Tết đến, trong lòng mỗi người dường như đều đong đầy những cảm xúc khó tả. Giữa những lo toan bộn bề ở phố thị, ta bỗng thấy mình thèm khát một chuyến trở về nơi gọi là "quê", nơi mà dù đi xa bao lâu, trong tim vẫn nhớ nhung như ngày hôm qua.
Đi xa để mong ngày đoàn tụ
Dù đã nhiều năm sống giữa đèn hoa lấp lánh nơi phố thị, Tết quê luôn đọng lại trong lòng người cảm giác đầm ấm thân quen mà không đâu sánh được. Như ca từ trong bài hát của Đen Vâu: “Bước ra đường là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan”. Với những người xa nhà, về quê ăn Tết là trở lại với tuổi ấu thơ được quây quần bên ba mẹ, họ hàng, bên mâm cơm nóng hổi và những cảnh vật thân thuộc.
Quê đó, có khi là một làng chài ven biển, nơi tiếng sóng đều đặn như lời ru của mẹ. Quê cũng có thể là nơi có những cánh đồng lúa xanh mướt và những đàn trâu thong thả gặm cỏ, nơi những buổi chiều đầy tiếng cười của bọn trẻ con đá banh, nhảy dây. Mỗi người có một ký ức khác nhau về quê, nhưng chung quy đó là nơi ấm áp nhất mỗi khi ta nhớ về.
Tùy vào địa lý mà mỗi vùng quê lại mang những phong tục ăn Tết khác nhau. Tết miền Tây rộn ràng, linh đình, Tết miền Bắc quây quần đông đủ, miền Nam lại đón năm mới ấm cúng trong sắc mai vàng. Nghĩ về khung cảnh đoàn viên, nghỉ ngơi ở chiếc giường quen thuộc, tại ngôi nhà quen thuộc, cùng những người quen thuộc, "nhà” trở về đúng nghĩa là nơi có hơi ấm người thân làm ai cũng nôn nao ngày gặp mặt.
Tết ở quê đặc biệt lắm. Từ những ngày giáp Tết, đường làng đã tấp nập hơn bao giờ hết. Tiếng các bà, các mẹ gọi nhau mua hàng, tiếng trẻ con vui mua hoa đào, hoa mai để mang về trang trí nhà cửa. Ấy thế mà, trong khung cảnh ồn ào đó, người ta vẫn thấy sự bình yên lạ lùng của một nét xuân rất riêng.
Để cảm nhận cái thú vị đặc sắc của Tết, bạn chỉ cần chịu khó dậy sớm cùng các mẹ, các chị đi chợ từ sớm. Đi giữa những sạp hàng nhiều màu sắc, dù khu chợ ấy đã quen lắm, ngày nào cũng đi thì người ta vẫn cảm thấy những thứ mới mẻ mà chỉ riêng chợ ngày Tết mới có được.
Nhà ai cũng lo chuẩn bị. Mẹ thì bên nồi bánh chưng với những câu chuyện xưa. Cha thì sửa sang lại bàn thờ, đánh bóng những đồ đạc đã cũ. Lũ trẻ con chạy nhảy ngoài ngõ.
Có một nơi mà ta gọi là quê….
Có một nơi thật quá đỗi mến yêu
Càng gần tết càng có nhiều nhung nhớ
Dù ở đâu cũng nặng tình duyên nợ
Bởi nghĩa tình đọng mãi ở trong taCó một nơi thật đầm ấm thiết tha
Và mong lắm để rồi mà đoàn tụ
Có mẹ cha có anh em đông đủ
Có xóm làng tình nghĩa cũ không phaiCó một nơi cứ mỗi sớm hôm mai
Tiếng gà gáy như gọi ai dậy sớm
Theo năm tháng để rồi ta khôn lớn
Luôn dang tay chào đón lúc ta về...
Đưa ta về những giá trị cốt lõi
Tết Nguyên đán là thời điểm của sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh, có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.
Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, với người nông dân, đây còn là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được đứng trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Mỗi buổi sáng Tết, khi ánh mặt trời đầu tiên xuyên qua màn sương sớm, cả gia đình cùng nhau đứng trước bàn thờ gia tiên. Tôi nhớ những lúc theo cha mẹ dâng hương, làm lễ cầu mong một năm mới bình an, sung túc. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau bữa cơm đầu năm. Cảm giác ấm áp, yên ả đến nhẹ lòng. Và khi đó, hai từ quê hương sao mà thân thương, dung dị đến vậy. Cho dù cuộc sống, xã hội đang có nhiều biến đổi thì những giá trị cốt lõi sẽ luôn bất biến. Bởi quê hương là nơi để trở về. Quê vừa là người cha chở che, vừa là người mẹ an ủi, vỗ về. Và đôi khi, quê cũng giống như người bạn động viên chúng ta những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Có một nơi ta buồn đến tái tê
Và nhớ lắm nếu không về đón Tết
Lòng trống trải và nỗi buồn da diết
Dẫu đủ đầy vẫn không hết ngóng trôngCó một nơi cha mẹ vẫn chờ mong
Được ôm ấp trong lòng đàn con trẻ
Để buồn vui lại cùng nhau chia sẻ
Đón xuân về trong vui vẻ đoàn viênCó một nơi ta cảm thấy an yên
Không lo nghĩ và buồn phiền trăn trở
Ta có cả những gì từng một thuở
Kỷ niệm xưa nhắc nhở mỗi khi vềCó một nơi dù đồng nội chân quê
Nhưng cần lắm mỗi khi nghe tên gọi
Chắc mỗi người ai cũng đều tự nói
Chỉ có quê không thay đổi trong ta...Hồng Phong
Tết quê đưa ta trở về với những giá trị cốt lõi của cuộc sống: tình yêu thương, đoàn kết và sự biết ơn. Trong những khoảnh khắc đó, ta như được sống giữa những kỷ niệm xưa cũ và đẹp đẽ, để sống lại trong từng khoảnh khắc yêu thương.