Kết luận giám định về chai nước giải khát có ruồi của THP vừa được công bố không gây ngạc nhiên cho nhiều người. Tuy nhiên, với “bổn cũ soạn lại” liệu một thương hiệu lớn như THP có còn được lòng tin của NTD, khi niềm tin ấy đã không ít lần "sứt mẻ"?
Sáng 8/2, theo xác nhận của Thượng tá Đinh Văn Thảnh - Trưởng Phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an vừa có kết quả giám định chai nước Number One. Theo Kết luận nội dung giám định này, chai Number One có dấu hiệu can thiệp của con người vào phần nắp chai và làm cho nó bị biến dạng.
Cụ thể, kết luận của Viện Khoa học hình sự ghi rõ: “Phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai nước nhãn hiệu Number 1 gửi giám định, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra. Mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai gửi làm mẫu so sánh. Các dị vật bên trong chai nước nêu trên là các bộ phận cá thể ruồi”.
"Các dị vật bên trong chai nước nêu trên là các bộ phận của cá thể ruồi (không còn nguyên vẹn, cái đầu rớt ra). Riêng phần thân của chai nước được đưa đi giám định còn nguyên vẹn, không bị thủng hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường nào", bản giám định nêu.
Ngoài ra, về những thông tin liên quan đến anh Võ Văn Minh theo Thượng tá Đinh Văn Thảnh - Trưởng Phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang cũng cho biết thêm, đơn vị này đang tập trung điều tra làm rõ vụ việc, sai phạm của những người liên quan, có tổ chức hay không.
Kết luận giám định chai nước Number One của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an
Như trước đó Công lý đã đưa tin, VKSND tỉnh Tiền Giang đã phê chuẩn bắt tạm giam bị can Võ Văn Minh (SN 1980, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè) để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát (tỉnh Bình Dương).
Theo nội dung vụ việc, ngày 3/1, trong lúc mở chai nước ngọt cho khách hàng, chủ quán cơm Võ Văn Minh cho rằng phát hiện có xác ruồi bên trong. Anh này sau đó gọi điện báo cho doanh nghiệp sản xuất chai nước Tân Hiệp Phát, yêu cầu cử người đến thương lượng.
Trong lần đầu gặp đại diện công ty này, Minh yêu cầu phải đưa cho Minh một tỉ đồng nếu không sẽ đưa tin cho báo chí. Thậm chí, Minh nói nếu không được đáp ứng, sẽ cho in 5.000 tờ rơi phát tán nhiều nơi để công ty này không còn uy tín. Sau 3 lần thương lượng, công ty Tân Hiệp Phát đều lập biên bản. Cuối cùng Minh đã đồng ý “hạ giá” xuống còn 500 triệu đồng.
Chiều 27/1, Minh đang nhận 500 triệu đồng ở một quán cà phê tại huyện Cái Bè thì bị trinh sát Phòng CSHS bắt quả tang.
Kết quả giám định có giúp THP có được lòng tin của người tiêu dùng?
Với nội dung kết luận của bản giám định đưa ra, một lần nữa người tiêu dùng lại rơi vào thế bất lợi. Chai nước được anh Minh cho là có ruồi và đưa ra giá với Tân Hiệp Phát là 500 triệu đồng cho “sự im lặng” đã được công ty này thỏa thuận, cuối cùng cũng chỉ là chiêu “vòi tiền” một thương hiệu “uy tín”. Mọi thứ dường như đang rất thuận chiều và ủng hộ cho Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, khi kết luận giám định vừa mới được thông tin trên một vài tờ báo, thì không ít độc giả đã có những câu hỏi thật không dễ trả lời: “Kể cũng lạ nhỉ. Nếu đúng như giám định, chai nước bị biến dạng, có dấu hiệu đã mở, thì tại sao khi thoả thuận với anh Minh, đại diện công ty lại chấp nhận bồi thường?...” (độc giả có nick name Bang Nguyen), hay nick name Dư Thành Mười “Nếu như là giả thì tại sao THP lại thoả thuận với anh Minh mấy lần ? Thứ 2 nữa là khi đưa đi giám định có còn nguyên niêm phong, có chữ kí của anh Minh không?”. Độc giả với nick name maiyeuem thì lập luận “Chỉ là một người dân bình thường liệu có công nghệ nhét ruồi vào chai siêu đẳng mà phải cần đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mới phát hiện!?...”
