Không ít người cho rằng để tránh chết đuối thì học bơi là xong, để hết sợ nước (mà sợ nước tức là sợ chết đuối) thì cũng học bơi là xong...
Một em học sinh dùng thau làm phao để bơi qua sông với nhóm bạn cùng lớp. Đến giữa dòng, chiếc thau bất ngờ lật úp, em bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Vụ tai nạn đuối nước vừa xảy ra sáng 11/6 tại sông Hoàng Mai (đoạn chảy qua xã Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai, Nghệ An). Bạn nam này không biết bơi, là học sinh lớp 4, ở xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai, Nghệ An).
Thế nhưng, đây chỉ là một trong số rất rất ít những vụ tai nạn thương tâm ở trẻ em do đuối nước gây ra mỗi dịp hè về, vấn đề nhức nhối đối với cả cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng hiện nay.
Đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Học bơi để làm gì?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo thống kê, trung bình Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ 2 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Gần 70% số trẻ bị chết, suýt chết do đuối nước đều ở độ tuổi dưới 15 và phổ biến nhất vẫn là độ tuổi từ 5 - 9. Đây là độ tuổi vô cùng hiếu động, thích tò mò, chưa đủ sức khỏe… nên rất dễ gặp tai nạn. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đuối nước cao ở trẻ em…
Thế nhưng, chắc chắn rằng, để giám sát trẻ 24/24 là điều không thể, nhất là khi trẻ trong độ tuổi đến trường. Vì thế, một trong những kỹ năng mà các bậc phụ huynh cần trang bị cho trẻ là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, ứng phó với tình huống bất ngờ xảy ra, trong đó có kỹ năng ứng phó khi không may gặp sự cố dưới nước.
Một trong những giải pháp hiện nay nhiều gia đình thực hiện nhằm phòng tránh đuối nước cho trẻ em áp dụng là tranh thủ dịp hè, cho con đi học bơi. Nhiều trung tâm, tổ chức cũng mở các lớp dạy bơi, ngoài giúp các em biết bơi, còn trang trang bị cho các em kỹ năng bơi an toàn, nhận diện nơi nguy hiểm, kỹ năng sơ cứu…
Con biết bơi, khỏi lo đuối nước !?
Tuy nhiên, có vẻ như, không chỉ riêng các em nhỏ, mà ngay bản thân những bậc phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản, cho con học bơi, con biết bơi sẽ đỡ lo bị đuối nước nếu chẳng may rơi xuống ao, hồ, sông, ngòi… Trong khi, “không phải cứ biết bơi là chắc chắn không bị đuối nước, vì nếu bất ngờ bị rơi xuống nước, các em dễ bị hoảng loạn, hoặc có thể em đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe, hoặc vùng nước đó quá sâu, quá nguy hiểm…”, một huấn luyện viên trung tâm dạy bơi ở Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết.
Cũng theo huấn luyện viên này, có một thực tế đáng báo động là cha mẹ, những người chịu trách nhiệm chăm sóc, giám hộ trẻ em ngoài việc thiếu (không tự trang bị) kiến thức hướng dẫn trẻ vui chơi an toàn, thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước, còn đặc biệt thiếu kiến thức giúp trẻ ứng phó với những tai nạn sông nước bất ngờ xảy ra.
Bạn có thể làm gì khi gặp người bị tai nạn, sự cố dưới nước?
Khi một người không may rơi xuống nước, câu đầu tiên những người trên bờ sẽ hỏi nhau là: “Anh ấy/ Chị ấy có biết bơi không?”. Nếu câu trả lời là “có” thì gần như mọi người sẽ yên tâm đứng trên bờ… chờ cho đến khi thấy sốt ruột vì không thấy nạn nhân nổi lên trên mặt nước mới hò nhau kêu cứu.
“Đây không phải là tình huống quá xa lạ trong các vụ tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, đối tượng thường là người trưởng thành, còn với trẻ nhỏ, nếu lỡ may các em rơi xuống nước, bố mẹ, người thân, hoặc ai đó nhìn thấy, họ thường tri hô, hoặc nhảy xuống cứu, nếu biết bơi”, vị huấn luyện viên trên chia sẻ.
