Có nên giảm độ tuổi chịu TNHS hay quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

PV| 06/10/2015 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đang là vấn đề được tranh luận.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bên cạnh việc kế thừa quy định trước đây đã chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

Nếu các đối tượng này thực hiện tội phạm khác (hoặc người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý; hay người chưa thành niên là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án) thì việc xử lý được quy định tại Điều 89 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) như sau:

Theo phương án 1 là “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự theo quy định tại Mục B Chương này”. Còn theo phương án 2 là “được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục”.

 Về vấn đề đưa ra phương án quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự, có ý kiến cho rằng là chưa hợp lý. Mục đích Dự thảo đưa ra các biện pháp thay thế xử lý hình sự ở đây là nhằm tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng thì việc áp dụng cách thức xử lý như vậy không bảo đảm được hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Trong khi đó, các biện pháp thay thế xử lý hình sự được đưa ra trong Dự thảo thì có biện pháp mang tính răn đe, cảnh cáo, nhưng có biện pháp chủ yếu mang tính chất tìm ra hình thức giải quyết hậu quả pháp lý đối với hành vi mà người chưa thành niên phạm tội thực hiện chứ chưa coi trọng yếu tố phòng ngừa tội phạm (hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức).

Có nên giảm độ tuổi chịu TNHS hay quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Một phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội

Dự thảo đã quy định cụ thể những tội phạm mà người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em... Đối với quy định mới này, nhà làm luật muốn cụ thể hóa các quy định, các trường hợp để cơ quan chức năng dễ dàng và mạnh dạn áp dụng.

Tuy nhiên, liệu có chắc rằng chỉ những tội phạm được kể tên như trong Dự thảo mới là tội phạm cần bị xử lý nghiêm khắc, trong khi các quan hệ xã hội luôn vận động, các điều kiện kinh tế-xã hội mới thay đổi thì tội phạm cũng sẽ xuất hiện và biến đổi với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, hậu quả và những hệ lụy từ nó cũng sẽ nghiêm trọng hơn. Đến một thời điểm nào đó, chính quy định này sẽ bó hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm một tội phạm nào đó rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Vì vậy, nên giữ nguyên quy định tại khoản 2, Điều 69 và Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành (người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng). Đồng thời, quy định cụ thể hơn các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giúp cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để áp dụng trên thực tế.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Tuy nhiên Bộ luật Hình sự lại có quy định về việc áp dụng biện pháp tư pháp tại khoản 4 Điều 69. Như vậy, Bộ luật Hình sự hiện hành về hình thức không gọi các biện pháp tư pháp là biện pháp thay thế xử lý hình sự, nhưng thực chất nội dung của nó hoàn toàn là một biện pháp xử lý không hề mang tính hình sự.

Để tránh hiện tượng trùng lặp dễ gây nhầm lẫn thì trong Dự thảo không nên quy định thêm các biện pháp thay thế xử lý hình sự mà vẫn giữ nguyên các quy định về các biện pháp tư pháp như trong Điều 70 của Bộ luật Hình sự hiện hành và có thể bổ sung biện pháp khiển trách vào nhóm các biện pháp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên giảm độ tuổi chịu TNHS hay quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội