Hôm nay, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào năm học mới. Trong số hàng triệu mầm non đó, đường đến trường của mỗi em mỗi khác. Em ngồi xe hơi, xe máy, cha đưa mẹ đón, nhưng cũng có đến hàng nghìn em ngày ngày phải lội đèo leo dốc, băng rừng vượt suối để đến trường. Tinh thần ấy của các em, nó còn hơn cả sự hiếu học.
Dẫu đã đi qua hầu khắp các vùng xa xôi, cách trở nhất Việt Nam, tưởng là đã chứng kiến đủ những thiếu khó, cơ cực, lầm than của đồng bào thiểu số, nhưng khi gặp Vừ A Sàng trong chuyến công tác ở Hà Giang cách đây vài năm, tôi vẫn thấy rưng rưng cái nỗi thiệt thòi của những học trò nghèo sau nách núi.
Sàng 10 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Phú Lũng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), nhà ở Sủng Lìn, cách trường 3-4km. Sáng nào em cũng phải cuốc bộ gần 2 tiếng đồng hồ trên con đường chạy lắt lẻo giữa bịt bùng núi cao và vực sâu để đến trường. Nhà ba anh em, mình Sàng biết mặt chữ. Anh trai và em gái đã bỏ học để đi rừng.
Nhà Sàng nghèo, gianh tre nứa lá. Ba năm Sàng đi học thì 4 hay 5 lần gì đó bố em lên tận trường bắt bỏ. Cũng ngần ấy lần cô chủ nhiệm lại cắm đầu leo núi đến nhà Sàng vận động. Nhờ thế, Sàng biết viết tên cô giáo trước khi biết viết tên mình.
Và những học trò có hoàn cảnh như Vừ A Sàng có đến hàng nghìn, người ta có thể bắt gặp ở bất cứ một bản làng hay điểm trường nào nơi vùng cao, biên giới.
Những học trò ấy phần lớn được sinh ra trong các gia đình mà cái đói, cái nghèo được truyền nối từ đời nọ đến đời kia. Có em còn không có nổi tấm áo, manh quần lành lặn, phong phanh da thịt suốt mùa đông. Có em được thầy cô mua cho đôi dép, ngày nào cũng cắp nách đến tận cửa trường mới dám bỏ xuống xỏ chân vào vì sợ rách. Cũng có nhiều em học đến tận lớp 3, lớp 4 vẫn chân trần lội bùn òm ọp đến trường...
Nhưng những bàn chân phồng rộp mùa nắng, nứt nẻ mùa đông, lấm lem nhem nhuốc ấy vẫn kiên trì qua tháng qua năm, vẫn lon ton, rộn rã, í ới gọi nhau mỗi sớm.
Lâu lâu có em nghèo quá, cha mẹ không đủ sức cho học nữa. Thầy cô giáo vượt rừng đến nhà xin cho trò đi học tiếp. Trong những mái nhà gianh tre nứa lá, nước mắt rơi thật nhiều, hy vọng cũng thắp lên thật nhiều.
Và rồi những bàn chân khát vọng tri thức, khát vọng làm người lại tiếp tục trèo đèo lội suối, tiếp tục vượt lũ băng dòng tiến lên phía trước, dẫu cho đường đến trường có phải nắm sợi dây vắt vẻo qua suối, phải chênh vênh giữ mình trên nhịp cầu tre.
Tinh thần đó của các em, nó còn hơn cả sự hiếu học. Bởi, có sống ở nơi thậm hoang vu, “nằm nghiêng thấy suối, nằm ngửa thấy rừng”, “mở mắt thấy đồi, mở nồi thấy muối”, người ta mới thấy hết được cái chuyện học trò vùng cao kiên trì leo đèo, lội suối đằng đẵng suốt nhiều năm trời để học chữ nó gian nan và khổ ải nhường nào.
