Nhận định khả quan về tình hình doanh nghiệp kết hợp với những phương pháp định giá cho ra những mức giá hấp dẫn so với thị trường hiện tại.
Nắm giữ SHB nhờ định giá hợp lý
CTCK Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà nội dựa trên định giá hợp lý của thị trường.
VPBS cho rằng SHB đã phát triển rất nhanh từ năm 2006 và hiện đứng thứ 10 về tổng tài sản, đứng thứ 7 về mạng lưới, với thị phần tín dụng là 2.6% và thị phần tiền gửi 2.4% tính đến cuối năm 2013.
Nợ xấu của SHB sau khi sáp nhập đã được xử lý khá quyết liệt, tuy nhiên, vẫn là thách thức khó khăn, ít nhất là trong vài năm tới. Tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng dự kiến sẽ tăng đáng kể sau khi Thông tư 02 và Thông tư 09 có hiệu lực.
Khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động đã giảm sút đáng kể từ khi sáp nhập và tính ổn định của thu nhập vẫn còn là một dấu hỏi do hoàn nhập dự phòng, một nguồn thu nhập không thường xuyên, đã đóng góp một phần đáng kể vào tổng thu nhập của SHB trong những năm 2012, 2013 và quý 1/2014.
Mức độ độc lập của Hội đồng quản trị của SHB cũng là một vấn đề cần lưu ý.
Phương pháp định giá từ thu nhập thặng dư và so sánh chỉ số giá giao dịch P/E cho thấy SHB được thị trường định giá hợp lý.
Giá cổ phiếu SHB đã tăng gần 28%, vượt trội so với các ngân hàng tương đương (ACB, EIB, STB, MBB) và VN-Index trong 12 tháng qua. Tuy nhiên biến động giá của cổ phiếu này cũng cao hơn nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
>> Xem báo cáo chi tiết
Tăng tỷ trọng VNM do định giá hấp dẫn
CTCK Phú Hưng (PHS) đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam dựa trên định giá hấp. Theo định giá của PHS, VNM phải nằm ở mức 142,000 đồng/cp.
Bên cạnh vấn đề định giá, PHS cũng đưa ra một số điểm nhấn tại VNM. Cụ thể,bên cạnh kế hoạch nâng cấp các nhà máy, phát triển chuỗi cung ứng thì trọng tâm đầu tư của VNM nằm ở khâu mở rộng vùng nguyên liệu và đàn bò sữa. Theo kế hoạch phát triển trong vòng 3 năm tới, VNM sẽ đầu tư hơn 3,200 tỷ VNĐ để nâng tổng quy mô lên 9 trang trại với số bò sữa dự kiến là 46,000 con so với quy mô hiện tại là 5 trang trại với hơn 9,200 con bò sữa. Việc chủ động nguồn sữa tươi này sẽ giúp VNM hạ giá thành và không còn chịu tác động từ biến động chi phí nhập khẩu sữa từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, VNM còn lên chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Campuchia, Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi, Cuba, Mỹ. Hiện công ty đã chính thức xây dựng nhà máy tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD (VNM sở hữu 51% cổ phần) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015. Ngoài ra, VNM cũng vừa nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan với quy mô đầu tư khoảng 3 triệu USD. Việc đầu tư vào Ba Lan nhằm củng cố khâu cung cấp nông sản, gia súc và đồng thời đây cũng là cơ hội giúp sản phẩm của VNM tiếp cận thị trường Đông Âu.
Bộ Tài chính vừa ban hành quy định áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa bột của 5 doanh nghiệp sữa (trong đó có VNM) và bắt đầu có hiệu lực từ 01/06/2014. Theo đó, VNM bị áp trần giá sữa đối với 5 sản phẩm sữa bột và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của VNM trong 6 tháng cuối năm do mảng sữa bột hiện đang chiếm gần 20% tổng doanh thu của công ty. Dù vậy, VNM vẫn có thể tăng giá các sản phẩm sữa khác để bù đắp cho phần thiếu hụt từ mảng sữa bột.
PHS dự báo doanh thu thuần cả năm 2014 của VNM sẽ vẫn tăng trưởng tích cực 20% so với năm ngoái và đạt kết quả khả quan là 37,271 tỷ đồng. Lãi ròng tương ứng tuy tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn ở mức hai con số (11%) và đạt 7,228 tỷ đồng.
