Cụ Mơ xin thoát nghèo

Biên Thùy| 27/09/2019 14:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cụ Mơ ở một mình không phải không có nơi nương tựa mà cụ có cả chục người con. Sống một mình, cụ thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu, vui vẻ thoải mái nên cụ nằng nặc trả lại sổ hộ nghèo.

Câu chuyện này đăng tải trên Báo Công lý cách đây mấy ngày về cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Khởi nguồn của câu chuyện là từ một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội. Trong đoạn video, cụ Mơ nói: "Bà già ở một mình thoải mái, thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu, đi khai hoang lên vườn đất rộng mấy sào, mà nghèo là nghèo răng? Rồi nói không nơi nương tựa? 11 người con mà nói không nơi nương tựa, đó là đi bêu con. Cho nên là tôi rất có chỗ nương tựa nhưng tôi chưa phải nương tựa đấy. Cho tôi xin trả lại cái sổ hộ nghèo, tôi xin thoát nghèo. Bởi vì tôi còn đang giúp đỡ được những người khó khăn hơn tôi”.

Những lời nói chân thành, đầy tử tế của cụ Mơ khiến nhiều người cảm phục. 83 tuổi, cái tuổi lẽ ra cụ Mơ cần có sự tương trợ từ chính sách của nhà nước nhưng cụ lại khước từ. Cụ chỉ nghĩ đơn giản là cụ không nghèo; con cái cụ còn chưa cậy nhờ đến thì sao phải phiền lụy xã hội.

Cụ bảo, cách đây hơn một năm, cụ đã quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Do đó, mới đây, cụ lại tiếp tục đạp xe lên Ủy ban xã để xin thoát nghèo một lần nữa.

Trong khi có nhiều người chạy chọt, luồn lách để có được cái sổ nghèo thì hành động của cụ Mơ khiến cộng đồng phải suy ngẫm. Đó là bài học về sự tử tế. Một cụ bà 83 tuổi suy nghĩ đơn giản rằng, mình có đủ cơm ăn áo mặc, thân thể lành lặn, cuộc sống an yên thì không thể dựa dẫm vào cộng đồng; nhận chính sách ấy là lấy đi phần của người khác còn khó khăn, cơ cực hơn cụ. 

Trái lại với cụ Mơ, trong xã hội ngày nay không ít người có tâm lý ỷ lại vào chính sách, trục lợi từ chính sách, đánh đổi cả tự trọng để tranh giành về mình một phần lợi ích ít ỏi. 

Người xưa coi trọng danh dự, bị mang danh là nhà nghèo thì xấu hổ lắm, bởi vậy mới cặm cụi làm lụng những mong có ngày con cái được nở mày nở mặt. Thế mà nay, có người tìm đủ mọi cách để "được công nhận là hộ nghèo", giả nghèo giả khổ hòng đạt được nhiều ưu đãi. Thành ra, để đạt được cái lợi họ sẵn sàng vứt bỏ đi cái danh dự và lòng tự trọng.

Những năm qua, trên mặt báo đầy rẫy những câu chuyện về việc lợi dụng chính sách dành cho người nghèo để trục lợi. Thậm chí có quan chức "cấu véo" tiền, san bớt gạo của người nghèo. Điển hình là những vụ "dê đi nhầm nhà, gà vào nhầm chuồng" của Bí thư, Chủ tịch huyện. Mặt trái ấy chung quy lại cũng chỉ vì lòng tham.

Chẳng ai quan tâm cụ Đỗ Thị Mơ có bao nhiêu của cải nhưng chỉ nhìn vào hành động họ thấy bà cụ là người có cốt cách lương thiện, là người "giàu" danh dự, "giàu" tự trọng.

Thoát được cái nghèo về vật chất đã khó, nhưng để thoát cái nghèo về tư duy, về nhận thức như cụ Mơ đã làm xem ra còn khó hơn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ Mơ xin thoát nghèo