Đại dịch Covid-19 đã khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ, khiến một nửa dân số thế giới phải cách ly trong nhà và có khả năng lật đổ các chính phủ và định hình lại các mối quan hệ ngoại giao.
Đại dịch Covid-19 đã hạn chế những vụ đụng độ nhưng không có nghĩa là đã chấm dứt sự thù địch trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông.
Hôm thứ Sáu (3/4), Liên hợp quốc đã đưa ra kêu gọi ngừng bắn trong tất cả các cuộc xung đột lớn trên thế giới, với lời cảnh báo "điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra" của Tổng Thư ký Antonio Guterres. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch lên nhiều cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông đến nay vẫn chưa rõ ràng. Dưới đây là tổng quan về tác động của đại dịch cho đến nay đối với các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Libya và Iraq:
Syria
Sự bùng phát của Covid-19 đã khiến thỏa thuận ngừng bắn giữa hai “nhà môi giới quyền lực” nước ngoài chính trong cuộc chiến chín năm của Syria là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên có hiệu quả.
Ba triệu người sống trong khu vực ngừng bắn, ở vùng Tây Bắc Idlib của đất nước này vốn không có nhiều hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ được thực hiện.
Tuy nhiên, mối lo ngại Covid-19 có thể lây lan mạnh mẽ như một đám cháy dữ dội trên khắp đất nước vốn đã bị tàn phá bởi xung đột này dường như đã khiến cho thời gian thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được kéo dài thêm.
Theo thống kê của Đài quan sát nhân quyền Syria, số người dân chết vì xung đột ở đây trong tháng 3 là 103 người – con số thấp nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011.
Khả năng kiểm soát mối đe dọa do SARS-CoV-2 gây ra của các chính quyền ở Syria - chính quyền Damascus, chính quyền người Kurd tự trị ở phía Đông Bắc và liên minh do thánh chiến lãnh đạo điều hành Idlib – chính là chìa khóa thể hiện uy tín của họ.
"Hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh này là một cách để Damascus chứng minh nhà nước Syria hoạt động hiệu quả và tất cả các vùng lãnh thổ phải được trả lại dưới sự quản lý của nhà nước Syria", nhà phân tích Fabrice Balanche nói.
Tuy nhiên, đại dịch và sự lây lan toàn cầu của nó có thể ngăn chặn tiến trình rút quân của quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria và nước láng giềng Iraq - điều mà có thể tạo ra một khoảng trống giúp nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, vốn đang điên cuồng vì sự sụp đổ của Nhà nước "caliphate" một năm trước, có thể tìm cách đẩy mạnh các cuộc tấn công của chúng.
Yemen
Chính phủ Yemen và phiến quân Huthi cũng như nước láng giềng Arabia Saudi - nơi dẫn đầu một liên minh quân sự hỗ trợ chính phủ - ban đầu phản ứng tích cực với lời kêu gọi của Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, tia hy vọng hiếm hoi trong cuộc xung đột kéo dài 5 năm chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Tuần trước, lực lượng phòng không của Arabia Saudi đã chặn các tên lửa đạn đạo trên Riyadh và một thành phố biên giới do phiến quân Iran hậu thuẫn.
Liên minh do Saudi dẫn đầu đã trả đũa bằng cách tấn công các mục tiêu của người Hồi giáo tại thủ đô Sanaa của Yemen do phe nổi dậy nắm giữ hôm thứ Hai tuần trước.
Các cuộc thảo luận đã nhiều lần chùn bước nhưng đặc phái viên của Liên hợp quốc Martin Griffiths đang tổ chức các cuộc tham vấn hàng ngày trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn trên toàn quốc.
Những đợt đụng độ bùng phát ở Yemen kết hợp đại dịch Covid-19 có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo kép có thể được mô tả là tồi tệ nhất trên thế giới.
Ở một quốc gia nơi cơ sở hạ tầng y tế đã sụp đổ vì xung đột, nơi nước là là thứ đã trở nên khan hiếm và nơi 24 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, người dân lo ngại sẽ bị xóa sổ nếu không được viện trợ đầy đủ vì lệnh ngừng bắn không có hiệu lực.
Libya
Giống như Yemen, các nhân vật chính trong cuộc xung đột ở Libya ban đầu hưởng ứng nhiệt tình lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc nhưng sau đó đã nhanh chóng tiếp tục tình trạng thù địch.
Giao tranh ác liệt đã làm rung chuyển phía Nam thủ đô Tripoli trong những ngày gần đây, cho thấy nguy cơ bùng phát Covid-19 không đủ để khiến các tay súng dừng lại.
Nhà phân tích ngoại giao Fabrice Balanche dự đoán rằng sự hỗ trợ chậm lại của phương Tây cho các cuộc xung đột ở Trung Đông có thể hạn chế sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).
Điều đó cuối cùng có thể ủng hộ các lực lượng trung thành với Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya Khalifa Haftar ở miền Đông, người đã phát động một cuộc tấn công vào Tripoli một năm trước và có sự hậu thuẫn của Nga, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Các nước phương Tây đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch có thể buộc phải rút cả tài nguyên quân sự lẫn năng lực môi giới hòa bình khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết các quan chức châu Âu đã báo cáo rằng những nỗ lực nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Libya không còn nhận được sự quan tâm cao nhất do đại dịch.
Iraq
Iraq không còn bị kìm kẹp bởi cuộc xung đột toàn diện nhưng vẫn dễ bị nhóm IS đang hồi sinh ở một số khu vực và hai nước ủng hộ chính của họ đang tranh cãi với nhau.
Iran và Hoa Kỳ là hai trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 nhưng không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự buông xuôi nào trong cuộc chiến này vì ảnh hưởng của họ chủ yếu diễn ra trên đất Iraq.
Với một số căn cứ đã được sơ tán, nhân viên Mỹ hiện đang được tập hợp tại một số địa điểm ở Iraq.
Washington đã triển khai các tên lửa phòng không Patriot, khiến người ta lo ngại về một sự leo thang xung đột mới với Tehran, nơi mà Mỹ đổ lỗi cho một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của quân đội Mỹ.