>> Xem báo cáo chi tiết
GAS: Thêm vào với giá mục tiêu 119,000 đồng
Bên cạnh khuyến nghị tăng tỷ trọng VNM, PHS cũng đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu GAS của TCT Khí Việt Nam – CTCP. Mức giá mục tiêu là 119,000 đồng/cp.
Theo PHS, GAS là đơn vị duy nhất được phép khai thác, nhập khẩu và phân phối khí tự nhiên tại Việt Nam. Hiện nay, khoảng 85% nhu cầu khí thiên nhiên tại Việt Nam xuất phát từ ngành Điện, 10% từ sản xuất Phân bón và 5% còn lại từ các khách hàng công nghiệp. Nhờ quá trình phát triển kinh tế và tăng dân số mà nhu cầu khí thiên nhiên của ngành Điện luôn tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây. Tuy vậy, giá khí thiên nhiên ở Việt Nam được giữ ở mức thấp so với giá thế giới để đảm bảo ổn định chi phí đầu vào của ngành Điện.
Ngoài độc quyền lĩnh vực khí thiên nhiên, GAS còn chiếm lĩnh thị trường khí hóa lỏng LPG (Liquefied Petroleum Gas) thông qua hai công ty con là CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) và CTCP kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVG). Hiện nguồn cung LPG trong nước chủ yếu đến từ nhà máy Dinh Cố và nhà máy lọc dầu Dung Quất, tuy nhiên chỉ đáp ứng 45-50% tổng nhu cầu. Lượng thiếu hụt còn lại phải nhập khẩu. Không giống như khí tự nhiên, giá bán LPG được thả nổi theo giá thế giới.
Như vậy, với việc độc quyền chiếm lĩnh thị trường khí tự nhiên cộng với nắm giữ hơn 50% thị phần LPG, lợi thế của GAS trong ngành Khi đốt ở Việt Nam là rất lớn.
PHS định giá cổ phiếu GAS ở mức 119,000 đồng/cp dựa trên 2 phương pháp: P/E (tỷ trọng 60%, P/E kỳ vọng 18.0x và EPS dự phóng năm 2014) và P/B (tỷ trọng 40%, P/B kỳ vọng 7.0x và giá trị sổ sách dự phóng năm 2014). Giá mục tiêu của GAS hiện đang cao hơn giá thị trường nên PHS đánh giá tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu này.
>> Xem báo cáo chi tiết
Mua SJD đầu tư dài hạn
CTCK Bảo Việt (BVS) đưa ra khuyến nghị mua vào đối với cổ phiếu SJD của CTCP Thủy điện Cần Đơn dựa trên phương pháp định giá FCFF thu được giá trị nội tại SJD ở mức giá 29,800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E 2014 là 7.7 lần.
Theo BVS , SJD Cps cấu trúc tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay/ VCSH chỉ 0.39 lần tính đến cuối 2013. Dự kiến sau khi thanh toán khoản trái phiếu mệnh giá 100 tỷ đáo hạn cuối năm 2014 thì tỷ lệ này chỉ còn 0.28 lần. Khi đó, SJD chỉ còn khoản vay dài hạn USD từ Ngân Hàng Phát Triển Châu Á với lãi suất khá thấp 1.25%/năm.
Nhờ các chính sách ưu đãi, SJD chịu mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp, 5% giai đoạn 2010-2016, 10% giai đoạn 2017-2018 và 20% giai đoạn 2019-2029. Đây là lợi thế các doanh nghiệp thủy điện nói chung và của riêng SJD khi mà mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang ở mức 22%. Qua đó, BVS cho rằng hiệu suất kinh doanh của SJD sẽ tăng trong thời gian tới nhờ nợ vay giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, doanh thu hoạt động tài chính tăng.
BVS đánh giá SJD khá thích hợp với nhà đầu tư giá trị trong dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro của doanh nghiệp như rủi ro đến từ thời tiết không thuận lợi, xu hướng bị chiếm dụng vốn bởi Tổng Công Ty Sông Đà và rủi ro cổ phiếu bị pha loãng do chủ trương tái cơ cấu của Tổng công ty Sông Đà.
>> Xem báo cáo chi tiết
Duy Hoàng tổng hợp
-----------------------------------------
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.