Để giảm gánh nặng chi phí cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị xem xét cải thiện chính sách thuế GTGT (thuế VAT) đối với phân bón.
Hiện tại, việc có nên áp thuế suất đối với mặt hàng phân bón đang có nhiều quan điểm trái chiều.
Trước đây, khi áp dụng Luật Thuế VAT năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%. Song, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008 đã khiến Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn năm 2012-2013.
Do đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp, Quốc hội đã ban hành Luật về Thuế số 71 ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2015.
Theo nhiều chuyên gia, phân bón không bị áp thuế dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước hạn chế đầu tư thêm cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu vào. Nhưng đầu vào không được khấu trừ, không được hoàn lại nên phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh với phân bón nội địa.
Vì vậy, nguy cơ lớn nhất cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản Việt Nam là phân bón nội địa "lép vế" với sản phẩm ngoại nhập giá rẻ, khiến doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhường thị phần lại cho phân bón nhập khẩu.
Về mức thuế VAT áp cho phân bón, các chuyên gia đều đồng tình với mức thuế suất 5%. Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.
Việc áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân bón sẽ tăng 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, giá thành sản xuất phân bón sẽ giảm từ đó giá bán lẻ phân bón cho nông dân sẽ giảm. Thay vào đó, nông dân sẽ được hưởng lợi từ sự giảm giá này vì doanh nghiệp có thể giảm giá bán sản phẩm đầu ra, giúp giá phân bón rẻ hơn hoặc ít nhất là duy trì ở mức giá hiện tại.
Còn theo nhiều đại biểu quốc hội, phương án áp thuế 5% vẫn chưa hợp lý. Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 5% có thể xử lý bất cập hoàn thuế VAT đầu vào cho doanh nghiệp "nhưng chắn chắn làm tăng giá phân bón". Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống người nông dân.
Do đó, đại biểu Mai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá chính xác nhất cả giai đoạn, nếu như đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn bao nhiêu. Đặc biệt, ngân sách thu được bao nhiêu và người dân trực tiếp nộp thuế 5% là bao nhiêu?
Như vừa qua, để phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người tiêu dùng, Quốc hội đã có chính sách giảm 2% thuế VAT một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Nên đánh 5% thuế đối với phân bón để giảm giá bán, đối với tôi là không thuyết phục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.