Đến với biên cương Hà Giang vào mùa hoa cải hay mùa tam giác mạch, người ta sẽ thật khó quên nụ cười của những thiếu nữ Lô Lô trên miền di sản Đồng Văn.
Bên nhịp trống trầm hùng, điệu múa của những bà, những chị, những em gái Lô Lô còn quá đỗi nguyên sơ sẽ làm say lòng bao du khách. “Hỡi những người Lô Lô cổ/Và Clao già ở đất này/Đã phát rẫy làm nương/Đã khai thiên lập địa/Sinh ra mảnh đất đầu tiên/Sinh ra các hang/Đẻ ra các động…”.
Đó là lời văn trong bài cúng lễ, kể chuyện tổ tiên người Lô Lô cổ đưa con cháu men theo rông đá tìm xuống mảnh đất lành phương Nam trú ngụ. Họ được coi là những người có công đầu khai phá vùng đất Đồng Văn nên ngày nay, các dân tộc khác ở Đồng Văn như Mông, Dao, Tày, Hoa… vẫn thường tổ chức cúng ma Lô Lô để tỏ lòng biết ơn người đi trước.
Một góc Lô Lô Chải
Đời nối đời bảo vệ biên cương
Lô Lô là một dân tộc có số dân khá khiêm tốn, song họ lại có một bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa rực rỡ. Tùy theo trang phục và tập quán, người Lô Lô được chia thành bốn ngành là Đen, Trắng, Đỏ và Hoa. Đồng bào phân bố chủ yếu ở các huyện biên giới như Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê… tỉnh Hà Giang hay Bảo Lâm, Bảo Lạc… tỉnh Cao Bằng và Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nương, cuốc rẫy và một vài nghề phụ khác. Hiền lành và chăm chỉ, song ý chí cộng đồng và nghị lực vượt khó, biết vươn lên của những người anh em Lô Lô thực sự rất đáng trân trọng. Hẳn vì vậy mà dân ca Mông có câu “Mưa nhẹ trên đường phố/Chó sủa Lô Lô về” với hàm ý ám chỉ đường ăn nết ở nhẹ nhàng, khéo léo và hay mỉm cười của những người Lô Lô trong vùng.
Trên cánh đồng Thèn Pả, nơi có đỉnh núi Rồng và ngọn cờ Lũng Cú kiêu hãnh bay trên nóc nhà Tổ quốc là chòm bản bình yên của 70 hộ dân Lô Lô Chải. Nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái và những dãy hàng rào đá chạy bao quanh. Theo sử sách ghi lại, vùng đất Lũng Cú từ xa xưa vẫn luôn được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía Bắc. Tương truyền rằng, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có lần hội quân lớn ở đây nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ biên cương, bờ cõi. Lịch sử cũng đã ghi nhận ở mảnh đất phên giậu của Tổ quốc này, đồng bào các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Mông, Dao, Giáy trải qua không biết bao nhiêu biến loạn và đã đoàn kết, cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược quê hương Việt Nam suốt mấy nghìn năm. Còn hôm nay, trong bóng cờ bay, mỗi nếp nhà như một chốt canh lặng lẽ nơi biên ải. Nhiều con em của đồng bào Lô Lô đã phấn đấu học tập, trở thành những cán bộ mẫn cán, góp phần gìn giữ sự bình yên cho chính quê hương mình.
Thiếu nữ Lô Lô
Gia đình cụ Lù Thị Điển ở đầu bản Lô Lô Chải là một trong hai gia đình còn lưu giữ được vật báu của dân tộc mình qua hàng trăm năm. Tự hào là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất cực Bắc, người Lô Lô còn là chủ nhân của những chiếc trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn. Có nhiều cách lý giải về sự xuất hiện của trống đồng nơi đây, song, câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất là vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên cương hiểm trở này một chiếc trống lớn, để khi có giặc thì nổi trống báo hiệu cho quân triều đình đến ứng cứu. Đó không chỉ là hiệu lệnh, là phương tiện thông tin của quân đội Tây Sơn, mà còn như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước. Đời này qua đời khác, dân tộc Lô Lô đã góp phần bảo vệ vẹn toàn mảnh đất biên cương, bảo vệ vật thiêng dẫu cuộc sống còn nhiều neo khó.
Qua thời gian, giờ chỉ còn lại một cặp trống có niên đại ước chừng 600 năm đã mòn vẹt. Với người Lô Lô thì trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người. Trống chỉ được dùng vào việc tế trời đất, cúng ma cho người chết và nhảy múa trong Lễ cúng tổ tiên vào tháng Bảy âm lịch. Theo khảo sát, người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống đồng để giữ nhịp cho các bài múa. Âm hưởng trầm vang của trống có ảnh hưởng rất lớn đến phong tục tập quán, và dân ca, dân vũ. Trong ngày hội vui, người Lô Lô mới đem những chiếc trống cổ cùng những vũ điệu nguyên sơ ra để trình diễn như một phức điệu đẹp của núi rừng, của tấm lòng tôn kính tổ tiên và cùng cầu mong cho mọi gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe.