Nếu như ở đồng bằng hay thành phố, cứ mỗi dịp vào đầu năm học, các em thường được bố mẹ, ông bà lo sắm sanh sách vở, bút mực, quần áo mới, thì ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, nhiều em nhỏ vẫn còn phải quăng quật mưu sinh. Có em sáng đi học, chiều về lê la nương rẫy, bìa rừng mót củ khoai, củ sắn hoặc bất cứ thứ gì nghi ngờ ăn được để nhét vào mồm.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi bữa cơm của một nhóm học sinh nội trú ở một trường tiểu học thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Hôm đó, có 4 em người dân tộc Tày rủ nhau nấu ăn chung. Do lớn tuổi nhất nên Hoàng Văn Sủ “vinh dự” được bầu làm “bếp trưởng”, phụ trách nồi cơm. Ba thành viên còn lại phụ trách nồi canh lõng bõng nước suối với mấy đọt rau rừng.
Trong căn bếp thấp lè tè, bé như cái chuồng chim, Sủ phồng mồm thổi. Củi ướt rượt, lửa cứ lóe lên vài giây rồi tắt ngúm. Khói bay lên tràn trụa.
Nhà Sủ, có 5 anh chị em. Sủ cũng chả biết tại sao mình lại nhiều anh em đến vậy. Tính thêm cả bố lẫn mẹ, tất tật 7 miệng ăn chỉ trông vào mấy mảnh nương khô khát, bữa đói nhiều hơn bữa no. Sủ 13 tuổi mới cao bằng con dao quắm. Thân người như thân ngô, phất phơ, hiu hắt.
Khi mẹ Sủ sinh em bé thứ 5, bố Sủ bảo: “Mày phải tự lo thôi, để mẹ còn chăm em với đi nương”. Thế là Sủ tay cầm cái nồi con, nách kẹp vài quyển sách rồi vượt núi lên trường xin vào khu nội trú.
Mỗi sáng thứ 7, Sủ mất hơn 2 tiếng đường rừng để về nhà. Chiều chủ nhật, mẹ Sủ lại xúc vội năm sáu bát vừa gạo, vừa ngô cho vào cái bì tải khoác vào vai Sủ. Trong cái bì đó còn có cái túi bóng đựng ít muối với mấy củ gừng mẹ đào cho Sủ ở hốc núi sau nhà.
Có những đận, Sủ ăn cơm với món duy nhất là... gừng. Hết rang lại cho vào nấu canh. Cái bụng nóng, toàn thân nóng. Sủ thèm rau, thèm cả thịt. Nay may mà trên đường ra suối lấy nước, cả nhóm phát hiện ít rau rừng nên hái về “cải thiện”.
Mãi rồi bữa ăn cũng được dọn ra. Khi nhìn vào cái nồi đựng hổ lốn cơm ngô cùng với bát canh “trong như nước suối”, nhìn những bàn tay cóc cáy, nhìn những cái bát sứt sẹo tróc tóc, nhìn những hàm răng trệu trạo nhai, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã lặng đi vài phút, mắt đỏ hoe.
Có lẽ, cô không tin vào mắt mình, không tin “cái thứ hổ lốn” kia là nguồn sinh dưỡng của 4 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những “đứa trẻ không cá, thịt, đường, sữa” ấy, tất thảy chúng đều giống nhau, gầy gò ốm yếu, mặt mũi lấm lem, thịt da ngoang nguếch.
Dẫu “đói cơm, rách áo”, dẫu hàng tuần vẫn phải đi về giữa hun hút sương rừng gió núi, thế nhưng có một điều lạ là cả 4 em chưa bao giờ thôi tha thiết với trường, với lớp. Em nào cũng sợ bị bố mẹ gặp thầy cô xin cho nghỉ học để về làm... lao động chính.
Trên thực tế thì ở quê Sủ và ở nhiều vùng quê khác cũng đã có quá nhiều em vì nhà nghèo, vì trông em, vì chăn bò, vì nương rẫy... mà dang dở chuyện học hành.
Lâu nay, hiếu học luôn được xem là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của người Việt. Và đó cũng có thể xem là năng lượng, là tài nguyên vô hình để người Việt không bao giờ đánh rơi hy vọng.
Ngoài khát vọng tự thân của các em, cũng cần lắm sự chung tay của toàn xã hội. Được như thế thì con đường đến trường của các em dẫu có nắng mới, hoa vàng hay đá sỏi thì nó cũng sẽ trở thành một trong những con đường đẹp nhất, trong ký ức.