác của Viện, phải có việc tập thể lãnh đạo Viện Khoa học TDTT và Viện trưởng “trình” Cục TDTT xem xét, quyết định việc bổ nhiệm.

Thực tế đã không xảy ra việc “trình” và quy định bắt buộc nêu trên đã được áp dụng kiểu “rút gọn”. Làm việc với phóng viên Báo Công lý, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Trần Hiếu cho biết, ông cùng với hai phó Viện trưởng ở Viện này đều được Cục TDTT “auto matic” bổ nhiệm. Trước khi nhận được các quyết định bổ nhiệm, lãnh đạo Viện không được hỏi, không được trao đổi, không nắm bắt về việc này, cũng không được yêu cầu phải làm thủ tục gì để “trình” … và chỉ biết nhận quyết định bổ nhiệm mà thôi. Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Trần Tuấn Hiếu cũng khẳng định nội dung Viện trưởng trao đổi là “đúng hết”…

Như vậy, việc “bỏ qua” quy trình tập thể lãnh đạo Viện và Viện trưởng Viện Khoa học TDTT phải “trình” Cục TDTT để xem xét, quyết định, liệu có vi phạm quy định hiện hành?

Tại Công văn số 1116/CTDTT-TCCB ngày 12/12/2023 gửi Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục TDTC nêu việc bổ nhiệm bà Nhung “được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định 03- QĐ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Theo quy định này, “…tập thể lãnh đạo có thẩm quyền căn cứ phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ để thảo luận xem xét, quyết định…”. Tuy nhiên trường hợp bà Nhung đang bị kỷ luật nên việc xem xét của tập thể lãnh đạo Cục TDTT cụ thể thế nào thì chỉ có người “ trong cuộc” mới biết được (!?).

Trong khi vụ việc này đang ồn ào, gây bức xúc thì ngày 25/8/2023, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt lại ban hành quyết định để hủy quyết định kỷ luật do chính mình ký. Thậm chí, đã gần 4 tháng từ khi hủy quyết định kỷ luật nhưng việc có kỷ luật nữa hay không thì chưa thấy được “khởi động” lại.

Thực tế, quyết định kỷ luật căn cứ theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cho đến nay chưa có văn bản pháp lý nào hủy bỏ, thay thế. Điều này nghĩa là vẫn có hành vi vi phạm theo xác định của thanh tra và chỉ là cơ quan có thẩm quyền chưa tiếp tục đưa ra xử lý theo quy định. Theo bà Hà thì đến nay Cục vẫn chưa thấy chỉ đạo nào liên quan đến vấn đề này nên chưa làm gì. Do đó, dư luận lại tiếp tục nghi vấn liệu có chuyện “để lâu… hóa bùn” và rất có thể vụ việc này sẽ “chìm xuồng” bởi theo quy định, thời hiệu xử lý vi phạm cũng chỉ có giới hạn (!?)

Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo liên quan đến những vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục Thể dục thể thao: Bổ nhiệm chức vụ người đang bị kỷ luật