Cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ tạo đòn bẩy phục hồi ngành hàng không

Trang Nhi| 26/10/2021 14:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mở cửa thị trường hàng không là xu thế tất yếu sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng không cần mạnh hơn, thiết thực hơn để mở rộng cơ hội khai thác, qua đó vực dậy ngành hàng không và thúc đẩy phát triển kinh tế hậu COVID-19.

Cơ hội phục hồi cho ngành hàng không

Vai trò của ngành hàng không trong nền kinh tế nói chung và vai trò của hãng hàng không quốc gia rất quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa nước ta với thế giới, trực tiếp thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó, ngành du lịch đóng góp 8,8% GDP của đất nước.

Trước khó khăn của các hãng hàng không do tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thể hiện vai trò quản lý nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho tất cả các hãng hàng không như giảm một số loại thuế, phí hoạt động; đồng thời thể hiện vai trò của chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước tại Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông qua các gói hỗ trợ đặc thù. Điều này đã phần nào hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khó khăn trước mắt và có cơ hội phục hồi, phát triển cũng như phục vụ nhu cầu khách hàng.

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các hãng hàng không các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… đều đã có những bước phát triển nhanh, hứa hẹn có thể vươn tầm thành các hãng hàng không quốc tế lớn. Các hãng cũng chủ động có các giải pháp ứng phó vượt qua đại dịch như: Tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường; tiết kiệm, cắt giảm chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở hành khách hồi hương và các chuyên gia...

1.jpg

Ngành hàng không cần cơ chế hỗ trợ mạnh hơn để sớm phục hồi.

Tuy nhiên, muốn vậy, các hãng này vẫn cần cơ chế hỗ trợ mạnh hơn nữa để vượt qua những khó khăn hiện tại. Đại diện các hãng hàng không mong muốn Chính phủ có chính sách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như gia hạn và tăng thêm mức hỗ trợ, miễn giảm với các chính sách đã được ban hành như: tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ mức 30% lên 70%; gia hạn đến hết năm 2022 và tăng mức giảm giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và kích cầu thị trường; điều chỉnh quy định cho phép ngân hàng gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ, cấp thêm hạn mức và cho vay mới với doanh nghiệp hàng không; ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng không tư nhân tiếp cận các khoản vay ngắn hạn theo hình thức tái cấp vốn từ ngân hàng thương mại, các khoản tín dụng trung và dài hạn với lãi suất và điều kiện vay ưu đãi cũng được đề xuất. Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng không tư nhân phải rộng mở và thiết thực, điều khoản cụ thể, thủ tục nhanh gọn.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế TP.HCM (VEC) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đề xuất, mở các đường bay đến các khu du lịch nội địa nổi tiếng và tiêm vaccine cho người dân ở vùng này nhằm thực hiện mục tiêu “mở cửa an toàn”, bởi nếu mở nhanh khu du lịch trong nước thì việc mở rộng đường bay sẽ được tháo gỡ. Hàng không và du lịch có tác động tương hỗ, do đó cũng cần có giải pháp kích cầu du lịch nội địa.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay phù hợp theo từng giai đoạn, diễn biến dịch bệnh để các hãng bay chủ động xây dựng kế hoạch khai thác phù hợp; cũng như phân bổ khai thác bình đẳng cho các hãng hàng không.

Tại tọa đàm với chủ đề “Cùng TP.HCM thực hiện mục tiêu kép”, bàn về giải pháp an toàn bay, các chuyên gia đều cho rằng cần có chính sách của Chính phủ nhằm đảm bảo phòng chống, quản lý dịch bệnh hiệu quả và chính sách riêng của hãng hàng không để thực hiện những “chuyến bay xanh”.

Cần những chính sách dài hạn

Trước rủi ro của COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam luôn rất thận trọng trong hoạt động vận chuyển. Hiện tại, các chuyến bay quốc tế của các hãng chủ yếu chỉ vận chuyển chuyên gia, hành khách hồi hương và hàng hóa. Thay vào đó, thị trường nội địa được tập trung khai thác tối đa.

Dựa trên tình hình dịch bệnh hiện tại, Bộ GTVT đã thông qua kế hoạch triển khai các đường bay nội địa giai đoạn từ 21/10 đến 30/11, trong đó nâng tần suất khai thác nhiều đường bay trục quan trọng như Hà Nội - THCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP.HCM. Điều kiện khách bay và quy định của địa phương cũng được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn, phần nào tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng hành khách và giúp hãng bay nhanh chóng khôi phục mạng bay nội địa. Cùng với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các chuyên gia nhận định cơ hội cho ngành hàng không phát triển ổn định đang dần được mở rộng.

Dù nhu cầu đi lại của người dân hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng việc đóng băng mạng bay quốc tế, trong khi mạng bay nội địa hoạt động cầm chừng để theo dõi diễn biến của dịch bệnh đã khiến cho thị trường hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cung ứng.

2.jpg

Cần những chính sách dài hạn cho ngành hàng không hậu COVID-19.

Các chính sách, giải pháp ngắn và trung hạn đã được Chính phủ đưa ra, giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, cần có những chính sách dài hạn để giúp các hãng tồn tại, phát triển ổn định, bền vững, đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với hàng không thế giới. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, phát triển kinh tế đất nước. Việc giải quyết các vấn đề về dư thừa nguồn lực, cạnh tranh giá vé và các hệ lụy rủi ro về bất ổn thị trường cũng cần được Chính phủ xem xét quyết định.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ tạo đòn bẩy phục hồi ngành hàng không