Có cần thiết xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia?

Quốc Huy| 10/05/2017 21:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Bộ Y tế dự thảo từ 2014 và đến nay vẫn chưa được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật 2017, và đã có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm cũng như sự cần thiết xây dựng luật này.

Bản thân rượu, bia không độc hại

Dự thảo Luật mới nhất mà Bộ Y tế đưa ra đã không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn hay nghiêm cấm việc pha cồn công nghiệp vào rượu mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia.

Theo đó, dự thảo Luật quy định các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia để phòng, chống tác hại của rượu bia; việc cấp phép, quy hoạch đối với rượu, bia trong đó có các biện pháp cụ thể để kiểm soát rượu thủ công; việc bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về rượu, bia; công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; các địa điểm không được bán rượu, bia cũng như các đối tượng mà người bán không được bán rượu, bia…

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam, bia, rượu là một trong những đồ uống lâu đời tồn tại phổ biến mà loài người tạo ra và đã trở thành nét văn hóa của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sản xuất bia, rượu là ngành có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội giải quyết nhiều việc việc làm cho lao động… Theo Tổng cục Thuế, tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2016 đạt trên 48 ngàn tỷ đồng. Các đồ uống có cồn tại Việt Nam chủ yếu là bia - một loại đồ uống có độ cồn nhẹ, thơm mát, bổ dưỡng, đứng thứ 52 so với các nước trên thế giới và khu vực.

Có cần thiết xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia?

 Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại tọa đàm ngày 9/5/2017 về đề xuất xây dựng dự án luật này, các ý kiến cho rằng, nếu sử dung rượu, bia phù hợp với khuyến cáo của bác sỹ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe mà ngược lại. Chỉ có lạm dung rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe và chưa có vụ ngộ độc nào có nguyên nhân do sử dụng bia hoặc rượu có nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm. Những vụ ngộ độc rượu gây chết người vừa qua do sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu giả,…

Một số chuyên gia cho rằng, hiện tại, các đề xuất trong Bản dự thảo Luật mới nhất không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia, như vậy luật sẽ không có tác dụng điều chỉnh, tăng cường hành vi uống có trách nhiệm mà dẫn đến một số tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả. Bởi vì khi giảm nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng sẽ dẫn đến dôi dư một số lao động đang làm việc trong ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp và phải chi một nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để giải quyết chế độ đối với số lao động này. Và nếu sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu và vấn nạn nhập lậu, hàng nhái, hàng giả gia tăng sẽ dẫn đến sản xuất trong nước bị đình trệ, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Rồi tình trạng rượu trôi nổi, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu dân tự nấu không kiểm soát được là nguyên nhân liên quan đến các vụ ngộ độc…như thời gian vừa qua.

Có thể ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia

PGS. TS Nguyễn Văn Việt dẫn chứng, theo báo cáo của Bộ Y tế hiện nay có đến 85 văn bản từ luật đến các thông tư hướng dẫn có các quy định liên quan đến quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, bia,….

Thủ tướng đã ban hành chương trình quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Vì vậy đề xuất xây dựng luật cần có báo cáo đánh giá một cách chi tiết kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để xác định những mặt hạn chế, nguyên nhân. Hơn nữa hiện nay chưa có quốc gia nào ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Ở Đông Nam Á chỉ có Thái Lan có Luật Kiểm soát rượu bia…Do đó Việt Nam không nên ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà thay vào đó có thể ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, không thể nói rượu, bia là thức uống độc hại, mà một mặt nào đó còn bổ dưỡng và được nhiều người ưa thích. Rượu bia chỉ được coi là độc hại khi người dùng lạm dụng nó, mà không phải rượu bia mà bất cứ thứ gì mà lạm dụng quá cũng đều không tốt. Nếu phải dùng Luật để phòng chống thì coi nó độc hại ngang ngửa với ma túy, thuốc lá. Vậy nên cần xem xét rượu bia có độc hại hay không và có thì ở mức nào và đã đến mức cần thiết để điều chỉnh ngành nghề này hay không, trong khi đây là ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế và mặt hàng này cũng đang chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật khác nhau, như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, thậm chí cả Bộ luật hình sự…

Còn bà Phan Thị Kim, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, phải phân biệt rõ rượu pha cồn công nghiệp gây chết người độc hại chứ không phải bản thân rượu được sản xuất đúng quy chuẩn cho phép, bởi loại rượu này không gây độc hại. Và như vậy có nghĩa là cơ quan quản lý phải theo dõi giám sát. Nếu xây dựng luật phải đi vào quản lý kỹ thuật sản xuất ra các loại rượu này đảm bảo chất lượng. Vậy nên nếu phải ban hành luật thì là Luật Kiểm soát rượu, bia- bà Kim đề nghị.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen, ĐB Quốc hội khóa XIII cũng đề nghị, cần xem xét lại, làm rõ một số vấn đề trước khi đưa dự thảo ra Quốc hội để tránh những sai sót không đáng có và để ngành sản xuất rượu, bia cũng như kinh tế đất nước có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Theo ông Vẻ, tác động của sản phẩm có cồn thường được nhìn toàn “màu xám” nhưng thực chất có ý nghĩa về xã hội như tăng sức khỏe cho người tiêu dùng (sử dụng phù hợp). Cùng với đó, ngành còn có đóng góp cho nền kinh tế 48.000 tỷ đồng tiền thuế/năm, giải quyết hàng chục nghìn việc làm, phát triển các công nghiệp phụ trợ (bao bì, nhãn mác…), tiêu thụ lúa gạo, xuất khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có cần thiết xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia?