Công ty Ba Đình bị xóa tên khỏi Hapulico: Kết cục đã được báo trước

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý số 86 (891) ra ngày 26-10-2011 đã có bài phản ánh về những tranh chấp xảy ra tại Công ty Hapulico. Câu hỏi đặt ra là vì sao Công ty Hapulico lại xóa tên Công ty Ba Đình trong sổ đăng ký cổ đông?

Cơ quan chuyên môn nói gì ?


Kết cục của những tranh chấp này là ngày 14-9-2011, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm số 14/2011/KDTM-GĐT hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm giữa Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình với bị đơn là Công ty CP đầu tư bất động sản Hapulico do vi phạm pháp luật.



Theo tài liệu, Công ty Hapulico được thành lập trên cơ sở Hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh doanh giữa 5 doanh nghiệp. Trong đó Công ty Ba Đình là một cổ đông sáng lập với 2,64 triệu cổ phần, giá trị là 26,4 tỷ đồng; tương đương 24% vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Trung, Tổng Giám đốc.


Theo Hợp đồng nguyên tắc thì đợt 1 Công ty Ba Đình phải thực hiện việc góp vốn với số tiền là 40,6 tỷ đồng (làm tròn số). Tính đến ngày 10-6-2008, Công ty Ba Đình đã thực hiện góp đủ vốn điều lệ thành lập Cty Hapulico theo cam kết. Chín ngày sau (kể từ ngày góp đủ vốn điều lệ), ông Trung đã tự ý ký 3 hợp đồng tín dụng cho Công ty Ba Đình vay tổng số 45 tỷ đồng (vượt cả số tiền vốn đã góp là 4 tỷ đồng) mà không được phép của HĐQT Công ty Hapulico. Công ty Ba Đình đã dùng số tiền vay này để trả nợ ngay cho chính hai đơn vị mà Công ty Ba Đình đã vay để góp vốn điều lệ.

Khi Công ty Hapulico chưa thành lập, ông Trung đã huy động vốn như thế này.


Nhận xét về "phép thuật" để rút vốn tại Công ty Ba Đình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Hành vi rút vốn của Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty trái với quy định nêu trên là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp”. “Đối với trường hợp của quý Công ty (Hapulico - PV), nếu quý Công ty có các chứng cứ chứng tỏ việc ký các hợp đồng ngày 19-6-2008, 19-8-2008, 30-9-2008 của Tổng Giám đốc Công ty với Công ty Ba Đình mà chưa được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông hoặc HĐQT và việc sử dụng số tiền vay không đúng mục đích, Công ty có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật”.


Về việc này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Công ty Ba Đình đã không có đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo cam kết nên phải đi vay Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và thương mại. Và để có thể trả các khoản vay này, Công ty Ba Đình đã “vay” của chính Hapulico, mà Công ty Ba Đình đã góp vốn bằng các Hợp đồng tín dụng ngắn hạn. Ba hợp đồng tín dụng ngắn hạn này tuy hình thức thể hiện có các điều khoản của một hợp đồng vay nhưng thực chất lại che giấu hành vi rút vốn của Công ty Ba Đình ra khỏi Hapulico”.


Tại Văn bản số 98/PCDN-TTTV ngày 24-11-2010 của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp cũng khẳng định: “Qua nghiên cứu nội dung vụ việc và quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng ngắn hạn này cho thấy, về thực chất các hợp đồng này chỉ là công cụ để che giấu cho việc Công ty Ba Đình rút vốn khỏi Công ty Hapulico để trả lại cho các chủ nợ đã cho Công ty Ba Đình vay để góp vốn vào Công ty Hapulico mà không phải là các hợp đồng cho vay đích thực”.


Hàng loạt sai phạm khác


Ngoài ra, theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, trong quá trình “làm ăn”, ông Nguyễn Tiến Trung, đại diện Công ty Ba Đình đã ký hợp đồng huy động vốn (số 015/2008/HĐNTHTKD ngày 14-4-2008) với bà Trần Thị Hồng ở Khương Hạ, Hà Nội trị giá 1 tỷ đồng và sẽ được thanh toán “bằng một căn hộ chung cư xây dựng tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội”. Ngày 8-5-2008, Công ty Ba Đình lại bán tiếp một sàn tầng 12 thuộc nhà 17T2 của dự án trên cho bà Vũ Minh Phương, nhận trước 1,6 tỷ đồng theo uỷ nhiệm chi ngày 8-5-2008 của Techcombank (lúc này công trình chưa được khởi công và Công ty Hapulico cũng chưa được thành lập).


Trong thời gian làm TGĐ Công ty Hapulico, ông Nguyễn Tiến Trung đã giao cho bà Phạm Thị Ngọc Trâm làm thủ quỹ nhưng đồng thời với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Đình, ông Trung đã ký quyết định bổ nhiệm bà Trâm làm quyền Giám đốc Công ty Ba Đình. Trong thời gian 6 tháng (từ 3-6-2008 đến 28-11-2008), mặc dù Công ty Hapulico không có phát sinh cần chi tiêu bằng tiền mặt, nhưng ông Trung đã lần lượt rút tiền từ ngân hàng về quỹ số tiền 7,22 tỷ đồng; trong khi toàn bộ các khoản chi tiêu có chứng từ được ký chỉ vẻn vẹn có tổng số tiền là 267 triệu đồng, số tiền tồn quỹ là 6,95 tỷ đồng không tồn tại trong quỹ của Công ty Hapulico.


Không dừng lại ở đó, TGĐ Công ty Hapulico còn chuyển vào tài khoản cá nhân của mình để chi tiêu riêng, không có chứng từ kèm theo: Ngày 10-11-2008 và ngày 24-11-2008 đã ký 2 ủy nhiệm chi chuyển tổng số tiền là 100,6 triệu đồng của Công ty Hapulico vào tài khoản 045 70016 23 233 tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Thành Công (chủ tài khoản là ông Nguyễn Tiến Trung).


Ngày 28-5-2008, Công ty Ba Đình và Công ty Dệt 19-5 ký biên bản thoả thuận hợp tác kinh doanh (số 02/2008/TTHTKD) nhưng ngày 27-11-2008 ông Trung lại tự ý ký một uỷ nhiệm chi chuyển 2 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Hapulico về tài khoản của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Dệt 19-5 Hà Nội trong khi không có bất cứ một giao dịch nào giữa Công ty Hapulico với Công ty này.


Khi ông Trung bị miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc, két bạc và toàn bộ số tiền tồn quỹ là 6,95 tỷ đồng của Công ty Hapulico được ông này đưa về trụ sở Công ty Ba Đình. Mặc dù đã rất nhiều lần Hapulico yêu cầu hoàn trả nhưng tới gần 8 tháng sau (ngày 21-7-2009), đại diện Công ty Ba Đình mới đem 6,19 tỷ đồng nộp lại cho Công ty Hapulico. Cho đến nay, với số tiền còn lại, két bạc và một số tài sản như máy tính, chứng từ, hồ sơ dự án của Công ty Hapulico, Công ty Ba Đình vẫn không trả lại trong khi Công ty này đã nhiều lần phát văn bản đòi.

Tống Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Ba Đình bị xóa tên khỏi Hapulico: Kết cục đã được báo trước