Bảo vệ người tiêu dùng

Đưa mặt hàng phân bón từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế GTGT là cần thiết?

PV 26/06/2024 11:53

Thực tiễn qua mười năm thực hiện Luật thuế GTGT cho thấy còn nhiều bất cập trong việc chưa áp dụng sắc thuế này đối với mặt hàng phân bón, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, ngành nông nghiệp đóng vai trò “bệ đỡ”.

Một số ý kiến cho rằng, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” theo Luật thuế GTGT nên các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hoá, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.

a1.jpg
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Trong khi vật tư cho sản xuất chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp trong đó có phân bón. Do vậy việc mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra. Cuối cùng người nông dân đang phải chịu thiệt.

a3-1.jpg
Phân bón mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước cao thì bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 8 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu (do có những sản phẩm phân bón Việt Nam chưa sản xuất được). Thực tế cho thấy, đang có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước. Do các sản phẩm phân bón nhập khẩu được chịu thuế GTGT ở nước bạn và được khấu trừ dẫn đến giá phân bón nhập khẩu vào luôn có giá cạnh tranh hơn so với giá sản xuất trong nước.

a2.jpg
Người nông dân đang phải sử dụng phân bón với giá thành cao hơn do mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng áp thuế giá trị gia tăng.

Luồng ý kiến này cho rằng, mặt hàng phân bón không được áp thuế GTGT đang khiến ngành nông nghiệp, người nông dân và doanh nghiệp sản xuất phải gánh chịu những bất cập này 10 năm qua.

Đáng chú ý, trong tỷ trọng GDP của quốc gia, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng thấp (thể hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước) nhưng vai trò của nông nghiệp trong GDP lại rất cao, là “bệ đỡ” nền kinh tế. Trong bối cảnh này, có thể thấy bất cập của Luật thuế GTGT với nền kinh tế nói chung, với ngành nông nghiệp và bà con nông dân nói riêng. Tất cả những yếu tố đó gây hệ luỵ tới sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nước ta có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại từ nhỏ cho tới lớn. Nhu cầu sử dụng hàng năm ước chừng khoảng 11-12 triệu tấn. Con số này cho thấy phân bón là mặt hàng quan trọng của nông nghiệp, mà nông nghiệp trong chính sách của các quốc gia luôn được ưu tiên so với các loại hàng hoá khác.

Cũng theo ông Ngọc, hiện 60% lượng phân bón chúng ta nhập khẩu là từ Nga và Trung Quốc. Nga có chính sách thuế GTGT 20%, Trung Quốc là 11% dự kiến giảm xuống 9%. Các nước xung quanh ta như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT. Ví dụ Thái Lan là 8%, Malaysia cũng xấp xỉ. Như vậy thì cả thế giới đều tính thuế GTGT cho phân bón, không trừ quốc gia nào cả. Tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp - đối tượng cần được ưu tiên, phải được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội.

Việt Nam chúng ta coi trọng nông nghiệp vì thế rất cần hỗ trợ hiệu quả về chính sách thuế để có những tác động tích cực đến hàng hoá đầu vào mà nó đang chiếm đến 40-60% giá thành sản xuất. "Theo tôi sắc thuế GTGT là nguồn thu lớn, là một trong những trụ cột của hệ thống thuế, nhưng mà phải làm sao để bền vững, hiệu quả thì nó đang bị tác động bởi nhiều bất cập. Từ bài học quốc tế sang bài học của chúng ta, thực tiễn của sản xuất và nhìn vào tương lai đã chỉ rõ như vậy. Vậy tại sao chúng ta không hiểu rõ điều đó để thấy rằng điều chỉnh thuế GTGT đối với phân bón từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế 5% cần thiết như thế nào." - ông Ngọc quan điểm.

Đại biểu Quốc hội lo tăng áp lực cho nông dân

Trước đó, ngày 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm tới nội dung về mức thuế suất đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, điểm b, khoản 2, Điều 9 dự thảo luật hiện đang quy định mặt hàng phân bón là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% thay vì mặt hàng phân bón không phải chịu thuế như quy định hiện hành.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề xuất không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Ngoài ra, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, luật cần phải phân loại mặt hàng phân bón ra thành hai nhóm hàng hóa: Phân bón hóa học và phân bón hữu cơ, trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm. Từ đó nhằm định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ; đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Còn đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, sự mâu thuẫn giữa giá phân bón và giá nông sản kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam. Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế giá trị tăng 0%.

Theo đại biểu Vang, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. "Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép", đại biểu nói và nhấn mạnh, nếu dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì sẽ tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng, phân bón là hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ba loại phân bón (phân đạm, phân DAP, phân NPK) là 1 trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. "Giá thành phân bón liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, nếu chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%, người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn của quy định này", đại biểu bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa mặt hàng phân bón từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế GTGT là cần thiết?