Viết về Xuân Hồng (1928-1996), nhiều bạn yêu âm nhạc thường gọi ông là “nhạc sĩ của mùa xuân”.
Đây không chỉ là cách chơi chữ xuất phát từ cái bút danh của Xuân Hồng, mà trước nhất là bởi ông đã có những sáng tác rất đặc sắc về mùa xuân, trong đó có những ca khúc mà ngay từ cái tiêu đề đã tràn đầy sức xuân, như “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Mùa xuân bên cửa sổ”... Nếu xét về độ “hoành tráng”, không thể nói ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” hoành tráng hơn ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, song về độ “lắng sâu” và “cháy bỏng” (lời ca từ) thì không hề thua kém. Đặc biệt, cùng với ca khúc “Cây đàn ghi ta của đại đội 3” (cũng của Xuân Hồng) thì đây là một tác phẩm được nhiều thí sinh lựa chọn để tham gia các cuộc thi tuyển giọng hát trẻ tài năng trong những năm gần đây…
Ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác vào năm 1985, khi đất nước ta vẫn ở thời bao cấp. Cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn và đời sống tinh thần vẫn còn nhiều bó buộc.
Ca khúc phổ thơ của nữ thi sĩ Song Hảo. Tuy nhiên, gọi là phổ thơ chưa thật chính xác, phải gọi là phỏng thơ mới đúng, bởi so với nguyên bản bài thơ (có tên gọi “Bên cửa sổ”), ngoại trừ hai câu đầu là chính xác 100% thì ca khúc của Xuân Hồng có một số điểm khác biệt về câu chữ (mặc dù về mặt cấu tứ thì cơ bản là trung thành với bài thơ). Đây là đoạn mở đầu ca khúc của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Đường phố ơi hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau/ Chim ơi đừng bay nhé/ Hoa ơi hãy tỏa hương/ Và cây ơi lay thật khẽ/ Cho đôi bạn trẻ đón xuân về”.
Và đây là đoạn thơ của nữ thi sĩ Song Hảo mà nhạc sĩ Xuân Hồng mượn để làm điểm tựa cho đoạn mở đầu ca khúc của mình: “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Hai người rất trẻ/ Hãy im nghe/ Rì rầm đường phố/ Bên cửa sổ có hai người hôn nhau/ Đêm chín rồi/ Rất khẽ/ Trăng ơi ghen nhé/ Có hai người yêu nhau/ Hoa dạ lý /Dâng hương/ Đêm nay/ Hoa tinh tường hơn cả/ Nhớ nghe hoa/ Mùi hương thật khẽ…”. Đối chiếu hai đoạn thơ và nhạc, ta thấy phần nhạc gọn ghẽ hơn, mặc dù vẫn đủ sức khái quát những gì mà tác giả lời thơ muốn đặt ra.
Như trên đã nói, khi ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” ra đời, đất nước vẫn còn ở thời kỳ bao cấp. Bài thơ lại còn ra đời trước đó nữa, mà - như nhiều người từng trải qua những năm tháng ấy đều biết, việc đưa được mấy chữ “hôn nhau” vào trong một tác phẩm thơ không hề là điều đơn giản.
Quyền cao chức trọng như nhà thơ Tố Hữu, vậy mà năm 1961, khi viết bài thơ “Bài ca mùa xuân 1961”, sau khi dùng tới hai chữ “hôn nhau” thì ngay sau đó ông đã phải thêm hai chữ “đồng chí” (Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí/ Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay/ Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay”). Nói vậy để thấy, việc cho nhân vật của mình hôn nhau, dù là ở trong nhà của họ, và ở trên cao chăng nữa, cũng vẫn là một việc làm khá… táo bạo.
Sau này, trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ, nữ thi sĩ Song Hảo đã cho hay: Nội dung bài thơ có liên quan tới một câu chuyện tình có thật của chính bản thân chị, và mặc dù bài thơ “nói lên tình yêu lứa đôi rất thật” và “rất trong sáng”, song khi cho bài thơ trình làng, để “an toàn”, chị đã “phải thêm vào đoạn có anh lính và cô công nhân cho phải đạo” (Mặt trận đêm nay/ Bình yên/ Anh lính về thăm phố phường/ Cô gái vừa tan ca/ Hai người đến với hoa/ Hôn nhau/ Bên cửa/ Có bao người đang yêu, hoa nhé đêm nay?). Vậy mà, sau khi bài thơ được phổ biến rộng rãi qua ca khúc của Xuân Hồng, đã có người lên án nữ thi sĩ là: “Đổi mới làm sao được! Nó hôn nhau mà bắt mọi người, đường phố phải im lặng”. Từ cách nhìn khe khắt đó, nữ thi sĩ đã bị cấp trên góp ý nhẹ.
