Chuyện về người cán bộ Tòa án mang họ Bác Hồ

Nguyễn Trung Thành| 10/09/2014 09:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong chuyến công tác dọc biên giới miền Trung, tôi được nghe anh em ở TAND tỉnh Quảng Trị nhắc rất nhiều đến anh Hồ Văn Linh, người dân tộc Pa Kô đã dũng cảm vượt qua lời nguyền, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để hạ sơn từ đó hay đổi cuộc đời mình.

Tính đến giờ, anh Linh là cán bộ Tòa án người Pa Kô duy nhất trong hệ thống Tòa án hai cấp của tỉnh Quảng Trị. Và, anh Linh còn có một niềm tự hào khác nữa, đó là được mang họ Bác Hồ.

Người đến từ phía núi

Trong tiếng Tà Ôi, “Pa” là “phía”, “Kô” là “núi”. Pa Kô là Người phía bên kia núi. Đến bây giờ, người già Pa Kô ở huyện Đakrông, Quảng Trị vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc của mình. Câu chuyện của họ có gì đó ngậm ngùi, hờn tủi như chính tên gọi của tộc người, như hành trình của tổ tiên họ đến với vùng đất miền Trung Việt Nam.

Câu chuyện đó kể rằng: Người Pa Kô là hậu duệ của người Pa Đoal, một tộc người hiện sống phổ biến ở Myanma. Sau, vì những biến cố lịch sử mà di cư sang Lào. Nhưng do không hợp thổ nhưỡng, khí hậu và tôn giáo, họ lại làm một cuộc thiên di về phía mặt trời mọc, tức là về phía Việt Nam. Khi chạm dãy Trường Sơn, do ở đó đã có người Tà Ôi sinh sống từ trước, không thể tranh giành những phần đất đai màu mỡ đã có chủ nên họ đành dịch chuyển qua những ngọn núi cao, chọn cho mình những nơi hoang vu để định cư. Tên gọi Pa Kô - tức là Người phía núi cũng bắt đầu từ đó.

Trước kia, người Pa Kô sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt và hái lượm. Cách đây khoảng hơn 50 năm, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Pa Kô đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, người Pa Kô đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Chuyện về người cán bộ Tòa án mang họ Bác Hồ

Anh Hồ Văn Linh, Thư ký TAND huyện Đakrông 

Từ đó, để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng đồng người Pa Kô đã xin được lấy họ Hồ làm họ của mình. Lịch sử ghi nhận rằng, sự có mặt người Pa Kô trên đất Việt Nam muộn hơn so với nhiều dân tộc khác, song với nền nếp chuẩn mực nên cộng đồng này tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong việc hòa nhập với các dân tộc bản địa đến trước đó và góp thêm nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.

Nói như thế để thấy được cái hành trình tìm đến con chữ của một “Người đến từ phía núi” như anh Hồ Văn Linh gian nan và khổ ải đến mức nào. Chả thế, khi ngồi ở hội trường TAND huyện Đakrông, Chánh án Văn Vĩnh Mỵ cũng nhắc đến anh Linh như là niềm tự hào của cơ quan, của cộng đồng người Pa Kô nơi biên ải. Và quả thật, có sống ở nơi thậm hoang vu, “nằm nghiêng thấy suối, nằm ngửa thấy rừng” này mới thấy được hết được cái chuyện Hồ Văn Linh kiên trì leo đèo, lội suối đằng đẵng suốt nhiều năm trời để học chữ, rồi lại vinh dự được “bay sang tận trời Tây du học” chẳng khác gì cổ tích.

“Cưỡi chim sắt du học trời Tây”

Khác với những người đàn ông sinh ra và lớn lên ở vùng cao mà tôi đã từng gặp, họ thường có nét gì đó lặng lẽ, thâm trầm như núi, còn Hồ Văn Linh thì ngược lại, anh sôi nổi, phóng khoáng, ầm ào tựa gió thổi đỉnh rừng. Anh bảo, đấy là một phần tính cách của những người đàn ông dân tộc Pa Kô, những người mang thiên mệnh chiến binh. Hỏi chuyện đời, chuyện nghề và nhất là những trăn trở về đồng bào Pa Kô của mình, anh Linh nói say sưa. Một niềm say mê kỳ lạ.

Anh Linh SN 1964, có bố là bộ đội, mẹ là cán bộ phụ nữ huyện Đakrông. Lớn lên trong thời chiến tranh, li loạn, tuổi thơ của anh là chuỗi ngày rong ruổi, nay đây mai đó. Do đòi hỏi của công việc nên lúc bấy giờ, mẹ anh phải đi lại như con thoi giữa hai miền Trung - Bắc. Năm anh Linh lên 3 tuổi cũng là lúc mẹ anh được cử đi học ngoài Hà Nội. Không đành lòng để con ở nhà, mẹ mang anh theo ra Thủ đô. Ở Hà Nội được ít lâu, anh Linh được mẹ xin cho vào học tại Trường miền Nam số 3 Bảo Thái. Học đến hết lớp 3, năm 1975, hòa bình lập lại, mẹ con lại dắt díu nhau về quê ở bản Tân Đi, xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị. Từ đó, anh theo học tiếp ở Trường Dân tộc nội trú Hướng Hóa. Đấy cũng là khoảng thời gian khó quên nhất đối với Hồ Văn Linh...

