Chuyện về một bị cáo được trả tự do ngay tại phiên tòa: Gửi trọn niềm tin vào công lý

Đỗ Việt| 10/09/2016 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi nghị án, Thẩm phán Lê Thị Hợp, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bản án mang tính nhân đạo rất cao để hóa giải mâu thuẫn giữa gia đình bị cáo.

Bản án công tâm nhận được sự đồng thuận, nhất trí của tất cả những người tham dự phiên tòa. Niềm tin vào công lý đã làm tình người thắt chặt gần nhau hơn. Sau tiếng vỗ tay là những giọt nước mắt vui sướng, cảm động không nói lên lời.

Làm hết mình vì người dưng

Cách đây hơn 3 năm, Nguyễn Quang Hưng (SN 1994, ở cụm 5, thôn Ân Phú, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) được trả tự do ngay tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sau 9 tháng 18 ngày bị tạm giam thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Phiên tòa buổi sáng hôm đó có rất đông người nhà bị hại, người nhà bị cáo cùng bạn bè, bà con dân làng đến theo dõi. Trong phiên xét xử, HĐXX đã làm rõ tất cả những tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, từ nguyên nhân dẫn đến vụ án, nhân thân người phạm tội, ý kiến của chính quyền địa phương, lời thỉnh cầu của gia đình bị cáo, gia đình bị hại.

Cuối cùng, một bản án công tâm được tuyên đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Nước mắt, niềm vui của gia đình, bạn bè, bà con dân làng làm xúc động biết bao con người đã dõi theo và tiếp sức cho cậu sinh viên con nhà nghèo trong suốt chặng đường gian nan đi tìm công lý.

Vào tối ngày 31/8/2012, Nguyễn Quang Hưng cùng Nguyễn Kiều Trang (19 tuổi cùng ở xã Xuân Phú) và hai người bạn khác mang theo bưởi và dao gọt hoa quả ra khu vực cầu sông Mới (xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ) liên hoan mừng Hưng thi đỗ hai trường đại học. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, Hoàng Văn Thân cùng 10 thanh niên khác ngụ cùng xã đi trên 5 xe máy dừng lại chỗ của nhóm của Hưng đang ngồi.

Chuyện về một bị cáo được trả tự do ngay tại phiên tòa: Gửi trọn niềm tin vào công lý

Nguyễn Quang Hưng và gia đình sau khi được trả tự do 

Tại đây, Thân dùng đèn pin ở điện thoại soi vào mặt Trang và buông lời đùa cợt. Để tránh việc không hay, Trang đạp xe ra về nhưng vẫn bị Thân phóng xe đuổi theo trêu ghẹo. Thấy vậy, Hưng chạy bộ đến chỗ Trang rồi chở bạn về. Tuy nhiên, Thân đã chặn xe và dùng tay đấm vào mặt Hưng. Do bị tấn công, Hưng liền lấy con dao gọt hoa quả để trong giỏ xe đạp của Trang khua lên phòng thân và bỏ chạy vào trong ngõ. Chưa dừng lại, nhóm của Thân đuổi theo và tiếp tục đấm đá Hưng. Trong lúc chống trả, Hưng đã khua dao đâm trúng ngực Thân, làm Thân tử vong trên đường đi cấp cứu. Sáng hôm sau Hưng được bố đưa đến Công an huyện Phúc Thọ đầu thú.

Hưng bị bắt tạm giam và bị truy tố về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự. Biết tin Hưng bị truy tố về tội giết người, cả gia đình Hưng suy sụp. Bố Hưng là ông Nguyễn Quang Đạo vừa mới ốm dậy sau tai nạn giao thông lại gục ngã khi biết con mình vướng vào vòng lao lý. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ấy chỉ biết than vãn rằng việc cơ quan Công an khởi tố con ông về tội giết người là không đúng bởi Hưng bị đánh dồn vào bước đường cùng nên tự vệ theo bản năng. Thương hoàn cảnh gia đình Hưng nghèo khó lại xảy ra chuyện đau lòng, bà con dân làng đã tự nguyện viết đơn gửi đến các cơ quan pháp luật xem xét, xin giảm nhẹ tội cho Hưng.

Vào thời điểm này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) tình cờ biết được sự việc của Nguyễn Quang Hưng qua báo chí. “Là người làm công tác về pháp luật, nhận thấy vụ việc xuất phát từ hành vi trái pháp luật của nhóm bị hại, dù không phải là người thân thích nhưng trong lòng tôi có một nỗi niềm xót xa trước hoàn cảnh cậu thanh niên mới lớn”, luật sư Thơm chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm đã nhận tham gia bào chữa miễn phí, bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Quang Hưng. Ngay sau đó, luật sư Thơm đã có văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét lại hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Quang Hưng có dấu hiệu của tội giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. “Trong thâm tâm, tôi có một niềm tin rất lớn vào công lý, bởi vụ việc có nhiều điều uẩn khúc cần phải làm rõ. Tại sao một cậu thanh niên mới lớn, chưa bao giờ ra khỏi vùng quê, thi đỗ hai trường đại học lại phạm tội giết người. Nó khác với các vụ án mà luật sư bào chữa cho các đối tượng khác có tính côn đồ hung hãn”, ông Thơm nhớ lại.