Rực rỡ những sắc màu văn hóa
Mỗi người phụ nữ Lô Lô khi đi dự hội, trang phục bao giờ cũng rất cầu kì với khăn đội đầu, áo, quần, dây lưng, yếm quần, khăn tay, xà cạp và những trang sức bằng bạc để tô điểm như hạt cườm, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, dây xà tích. Họ quan niệm rằng lúc nào cũng phải diện thật đẹp để “Sống để thiên hạ khen/Chết cho tổ tiên mừng...”. Nếu bộ quần áo của phụ nữ nhóm Lô Lô Đen ở bản Lô Lô Chải khá cầu kỳ với nhiều lớp khăn áo thì trang phục của phụ nữ Lô Lô Hoa ở Sủng Là đơn giản hơn với những mảnh ghép nhiều màu hình tam giác. Ngay cả chiếc khăn đội đầu của họ cũng ẩn chứa những quan niệm về vũ trụ và cuộc sống. Loại thứ nhất thể hiện cho bầu trời cùng các vị thần tinh tú là biểu tượng của thần Kết Dơ, thần cai quản vũ trụ, tạo ra con người. Một kiểu khác thể hiện cho sự chuyển biến tuần hoàn của không gian, thời gian là hình tượng thần Mít Dơ, thần cai quản mặt đất, che chở con người.
Bà Lò Thị Mỷ, người phụ nữ Lô Lô đầu tiên đã vượt qua hủ tục để học tập và góp sức xây dựng quê hương cho biết, dân tộc mình khuyến khích con cháu thuộc mỗi vùng, mỗi ngành sáng tạo ra các loại trang phục đẹp dựa trên nguyên gốc để dễ nhận dạng và dễ phân biệt nhau khi giao lưu trong các cuộc lễ. Nhưng yêu cầu nhất thiết là phải giữ hoa văn hình tam giác cho dù là bằng phương pháp thêu tay hay chắp hình vải. Bởi lẽ hoa văn hình tam giác là biểu tượng của vương quốc cổ xưa. Điều lý thú là bất cứ loại hoa văn nào cũng gắn với những câu chuyện trong quá khứ… Phải chăng đó là một cách lưu truyền lịch sử rất hữu hiệu qua tiềm thức của các thế hệ người Lô Lô.
Hầu hết phụ nữ Lô Lô đều biết thêu thùa, may vá
Việc người con gái của dân tộc này phải khéo tay trồng bông, dệt vải là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để các ông bố, bà mẹ chọn dâu và những chàng trai Lô Lô kén vợ. Hẳn là vì thế mà dẫu ngày nay, phiên chợ Đồng Văn họp vào sáng chủ nhật vẫn có bán nhiều phẩm màu cao cấp, nhưng những phụ nữ Lô Lô vẫn chuộng loại vải do chính tay mình dệt nên và nhuộm từ những loại củ, loại lá kiếm được trong rừng để tạo thành những bộ váy áo đẹp hơn sắc hoa rừng buổi sớm. Chính vì phải dụng công, dụng tâm như thế nên những cô gái Lô Lô cũng hết sức tự hào về nét duyên độc đáo trên khăn áo của dân tộc mình.
Hoạt động bảo tồn và phát huy tốt truyền thống văn hóa cũng như phong tục tập quán thực sự là yếu tố đáng trân trọng của cộng đồng dân tộc Lô Lô. Song cũng có những hủ tục mà vì nó khiến bà con đối mặt với nhiều hệ lụy giống nòi như tục hôn nhân cận huyết. Nhiều bản hiện vẫn còn trường hợp anh em họ gần lấy nhau vì cho rằng, lấy nhau trong họ thì vợ không bỏ trốn, không phải mất của gả bán ra bên ngoài nên nhiều thanh niên Lô Lô có tầm vóc rất thấp bé và thường xuyên đau ốm, đó là dấu hiệu suy thoái nòi giống do hôn nhân cận huyết gây ra.
Mấy năm gần đây, bằng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhiều thanh niên Lô Lô đi tìm bạn đời ở nơi xa hoặc các dân tộc khác. Các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao giúp bà con thu nhận được nhiều tri thức mới và tự sàng lọc những phong tục tập quán tiến bộ và các giá trị văn hóa tốt đẹp để bảo tồn và phát huy. Những sự thay đổi ấy đã giúp cho cộng đồng này dần vượt qua được những thử thách để tiếp tục vươn lên, khẳng định vai trò của những công dân gương mẫu nơi biên cương xa xôi, cách trở.
Gần đây, Dự án bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch triển khai đã chọn bản Lô Lô Chải để bảo tồn, tôn tạo một số ngôi nhà cổ, xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái, thành lập đội văn nghệ và phục dựng các lễ hội truyền thống. Lời ca bay qua thung sâu, núi cao, nhờ gió nhắn rằng trên biên cương hôm nay, người Lô Lô vẫn vững vàng với vai trò là chủ nhân của vùng đất thiêng nơi cực Bắc. Điệu múa trống đồng vẫn thường được bà con biểu diễn trong những ngày lễ hội hay phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách phương xa. Nếu tiếng trống năm xưa dùng để báo tin giặc giã, ngọn nến năm xưa lập mưu đánh đuổi kẻ thù thì ngọn đuốc hôm nay là niềm vui chiến thắng, tiếng trống đang vang lên lúc này là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Lô Lô. Tiếng trống thay cho lời hứa quyết tâm giữ gìn mảnh đất cha ông để lại. Quyết tâm của một dân tộc chiến thắng!