Văn hóa - Du lịch

Cộng đồng – trụ cột then chốt trong bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới

Minh Lý 21/05/2025 - 22:35

Ngày 21/5, tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý di sản trong và ngoài nước.

Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn di sản theo hướng bền vững.

Cộng đồng – trung tâm của mọi nỗ lực bảo tồn

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao rằng cộng đồng không chỉ là người thụ hưởng mà còn là chủ thể trung tâm trong bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới. Việc bảo tồn di sản sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia chủ động, trách nhiệm và lâu dài của chính người dân địa phương – những người đang sống cùng và gìn giữ di sản mỗi ngày.

quang-canh-hoi-thao..png
Quang cảnh hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định rõ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng địa phương – những người hiểu rõ nhất về giá trị di sản và có vai trò gìn giữ nó một cách sống động, gắn với cuộc sống hằng ngày.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để trao quyền cho cộng đồng, đẩy mạnh giáo dục di sản, phát triển du lịch văn hóa và nâng cao nhận thức bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Đồng thời, các chương trình phát huy giá trị di sản trong cộng đồng sẽ được lồng ghép mạnh mẽ hơn vào chiến lược phát triển văn hóa – xã hội quốc gia.

Về phía địa phương đăng cai hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định: Việc tổ chức hội thảo tại Hoàng thành Thăng Long – một Di sản thế giới – là cơ hội để Hà Nội thể hiện quyết tâm trong bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững, trong đó lấy cộng đồng làm trung tâm trong mọi chính sách, chương trình hành động.

Tại Hội thảo, Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội nhận định: “Lấy cộng đồng làm trung tâm không chỉ là tham vấn, mà phải là trao quyền – nghĩa là cộng đồng được tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức hoạt động và hưởng lợi từ các sáng kiến liên quan đến di sản.”

Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế trong bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua. Ông nhấn mạnh: “Chỉ khi cộng đồng thực sự cảm thấy là một phần của di sản, thì họ mới toàn tâm gìn giữ và phát huy giá trị ấy.”

Việt Nam thúc đẩy bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững

Việt Nam hiện có 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Năm 2024, các di sản này đã đón khoảng 14,9 triệu lượt khách du lịch, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội và quảng bá hình ảnh đất nước.

Đáng chú ý, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2024 đã nội luật hóa nhiều nội dung từ Công ước 1972 của UNESCO. Trong đó, chính sách lồng ghép phát triển bền vững và trao quyền cho cộng đồng trong công tác quản lý di sản được nhấn mạnh như một nguyên tắc cốt lõi.

di-san-thien-nhien-the-gioi-vinh-ha-long..png
Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế để cộng đồng tham gia trực tiếp vào quản lý và khai thác di sản; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng; Khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa một cách bền vững; Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác di sản ở cơ sở; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo tồn và quảng bá di sản.

Hội thảo cũng là dịp để Việt Nam tái khẳng định cam kết thực thi nghiêm túc Công ước Di sản thế giới 1972 và mong muốn tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ di sản toàn cầu thông qua ứng cử vị trí thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023–2027.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng – trụ cột then chốt trong bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới