Chính trị

Đề nghị không áp thuế VAT với mặt hàng phân bón

Duy Tuấn 29/08/2024 - 14:48

Theo một số đại biểu Quốc hội, để phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, Quốc hội đã có chính sách giảm 2% thuế VAT một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đánh 5% thuế đối với phân bón để giảm giá bán là không thuyết phục.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 29/8, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

thue1.jpeg
Toàn cảnh hội nghị.

Chắn chắn làm tăng giá phân bón

Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai phương án được đưa ra để lấy ý kiến. Theo đó, phương án 1 là phân bón sẽ chịu thuế VAT 5%. Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT.

Cho ý kiến, đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang áp dụng thống nhất theo đối tượng không chịu thuế tại tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại.

thue4.jpeg
Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu phân tích, nếu áp dụng 5% đối với sản phẩm nông nghiệp sơ chế tại tất cả các khâu là chưa phù hợp, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng tham gia chuỗi. Cá nhân, hộ kinh doanh chịu thêm 2% thuế giá trị gia tăng trực tiếp trên doanh thu và ghi nhận vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng đầu ra và ghi vào giá thành sản phẩm do nhiều đầu vào của sản phẩm nông nghiệp sơ chế không có thuế giá trị gia tăng, như: con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, tiền thuê đất, lương nhân công... "nên thuế giá trị gia tăng đầu vào rất hạn chế".

Vì vậy, đại biểu đề nghị, nếu áp dụng theo phương án không chịu thuế sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế, bảo đảm định hướng an sinh xã hội cho sản phẩm thiết yếu và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành sản phẩm nông nghiệp sơ chế.

thue2.jpeg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 5% có thể xử lý bất cập hoàn thuế VAT đầu vào cho doanh nghiệp "nhưng chắn chắn làm tăng giá phân bón". Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống người nông dân.

Đại biểu Mai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.

Đánh giá tác động phương án tăng thuế 5%

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong giai đoạn 2015-2022, nếu khấu trừ thuế VAT đối với phân bón thì doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỉ đồng; nếu đánh thuế 5% thì ngân sách thu được khoảng 5.700 tỉ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại số tiền hoàn thuế mỗi năm 1.500 tỉ đồng cho doanh nghiệp phân bón.

thue3.jpeg
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Vì nếu đánh thuế 5%, toàn bộ tiền đánh thuế 5% sẽ hoàn lại cho doanh nghiệp hết. Ngân sách nhà nước không thu được 4.200 tỉ đồng.

Ông Giang đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá chính xác nhất cả giai đoạn, nếu như đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn bao nhiêu. Đặc biệt, ngân sách thu được bao nhiêu và người dân trực tiếp nộp thuế 5% là bao nhiêu?

"Như vừa qua, để phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người tiêu dùng, Quốc hội đã có chính sách giảm 2% thuế VAT một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Nên đánh 5% thuế đối với phân bón để giảm giá bán, đối với tôi là không thuyết phục" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị không áp thuế VAT với mặt hàng phân bón