Tưởng như đã quen với đủ các vùng thiểu số xa ngái, hoang biệt nhất Việt Nam rồi, ngờ đâu, tâm sự của Hồ Văn Linh trong buổi chiều ấy vẫn làm tôi rưng rưng với nỗi thiệt thòi của bà con đồng rừng. Anh Linh bảo: “Lúc bấy giờ tôi mới hơn 8 tuổi một chút, nhưng do sống xa nhà, lại có một mình nên phải tự lập về mọi thứ. Từ việc học tập đến việc lo nấu nướng cơm nước, tự chăm sóc cho mình. Trường ở xa, phải đi đến hai, ba ngày mới tới nơi nên có khi đến vài tháng tôi mới dám về nhà. Toàn phải đi bộ thôi, cứ ngày đi, đêm ngủ nhờ, ăn nhờ ở bản làng nào đó, mai lại đi mải miết. Đối với người dân tộc chúng tôi thì học tiếng phổ thông khó vô cùng, khó hơn cả đi bộ xuyên qua hàng trăm ngọn núi. Nhưng cũng may, do trước đó tôi đã được học ở Trường Miền Nam số 3 Bảo Thái nên cũng đỡ phần nào...”.

Hết lớp 7 trường nội trú, anh Linh được xét cử đi học ở Liên Xô cũ. Thế là, từ một cậu bé “đến từ phía núi”, anh Linh được “ngồi chim sắt du ngoạn trời Tây”, được tạo điều kiện để thu nạp thêm những tinh hoa tri thức của nhân loại. Cái “kỷ lục” đó giờ nó không phải của riêng anh hay gia đình anh nữa, mà nó còn là niềm tự hào của cộng đồng người Pa Kô ở Đakrông. Trong mỗi câu chuyện răn dạy con cháu bên bếp lửa, người già ở vùng đất biên viễn này vẫn hay nhắc đến tên Hồ Văn Linh như một tấm gương sáng để cho con cháu noi theo.   

Tận tụy với nghề

 Sau gần 7 năm theo học ở Liên Xô cũ (từ 1983 đến 1989), cuối năm 1989, anh Linh về nước. Cũng chỉ thăm thú họ hàng, nghỉ ngơi được ít ngày, mẹ anh lại đăng ký cho anh theo học lớp bổ túc về luật. Kết thúc khóa học đó, năm 1991, anh Linh về công tác tại TAND huyện Hướng Hóa. Đến khi Chính phủ có quyết định tách Hướng Hóa thành hai huyện Hướng Hóa và Đakrông vào năm 1996 thì anh Linh được điều chuyển về TAND huyện Đakrông từ bấy đến giờ.

Cũng từ thời điểm ấy, cuộc đời của anh Linh sang một trang mới, không còn phải sống cảnh nay đây mai đó, và niềm ước mơ được công tác, phụng sự quê hương từ thuở nhỏ của anh như được chắp cánh. Nhưng ngặt nỗi, kể từ khi về công tác ở Tòa án huyện Đakrông, anh nhiều lần phải chứng kiến những người đồng bào Pa Kô của mình sa vào lao lý chỉ vì sự thiếu hiểu biết pháp luật. “Làm sao để “xóa mù pháp luật”, nâng cao nhận thức cho đồng bào, để bớt đi những sai lầm không đáng có?”, câu hỏi đó luôn dội vào tâm trí anh.

Chuyện về người cán bộ Tòa án mang họ Bác Hồ

Thẩm phán Văn Vĩnh Mỵ, Chánh án TAND huyện Đakrông: “Anh Linh là một người tận tụy với nghề hiếm có...” 

Với tâm nguyện luôn muốn làm một điều gì đó cho quê hương, thế nên trong nhiều năm qua, bất cứ cơ quan, đoàn thể nào trên địa bàn tổ chức các chuyến đi tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào, anh Linh đều cố gắng tham gia. “Mình đã may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được ăn học đàng hoàng thì việc đem cái vốn kiến thức đã học được ấy ra chia sẻ, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng cũng là điều nên làm...”, anh Linh tâm sự.

Cũng theo anh Linh thì cái khó nhất của người cán bộ Tòa án vùng cao là phải cố gắng để làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa giữ được sự tin yêu, nể phục của đồng bào. Muốn làm được như thế thì những người cán bộ như anh phải thường xuyên lăn lộn xuống địa bàn, biết lắng nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Anh Linh bảo: “Đakrông là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức về pháp luật của đồng bào còn rất nhiều hạn chế. Nhiều khi mâu thuẫn phát sinh từ những lý do hết sức đơn thuần. Nếu mình tìm được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn ấy để kịp thời vận động, thuyết phục thì khả năng hòa giải thành sẽ rất cao”.

Cũng vì phương châm làm việc “gần dân, hiểu dân” ấy, nên giờ anh em trong cơ quan cùng những người thân trong gia đình anh Linh đã quá quen với việc anh “cơm đùm, cơm nắm”, băng rừng lội suối xuống địa bàn. “Các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình thường phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Nhất là vùng cao, do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người ta rất xem trọng chữ tình. Vậy nên, trong các vụ án này, nhiều khi cái “tình” cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, tôi thấy mình giống như một hòa giải viên”, anh Linh chia sẻ.

Nhờ sự tận tụy với nghề, gần gũi với đồng bào như thế nên suốt hơn 20 năm công tác, anh Linh luôn nhận được sự tin tưởng của anh em, đồng nghiệp. Còn đối với cộng đồng người Pa Kô, người Bru - Vân Kiều ở Đakrông thì Hồ Văn Linh mãi là “đứa con ưu tú của núi rừng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người cán bộ Tòa án mang họ Bác Hồ