Tình huống này khiến không ít người lại liên tưởng đến 2 vụ việc tương tự của Tân hiệp Phát với người tiêu dùng trước đó. Vụ thứ nhất vào năm 2012, anh Trần Quốc Tuấn (27 tuổi, làm nghề thợ bạc, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sau khi phát hiện thấy một con gián trong chai trà xanh đã yêu cầu Tân Hiệp Phát phải đưa 50 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng, nếu không Tuấn sẽ thông báo vụ việc cho báo chí. Phía công ty đồng ý đưa tiền, song một mặt đã trình báo công an việc bị Tuấn tống tiền. Ngày 5/6/2012, lúc hai bên đang trao đổi thì Tuấn bị công an bắt vì tội tống tiền.
Vụ thứ hai xảy ra năm 2009, khi bà Nguyễn Thị Thu Hà một chủ quán ăn uống ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Bà Hà đã yêu cầu bồi thường 49 triệu đồng cho 5 chai nước ngọt của công ty do khách cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, ngày 16/12/2011, khi bà Hà đang nhận tiền của Tân Hiệp Phát thì công an tỉnh ập vào bắt giữ.
Đấy là chưa kể đến một loạt vụ việc bê bối khác của Tân Hiệp Phát về vấn đề ATVSTP trong các năm 2009, 2011, 2012. Vì vậy, những độc giả này chia sẻ, họ cũng không lấy làm lạ lắm về kết luận trên của đơn vị chức năng.
Ở đây chúng tôi không bàn luận đến bản chất hành động đang bị cho là “tàn nhẫn” khi “đánh úp” khách hàng của Tân Hiệp Phát, cũng không bàn luận đến tính pháp lý rằng, khách hàng, hay Tân Hiệp Phát đúng, thắng hay thua trong vụ việc này. Chỉ biết rằng, Tân Hiệp Phát hiện là một trong số 3 doanh nghiệp hàng đầu chiếm lĩnh thị phần nước giải khát lớn nhất Việt Nam, đang hướng tới doanh số tỷ đô và sản phẩm luôn được quảng cáo “giải độc, thanh lọc cơ thể”. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, Tân Hiệp Phát khi không phủ nhận được thì giải thích do sơ suất lỗi kỹ thuật nên xảy ra hiện tượng trên. Còn những khách hàng giải quyết bằng việc đòi bồi thường thì đều bị cơ quan chức năng xử lý.
Vân biết, không phải bất cứ doanh nghiệp, thương hiệu lớn nào thành công trên thị trường đều không gặp, hay phải trải qua sự cố gì. Thậm chí, có những doanh nghiệp từng trưởng thành và phát triển từ việc va vấp, gặp sự cố với khách hàng. Điều quan trọng là trước những sự cố đó, quan điểm của những người đứng đầu doanh nghiệp đó thế nào, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt hay vì con người, vì khách hàng trong tương lai, để từ đó xây dựng văn hóa khách hàng, có cách ứng xử văn minh, khiến khách hàng có sự cảm thông, tâm phục khẩu phục, thậm chí họ thấy yên lòng và ngày càng tin dùng sản phẩm hơn.
Trong trường hợp của Tân Hiệp Phát, chuyên gia tư vấn thương hiệu Đặng Thanh Vân phân tích, doanh nghiệp nào chọn quan điểm hướng về người tiêu dùng họ sẽ tìm cách xoa dịu khách hàng, mưa to hoá nhỏ, mưa nhỏ hoá không mưa. Trong trường hợp quan điểm doanh nghiệp hướng về sản xuất chỉ tập trung làm cho sản phẩm tối ưu hoá để chinh phục thị trường thì họ sẽ không quan tâm tới khách hàng nói gì.
Bà Vân cho rằng, Tân Hiệp Phát đứng về quan điểm thứ hai. Theo bà Vân, cách ứng xử của Tân Hiệp Phát là “trừng phạt người tiêu dùng”. Nó thực sự lệch chuẩn, không phải là cách làm khôn ngoan của những người làm thương hiệu chuyên nghiệp.
Trong khi những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định thương hiệu và có thể tham gia hội nhập sâu thị trường quốc tế, cũng như thành công với thị trường trong nước đều coi trọng mục tiêu sản phẩm làm ra đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng, hướng đến trách nhiệm xã hội với cộng đồng, việc làm và cách hành xử của Tân Hiệp Phát há chẳng đang đi ngược xu hướng này sao?
Chúng tôi xin kết thúc bài viết bằng một ý kiến của một độc giả có nick name Le thi huong “Môt doanh nghiệp lớn mà lại cư xử như vậy... Tôi ko bênh vực bên nào cả, nhưng với cách hành xử như thế thì doanh nghiệp đó nên coi lại mình đi”.