Công an đình chỉ vụ án bảo vệ dân phố đoạt mạng bé trai 6 tuổi

Như Loan| 28/02/2018 11:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lý do đình chỉ vụ án do Hoàng Nhất Giang bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng giai đoạn đang tiến triển. Trước, trong và sau khi gây án Giang không có khả năng điều khiển hành vi cũng như nhận thức.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa có văn bản gửi gia đình nạn nhân về việc giám định tâm thần đối với đối tượng Hoàng Nhất Giang.

Công an đình chỉ vụ án bảo vệ dân phố đoạt mạng bé trai 6 tuổi

Hoàng Nhất Giang

Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tâm thần thuộc Bộ Y tế, về y học Hoàng Nhất Giang bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng giai đoạn đang tiến triển. Về nhận thức và khả năng điều khiển hành vi trước, trong và sau khi gây án Giang không có khả năng điều khiển hành vi cũng như nhận thức. Căn cứ vào những kết quả trên, Công an TP.HCM đã đình chỉ vụ án.

Trước đó, khoảng 13h00 ngày 26/11, cháu N.H.N. K. (6 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP. HCM đi bộ qua một cửa hàng tạp hóa có địa chỉ 96 Trịnh Đình Trọng (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) để mua bánh.

Thời điểm này, Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM, là bảo vệ dân phố thuộc phường 5, quận 11) đang ngồi gần địa chỉ trên thấy cháu K. đi trước mặt liền cầm theo dao nhỏ chạy đến khống chế rồi cứa cổ cháu K. khiến nạn nhân gục xuống đường và tử vong.

Ngay khi nhận tin báo về vụ việc, Công an quận Tân Phú, TP.HCM nhanh chóng có mặt phối hợp với các lực lượng bắt giữ nghi phạm gây án.

Đến ngày 5/12/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người.

Sau khi xảy ra vụ việc đau lòng này, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc đưa người có tiền sử bệnh tâm thần  vào làm việc tại Ban bảo vệ dân phố có đúng quy định của pháp luật? Khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ai sẽ chịu trách nhiệm?  

Trả lời Báo Công lý, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, người có tiền sử bệnh tâm thần không đủ điều kiện để trở thành bảo vệ dân phố.

Luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 7, Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ ban hành về lực lượng bảo vệ dân phố đã quy định, người được ứng cử vào Ban bảo vệ dân phố phải do cư dân trên địa bàn bầu, sau đó Trưởng Công an phường chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định và trình cho Chủ tịch UBND phường ra quyết định công nhận.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 1/3/2017, tại mục 4, phần V về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, quy định rất chi tiết: “Không đưa vào lực lượng bảo vệ dân phố những người không đủ năng lực hành vi”.

Luật sư Sơn cho rằng, khi tuyển dụng lao động ở vị trí bảo vệ dân phố là người có tiền sử bệnh tâm thần thì cần thiết phải kiểm tra lại ngay hồ sơ tuyển dụng của Trưởng Công an phường và lãnh đạo phường cùng các cán bộ liên quan, từ đó để có căn cứ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công an đình chỉ vụ án bảo vệ dân phố đoạt mạng bé trai 6 tuổi