CIEM dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,83%

Trang Nhi| 14/01/2023 09:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia của CIEM cũng đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố dự báo triển vọng kinh tế 2023, với hai kịch bản.

Ở kịch bản 1 (là kịch bản khả thi nhất), tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, lạm phát bình quân đạt 4,08%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng có thể đạt tới 6,83%, lạm phát đạt 3,69%.

CIEM dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,83%

CIEM dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,83%.

CIEM đánh giá so với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn.

Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế.

Thứ hai, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát.

Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Yếu tố tiếp theo được các chuyên gia CIEM đề cập đến là tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD,...

Ngoài ra trong năm 2022, Việt Nam đã tiếp tục thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện quyết liệt. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam đã tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều nội dung mới, đột phá về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển vùng... đã được ban hành. Công tác truyền thông chính sách cũng được lưu tâm, thực hiện hiệu quả hơn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CIEM dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,83%