Theo anh, điều đầu tiên cần lưu ý đó là, dù có biết bơi hay không, nếu như nạn nhân bị ngã xuống vùng nước sâu, hãy nhớ kêu gọi những người xung quanh tới giúp đỡ.
Đồng thời, hãy nhớ rằng, lúc này nạn nhân đang cực kỳ hoảng loạn. Vì thế, trong khi tìm sự trợ giúp, phải luôn để mắt tới nạn nhân, tìm cách trấn an cho họ vững tâm tin tưởng là sẽ được cứu thoát. “Điều này rất quan trọng, vì nếu nạn nhân ổn định tâm lý hơn thì sẽ bớt uống nước”, anh nói.
Các bạn nhỏ trong khóa học Trại hè Lính cứu hỏa được học về các kỹ năng cứu hỏa, cũng những kỹ năng khác như cứu đồng đội từ nhà cao tầng và dưới nước.
Thượng úy Đỗ Tuấn Anh - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật PCCC - ĐH PCCC - cho biết:
Trường hợp nạn nhân không ở quá xa bờ, dòng chảy không mạnh, dù người cứu không biết bơi thì có thể sử dụng sào, gậy dài, hoặc ném các vật có thể nổi như can, thùng, phao tới vị trí nạn nhân để kéo nạn nhân vào bờ. Nếu không tìm thấy các vật trợ giúp khác, hãy tận dụng áo, quần của mình, quăng cho nạn nhân và tìm cách kéo nạn nhân vào bờ.
Trường hợp nạn nhân bị nạn ở xa bờ, đòi hỏi phải có người tiếp cận vị trí nạn nhân để ứng cứu. Nếu như có thuyền, bè tại vị trí này, ưu tiên sử dụng để tiếp cận nạn nhân. Nếu không có thuyền, bè thì nhất thiết người xuống cứu nạn nhân phải biết bơi đồng thời kết hợp với một số kỹ thuật sau:
Nếu có phao hoặc các vật nổi như thùng, can đủ lớn và dây dài, một người trên bờ giữ dây, người biết bơi sẽ mang theo phao, can, thùng bơi tới vị trí nạn nhân để cho nạn nhân ôm lấy các vật này sau đó kéo nạn nhân vào bờ. Đối với biện pháp này, khi người cứu bơi tới vị trí nạn nhân cần bơi vòng ra phía sau, tránh tiếp cận từ phía trước sẽ bị nạn nhân ôm chặt và dìm xuống nước.
Trường hợp không có các vật dụng như phao, dây, người cứu biết bơi có thể tiếp cận vị trí nạn nhân và sử dụng các kỹ thuật sau để cứu người bị nạn:
Kỹ thuật bơi ếch ngửa: Người cứu tiếp cận nạn nhân từ phía sau, dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phía trên người cứu, người cứu bơi ngửa sử dụng kỹ thuật chân bơi ếch để đưa nạn nhân vào bờ. Lưu ý, giữ cho mặt nạn nhân luôn ở phía trên mặt nước.
Kỹ thuật bơi ếch nghiêng cứu người: Với kỹ thuật này, người cứu cũng tiếp cận phía sau nạn nhân, một tay vòng ra phía trước luồn xuống dưới nách nạn nhân, bơi nghiêng đưa nạn nhân vào bờ. Trong một số trường hợp, người cứu có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân để kéo vào bờ. Lưu ý giữ cho mặt nạn nhân luôn nổi trên mặt nước.
Thượng úy Đỗ Anh Tuấn đặc biệt lưu ý: “Trước khi tiến hành các hoạt động cứu giúp nạn nhân, người cứu cần phải chắc chắn rằng mình an toàn và tự tin. Nên có từ 2 người trở nên khi tiến hành ứng cứu, khi gặp nạn nhân cần hô to để mọi người xung quanh biết, tới hỗ trợ. Đã từng có những trường hợp người cứu gặp nạn khi tiến hành cứu người bị nạn do thực hiện không đúng các kỹ thuật, điều kiện an toàn nên đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.
Sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, nếu nạn nhân bất tỉnh cần tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu. Việc sơ cứu tại chỗ phải đúng kỹ thuật và hành động thật nhanh. Điều này quyết định đến sự sống còn của nạn nhân, hay có thể để lại di chứng về sau hay không.