Con đường đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (kỳ 3): Nỗ lực hết sức tạo thương hiệu cho nông sản Lạng Sơn

Ngô Chuyên- Anh Tuấn| 31/12/2021 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, tỉnh Lạng Sơn đang không ngừng nỗ lực hỗ trợ người dân cải thiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lạng Sơn sẽ có hướng đi ra sao? Dưới đây, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn sâu với ông Dương Xuân Huyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2021 đại dịch COVID-19 khiến cho tất cả các ngành nghề gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có ngành Nông nghiệp. Vậy tỉnh Lạng Sơn đã làm gì để giảm bớt những tác động xấu từ đại dịch COVID-19 đối với ngành Nông nghiệp?

anh-huyen.jpg
Ông Dương Xuân Huyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Ngô Chuyên.

Phó chủ tịch: Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là tình hình sản xuất nông nghiệp. Trước bối cảnh khó khăn đó, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xem đó là phương án cứu cánh để phát triển, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trong bối cảnh COVID-19.

Sau khi xác định được hướng đi, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết 49 về phát triển chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển, chuyển đổi, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đạo các sở ngành chuyên môn hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Ngày 20/7,  chúng tôi tổ chức lễ ra quân phát triển về kinh tế số ở các huyện, thành phố đặc biệt là những huyện trọng điểm trồng Na và trồng cây ăn quả có múi như: Quýt Bắc Sơn, Hồng Mãng Lâm, Hồng Vành Khuyên…

na-2(1).png
Không chỉ hướng tới sản xuất nông sản sạch, an toàn mà tỉnh Lạng Sơn cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh đang hướng đặc sản Na Chi Lăng ra thị trường nước ngoài đặc biệt là những thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, EU…. Ảnh Ngô Chuyên

Sau hai tháng phát động, số lượng hộ dân có cửa hàng số đạt  50.000 hộ, tăng 28% so với thời điểm trước khi phát động và tăng số chủ thể có tài khoản điện tử từ 1000 hộ lên 28.000 hộ. Bên cạnh đó, qua hai tháng triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã có hơn 10.000 đơn hàng thành công, giá trị bán hàng trên gian hàng thương mại tăng 10-15% so với bán hàng truyền thống.

Đối với sản phẩm Na Chi Lăng trong mùa vụ vừa qua đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, tại huyện Chi Lăng số cửa hàng số/hộ gia đình đạt 58% (vượt chỉ tiêu 50% so với Kế hoạch đề ra); số tài khoản thanh toán điện tử 8.008, chiếm tỷ lệ 44%; có 608 hộ gia đình đầu tàu, chiếm 5.72%; lực lượng nòng cốt được đào tạo 908 người; sản lượng bán đạt khoảng 58.000 kg.

Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và đồng hành của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu Chính Viettel, chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho tổ công nghệ cộng đồng, lực lượng nòng cốt, tổ dân phố, trưởng thôn, bản tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Hiện nay, Na của tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu theo hướng trao đổi giữa cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch) được bạn hàng rất quan tâm. Theo đó, tỉnh đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa mặt hàng Na vào xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên để xuất khẩu một mặt hàng sang Trung Quốc rất khó khăn bởi quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn sản phẩm, mã số vùng trồng, công nghệ sản xuất.

Để khắc phục những khó khăn đó, chúng tôi đã tăng cường vận động bà con nông dân sản xuất theo hướng thực phẩm an toàn, chất lượng cao có mã số vùng trồng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt được tiêu chuẩn yêu cầu của nước bạn là xuất khẩu chính ngạch.

Hiện nay, Lạng Sơn có sản phẩm thạch đen được xuất khẩu chính ngạch, góp phần tăng giá trị nông sản.

na-2.jpg
Những lứa na trái vụ được người dân chăm sóc kỹ càng. Trước đây, mỗi năm na cho thu hoạch một vụ tuy nhiên từ ngày thay đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc na mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ.

Phóng viên: Thưa ông, những thuận lợi và khó khăn gặp phải khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử?

Phó chủ tịch: Thuận lợi mà chúng tôi có ban đầu chính là chủ trương của Đảng và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt sự hưởng ứng đồng thuận của người nông dân nên khi triển khai các lớp tập huấn ở thôn, bản tỷ lệ các hộ nông dân tham gia rất đông đảo.

Phát triển kinh tế số gắn với các chiến lược: “Vết dầu loang” (50% hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử); “Đầu tàu” (có 10% hộ gia đình đầu tàu); Lực lượng nòng cốt – Tổ công nghệ cộng đồng (mỗi thôn bản, khối phố có Lực lượng nòng cốt – Tổ công nghệ cộng đồng, gồm: Trưởng thôn bản, khối phố và tối thiểu 2 nhân sự được tập huấn, đào tạo đầy đủ để triển khai trực tiếp phát triển cửa hàng số, tài khoản điện tử, mua và bán). Theo đó, đối với UBND cấp huyện, thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế số, giao chỉ tiêu cho Chủ tịch UBND cấp xã với 4 chỉ tiêu bắt buộc về phát triển cửa hàng số, tài khoản điện tử, hộ gia đình đầu tàu và lực lượng nòng cốt.

Cùng với đó là chỉ đạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, thiết lập các nhóm zalo để trợ giúp, hướng dẫn hỗ trợ nông dân quảng bá, đưa sản phẩm nông sản lên cửa hàng số, bán trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải là đại dịch COVID-19 xảy ra làm đứt gãy chuỗi cung ứng các đơn hàng ở phía Nam và thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…. cũng gặp khó khăn.

Thứ 2, người nông dân quen với cách bán hàng truyền thống, bây giờ chuyển đổi sang lĩnh vực công nghệ thì buộc mỗi hộ ít nhất phải có một người am hiểu về công nghệ thông tin để giao dịch điện tử. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của các cấp, các ngành, cùng phương châm người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít bày cho người chưa biết để cùng nhau cố gắng và làm việc có hiệu quả nhất.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay Lạng Sơn đang áp dụng chuyển đổi số rất lớn. Vậy ông có thể chia sẻ về hoạt động chuyển đổi số áp dụng vào phát triển kinh tế, chú trọng vào những lĩnh vực nào?

uy9_1824.jpg
Để bảo vệ những quả na trái vụ, người dân sử dụng túi bóng bọc na thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Phó chủ tịch: Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII. Tỉnh Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phải gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời cần trang bị kiến thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân, thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý và điều hành; tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đến cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.

Những lĩnh vực mũi nhọn mà tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế số là phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng công nghệ số để hỗ trợ hộ nông dân thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu thụ nông sản theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ số trong mua và bán sản phẩm nông sản dựa trên nền tảng công nghệ số.

Ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với những giải pháp tổng thể và toàn diện để gắn kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số đạt 50% và tài khoản thanh toán điện tử.

Hy vọng rằng tỉnh Lạng Sơn sẽ là một trong những tỉnh đi đầu cả nước thành công trong công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Xin cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (kỳ 3): Nỗ lực hết sức tạo thương hiệu cho nông sản Lạng Sơn