Nếu như với tác giả thơ, việc đưa mấy chữ “hôn nhau” vào tác phẩm còn bị rầy rà như vậy thì với tác giả nhạc, chuyện càng trở nên nặng nề hơn bởi một điều dễ hiểu: Thơ có thể đọc thầm, chứ nhạc thì réo rắt bên tai người như thế, nếu các vị quản lý không có cái nhìn cởi mở thì vấn đề cũng dễ trở nên phức tạp. Trước đây, tôi từng nghe được một giai thoại như sau: Khi đưa ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” đến với công chúng, để thuận cho vấn đề bảo vệ “thuần phong mỹ tục”, người ta đã cho xóa đi trên băng nhạc mấy chữ “hôn nhau” bằng cách làm cho trầy xước, để rồi, thính giả khi mở băng, đến câu hát trên sẽ nghe ra thành “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người…cạch cạch nhau”. Chuyện chắc chỉ là tào lao, bịa ra cho vui.
Còn đây là câu chuyện do chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp kể lại: Một lần, biên tập viên Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tự ý sửa lại lời bài hát trên. Thay vì mấy chữ “Có hai người hôn nhau”, người này đã sửa lại thành “Có hai người bên nhau”. Chuyện đến tai tác giả ca khúc, nhạc sĩ Xuân Hồng rất bực. Tâm sự với bạn bè, ông nửa đùa nửa thật: “Các bạn nghĩ coi, từng này tuổi, tôi còn làm cái gì được nữa ngoài cái sự hôn nhau? Vậy mà cũng cấm”.
Ở trên, chúng tôi đã dẫn ra toàn bộ phần lời thơ của nữ thi sĩ Song Hảo, qua đó, bạn đọc có thể thấy, so với toàn bộ phần ca từ trong “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng, nó có mấy điểm sau: Có chỗ nhạc sĩ sử dụng 100% lời thơ, có chỗ ông chỉ mượn ý, có chỗ ông thêm vào, đặc biệt là đoạn sau đây ông thêm hoàn toàn để nói lên quan điểm sống của mình: “Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp/ Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng/ Cuộc đời còn cả những nụ hôn”.
Thật ra, không chỉ ở thời điểm nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác nên ca khúc nói trên, mà cho đến ngày hôm nay, cuộc sống với “cơm ngon và áo đẹp” vẫn là mơ ước của nhiều người, song, đúng như thông điệp mà người nhạc sĩ mang đậm khí chất hồn hậu, phóng khoáng của người dân Nam bộ ấy muốn nói, thì hạnh phúc cho đúng nghĩa “đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”. Phải đặt lời bài hát này trong bối cảnh xã hội lúc ấy, chúng ta mới thấm thía hết ý nghĩa nhân văn của nó, mới thấy quý sự da diết, quặn xiết trong những câu hát được trở đi trở lại.
Thông qua đoạn ca từ này (hoàn toàn không có trong bài thơ của nữ thi sĩ Song Hảo), ta hiểu tác giả muốn nhắn nhủ tất cả những ai từng một thời vùi mình trong gian khó, rằng hãy biết vượt lên những lam lũ thường ngày để sống sao cho thật ý nghĩa, tận hưởng những gì ngọt ngào nhất mà mình đáng phải được hưởng (không phải thường tình mà nhạc sĩ đặt tên cho ca khúc của mình là “Mùa xuân bên cửa sổ”. Tình yêu chính là mùa xuân của cuộc đời). Thật đúng như nhận xét của một tác giả: “Trước Xuân Hồng, trong những ca khúc được gọi là “nhạc đỏ” thì dường như chưa ai đề cập đến chuyện tế nhị như vậy trong ca từ”.
Không chỉ trong ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” nhạc sĩ Xuân Hồng mới nhấn mạnh tới mấy chữ “nụ hôn”. Ở ca khúc “Cây đàn ghi ta của đại đội 3”, ông cũng nhắc tới mấy chữ này: “Khi chia tay nhau lên đường chiến đấu/ Bao người yêu dấu tiễn bước chân/ Nhớ bao tấm lòng, chiếc hôn thắm nồng/ Để lại bao nỗi nhớ mênh mông…”. Điều đáng nói là những chiếc hôn này ông thường dành cho nhân vật người lính, là những người mà ông từng kề vai sát cánh và thấm thía được những thiệt thòi của họ. Phải yêu mến, thấu hiểu người lính đến thế nào tác giả mới dồn vào ca từ những lời như: “Tình yêu của người lính lắng sâu nhưng cháy bỏng/ Tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn” (lời kết ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ”).
Như vậy là đã ba chục năm trôi qua kể từ ngày “Mùa xuân bên cửa sổ” đến với thính giả cả nước. Không chỉ được đón nhận nồng nhiệt ngay từ lúc mới ra đời mà cho đến hôm nay, “Mùa xuân bên cửa sổ” vẫn tiếp tục đồng hành cùng bạn yêu âm nhạc. Đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện thành công ca khúc này. Gần đây, trong các cuộc thi tài năng trẻ âm nhạc, “Mùa xuân bên cửa sổ” vẫn là sự lựa chọn của không ít thí sinh. Và bạn yêu âm nhạc có thể thưởng thức ca khúc này qua các giọng ca trẻ: Quang Dũng, Đan Trường, Long Nhật, Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thúy, Mỹ Lệ…