Chính trị

Có những “anh hùng áo trắng” từng xuyên đêm chống dịch, giờ phải ngồi viết giải trình

Quốc Huy 29/05/2023 - 15:10

Trong đại dịch, chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xảy ra; những bác sỹ khi đó là những “anh hùng áo trắng”, nhưng sau đại dịch ngồi viết giải trình…

Đó là những phát biểu đầy tâm tư của các đại biểu trong phiên Quốc hội thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng 29/5.

290520230911-z4385415891900_5ffcebb485d64f1146e7070415f3c1d0.jpg
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhận định, đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, thấy rằng, Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch COVID, vì đã đủ các điều kiện. Điều kiện đầu tiên là tỷ lệ bệnh nặng do COVID gây ra hầu như không còn, những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng mà có dương tính với COVID-19, điều đó thấy rằng COVID vẫn còn lây nhiễm cho cộng đồng, nhưng không còn nguy hiểm gây tử vong cao.

Theo đại biểu, trải qua 3 năm chống dịch, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ, chúng ta không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội chung tay chống dịch. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt, như là việc thành lập quỹ vắc xin, như việc tiêm vắc xin diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh COVID.

“Tôi còn nhớ khi đại dịch xảy ra thì có quyết định thành lập Bệnh viện COVID cơ sở Hoàng Mai trên một bãi đất trống, chính Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi vận động doanh nghiệp đóng góp tài chính, dồn sức xây dựng để một tháng sau đã hoàn thành đi vào hoạt động. Hàng nghìn bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi và ra viện từ nơi đây. Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Đồng thời đại biểu đề nghị, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các loại dịch khác và có thể khả năng COVID-19 bùng phát trở lại. Cùng với đó, Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch, chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường. Bộ nên giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng.

290520231025-z4385708834935_1cab297e59e2c67b3036c6a3f7206a3e.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, đất nước ta trải qua một thời gian chống dịch hết sức vất vả, đau thương, mất mát và chưa có tiền lệ. Qua đau thương, mất mát, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam, lá lành đùm lá rách, chia sẻ ngọt bùi. Hình ảnh những thiên thần áo trắng, những anh bộ đội, lực lượng vũ trang giúp dân chống dịch, mua thực phẩm,... đã cố gắng hết mình trong phòng chống dịch.

Nhưng điều mà đại biểu day dứt là qua dịch COVID-19, chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị.

Cũng qua đại dịch chúng ta thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đến sức khỏe nhân dân, các cấp, các ngành thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư bằng hàng trăm văn bản hằng ngày chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thức xuyên đêm để chỉ đạo phòng, chống dịch, hay vào vùng trung tâm dịch để thăm hỏi, động viên nhân dân.

Kết quả, là chúng ta đã phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Tuy nhiên, qua giám sát thấy được những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác mà báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu.

Đại biểu kể lại một tâm sự của người bác sĩ khi ĐBQH tỉnh Bình Thuận đi giám sát chuyên đề nói trên. Bác sĩ đó nói rằng, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của đơn vị đã cố gắng hết sức mình động viên nhau, làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, có ôxy, có sinh phẩm y tế để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng. Tuy nhiên khi hết dịch, qua vụ án của Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế là viết các báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng.

Khi bác sĩ này làm việc với các cơ quan chức năng, thành viên trong đoàn đã nói rằng: Trước tiên tôi xin cảm ơn các anh vì đã cứu gia đình tôi trong cuộc chiến COVID, nếu không có các anh thì mẹ tôi, con tôi và gia đình tôi đã không qua khỏi. Nhưng trong quá trình đó, các anh đã làm chưa đúng quy định pháp luật nên chúng tôi buộc phải xử lý.

Vị bác sĩ này cũng cám ơn Trung ương đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên rất nhiều trường hợp không vướng vào vòng lao lý và vị bác sĩ nói thêm rằng, nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu.

Bên cạnh đó, một nỗi lo đau đáu khác đó là làm sao trả nợ cho các doanh nghiệp, những vật tư y tế, oxy, thuốc men trong quá trình cấp thiết đã mượn trước để chữa trị cho bệnh nhân. Bây giờ, các doanh nghiệp liên tục đòi nợ, nhưng không có cơ sở để hoàn trả. Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp để xử lý vấn đề này, đại biểu nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có những “anh hùng áo trắng” từng xuyên đêm chống dịch, giờ phải ngồi viết giải trình