Bản án công tâm

Quá trình tham gia bào chữa cho Nguyễn Quang Hưng, luật sư Thơm tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố nhóm thanh niên tham gia đuổi đánh Hưng về tội Gây rối trật tự công cộng. Sau đó, VKSND TP Hà Nội cũng đã phê chuẩn quyết định của cơ quan CSĐT khởi tố nhóm thanh niên tham gia đuổi đánh Nguyễn Quang Hưng về tội danh trên. Đồng thời cũng phê chuẩn thay đổi quyết định khởi tố đối với Nguyễn Quang Hưng từ tội Giết người sang tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Quyết định này đã làm bừng sáng hy vọng đối với gia đình Nguyễn Quang Hưng.

Ngày 19/6/2013, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Quang Hưng về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Phiên tòa do Thẩm phán Lê Thị Hợp làm Chủ tọa.

Nhớ lại phiên xét xử, Luật sư Thơm cho biết, đây là một phiên tòa xét xử có rất đông người tham dự. Dù là vụ án hình sự nhưng tuyệt nhiên không có sự căng thẳng giữa người nhà bị cáo và gia đình bị hại. Có lẽ, phía bị hại hiểu được hành vi hay lỗi lầm của con mình là nguyên nhân gây ra vụ án. Tại Tòa, gia đình bị hại thừa nhận con mình là người có lỗi trước, gia đình bị hại cũng có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho Hưng.

Tại phiên tòa, Thẩm phán Lê Thị Hợp rất chia sẻ với bị cáo và người nhà bị cáo, bởi ngày bị cáo nhận được tin đỗ hai trường đại học lại là ngày xảy ra vụ việc đau lòng. Sau khi nghị án, Thẩm phán Lê Thị Hợp thay mặt HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Quang Hưng 9 tháng 18 ngày tù đúng bằng thời gian giam giữ và được trả tự do ngay tại phiên tòa. Nhóm thanh niên bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng được tuyên hưởng án treo.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công lý về phiên tòa xét xử  vụ án Nguyễn Quang Hưng, Thẩm phán Lê Thị Hợp (TAND TP Hà Nội) tâm sự: “Là một người Thẩm phán, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, cần phải có trách nhiệm với công việc. Bản thân trước hết phải công tâm và có đạo đức nghề nghiệp, đánh giá lỗi của ai, lỗi như thế nào để đưa ra phán quyết đảm bảo sự công bằng và được mọi người đồng tình. Ngoài ra, cần phải chịu khó học hỏi, nghiên cứu kỹ hồ sơ, các điều luật do Nhà nước ban hành, các văn bản hướng dẫn luật để áp dụng cho thật chính xác, khách quan, đầy đủ, toàn diện nhằm đưa ra một bản án có giá trị, đúng người, đúng tội”.

Bản án mang tính nhân đạo rất cao đã hóa giải mâu thuẫn giữa gia đình bị cáo và gia đình bị hại. Bản án công tâm nhận được sự đồng thuận, nhất trí của tất cả những người tham dự phiên tòa. Niềm tin vào công lý đã làm tình người thắt chặt gần nhau hơn. Mọi người dự khán vỗ tay rầm rầm, xen lẫn những giọt nước mắt cảm động.

Nhận xét về Thẩm phán Lê Thị Hợp, Luật sư Thơm cho biết: “Chị Hợp là một trong những Thẩm phán rất có tâm, giàu lòng nhân hậu và chuyên môn nghiệp vụ sắc bén. Chị được rất nhiều người trong giới luật sư dành sự trân trọng về tài đức. Vừa qua, chị tham gia xét xử nhiều vụ án, điển hình như vụ xét xử bác sỹ Thẩm mỹ viện Cát Tường hay vụ cướp giật tài sản để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ đều để lại dấu ấn rất tốt”.

Sau 4 năm kể từ ngày được trả tự do, Nguyễn Quang Hưng nay đã là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Tài nguyên Môi trường. Chia sẻ với phóng viên, Hưng cho biết những chuyện đã qua cậu không muốn nhắc tới và sẽ cố gắng học thật tốt để đền đáp công ơn của những người đã giúp đỡ và gia đình trong những lúc khó khăn nhất. Hiện tại Hưng đang đi thực tập tại một doanh nghiệp chuyên về phần mềm công nghệ thông tin. Hưng cũng dự định ra trường sẽ theo đuổi công việc này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một bị cáo được trả tự do ngay tại phiên tòa: Gửi trọn niềm tin vào công lý