Cửa khẩu Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ được mở lần đầu tiên trong 35 năm sau thảm họa động đất

Bạch Dương| 12/02/2023 07:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một cửa khẩu biên giới giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa lần đầu tiên sau 35 năm để cho phép viện trợ nhân đạo đi qua sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sáng 6/2 vừa qua.

Ông Serdar Kilic - đặc phái viên của Thổ Nhĩ Kỳ về đối thoại với Armenia - cho biết, 5 xe tải chở hàng viện trợ bao gồm thực phẩm và nước đã đến Thổ Nhĩ Kỳ từ cửa khẩu biên giới Alican.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đây là lần đầu tiên cửa khẩu Alican mở cửa kể từ năm 1988.

Cửa khẩu Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ được mở lần đầu tiên trong 35 năm sau thảm họa động đất

Quang cảnh Katolik Kilisesi (Nhà thờ Công giáo La Mã) bị hư hại sau trận động đất chết người ở Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11 tháng 2 năm 2023. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này trong vài tuần tới sẽ bắt đầu khởi động kế hoạch tái thiết các tòa nhà bị hư hại do động đất.

Phát biểu trong một chuyến thăm khu vực xảy ra động đất, ông Erdogan cho biết hàng trăm nghìn tòa nhà trên toàn miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ không thể ở được và chính phủ sẽ sớm bắt đầu tiến trình tái thiết trong vài tuần tới.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết chính phủ nước này sẽ hành động chống lại những kẻ tham gia cướp bóc và các tội phạm khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là kể từ bây giờ, những đối tượng liên quan đến cướp bóc hoặc bắt cóc sẽ bị xử lý". Trước đó, ngày 10/2, ông Erdogan cho biết đã xảy ra tình trạng cướp bóc ở một số khu vực xảy ra động đất.

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fuat Okta cho biết khoảng 31.000 nhân viên cứu hộ đã có mặt tại khắp các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng. Ông cũng cho biết thêm có khoảng 80.000 người đang được điều trị tại bệnh viện, hơn 1 triệu người mất nhà cửa do động đất và đang phải sinh hoạt trong những khu vực lưu trú tạm thời.

Cũng trong ngày 11/2, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí chuyển các lều bạt dã chiến tới Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của liên minh quân sự này, để làm nơi trú ẩn cho những người bị mất nhà ở trong thảm họa động đất kinh hoàng vừa qua.

Những lều trại dã chiến này thường được các lực lượng của NATO sử dụng làm sở chỉ huy trong các chiến dịch quân sự hoặc tập trận. Trong các lều trại dã chiến có trang bị một số tiện nghi bao gồm hệ thống sưởi, máy phát điện và khu vực điều trị y tế.

Việc triển khai các lều bạt dã chiến này do Tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đồng minh của NATO, Tướng Christopher Cavoli (Mỹ) giám sát.

Theo số liệu cập nhật từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại hai nước hiện đã lên tới hơn 25.000 người (cụ thể tại Thổ Nhĩ Kỳ là 21.848  người và tại Syria 3.553 người), ngoài ra số người bị thương là hơn 85.000 người.

Hãng thông tấn DHA cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 12 người liên quan đến các tòa nhà bị sập tại các tỉnh miền Đông Nam là Gaziantep và Sanliurfa, trong số này có các nhà thầu xây dựng.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có ít nhất 6.000 tòa nhà bị sụp đổ trong trận động đất có độ lớn 7,8 vừa qua. Giới chức cho biết số người thiệt mạng sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Nhiệt độ tại nhiều khu vực vẫn ở mức âm và nhiều người không có nơi trú ẩn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phân phát hàng triệu bữa ăn nóng, cũng như lều và chăn, nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người gặp nạn.

Trước đó, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) - ông Sivanka Dhanapala cho biết hơn 5 triệu người ở Syria có thể đã mất nhà cửa sau trận động đất.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cửa khẩu Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ được mở lần đầu tiên trong 35 năm sau thảm họa động đất