Chuyện người nữ dân công Mường Phăng 3 lần gặp Đại tướng

Nam Hoàng| 11/04/2014 14:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quãng thời gian ấy đủ dài để khiến những nhân chứng lịch sử ngày càng thưa vắng...

Trong số những người cao tuổi đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, phải kể đến cụ Lò Thị Đôi, người nữ dân quân tải đạn ở Mường Phăng, người đã ba lần vinh dự được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cô gái Thái một lòng theo cách mạng

Chiều muộn, các tràn lũng, các mảnh nương hiếm hoi giữa bạt ngàn núi non của Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) hiện lên thấp thoáng trong sương chiều bảng lảng. Xa xa, vài nếp nhà người Thái, người Mông nằm mơ màng giữa xanh rì cây lá. Cảnh tượng êm đềm và bình yên quá đỗi ấy khiến khách thượng sơn có cảm giác như mình đang lạc vào chốn bồng lai. Nhà cụ Đôi nằm đối diện với đại bản doanh của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi sống và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước kia, nay đã trở thành bảo tàng.

Trong căn nhà sàn thông thốc gió, cụ Đôi đang xếp lại mớ quần áo cũ. Hơn chục năm nay, cụ chỉ quanh quẩn trong nhà giúp con cháu mấy việc lặt vặt, hiếm lắm mới thấy cụ ra khỏi nhà. Mấy hôm nay, thời tiết Mường Phăng thay đổi thất thường, ngày nắng, đêm giá buốt, nhiệt độ giữa ngày và đêm có khi chênh nhau đến hàng chục độ. Thời tiết như vậy thì đến thanh niên trai tráng còn ốm, huống chi những bậc lão niên. Cụ Đôi ho nhiều, tiếng ho khan, ho mà như rút ruột rút gan.

Chuyện người nữ dân công Mường Phăng 3 lần gặp Đại tướng

Cụ Lò Thị Đôi trong căn nhà của mình ở Mường Phăng

Tuổi già, chuyện nhớ chuyện quên, nhưng khi nhắc nhớ về cái thời “tuổi đôi mươi băng rừng đi tải đạn”, cụ Đôi tươi tỉnh, hoạt bát hẳn lên. Câu chuyện về cuộc đời cụ, cuộc đời của một người phụ nữ Thái từ trong lầm than đói khổ được cách mạng giác ngộ để rồi cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc. Ấy là một câu chuyện dài, nhiều khúc quanh, lắm đau thương và cũng nhiều hạnh phúc.

Cũng như bao thiếu nữ người dân tộc Thái khác ở Mường Phăng, từ nhỏ, cụ Đôi đã phải làm quen với việc đi nương, thêu thùa, dệt vải. Nếu quê hương không bị thực dân Pháp chiếm đóng thì có lẽ, cụ Đôi cũng đã yên phận làm một người vợ, người mẹ lặng lẽ nơi xó núi. Nhưng, bước ngoặt cuộc đời của cụ bắt đầu khi được các cán bộ cách mạng ở địa phương vận động tham gia vào đội dân quân tự vệ của Mường Phăng. Và từ đây, khi được các chú, các anh thuộc thế hệ đi trước giải thích về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của lực lượng mà mình đang phục vụ; được sống và cống hiến hết mình; được cảm nhận tình đồng chí, đồng đội chia ngọt sẻ bùi đã giúp cụ Đôi dần trưởng thành và nhanh chóng trở thành một nữ dân quân kiên cường, quả cảm.

Chuyện người nữ dân công Mường Phăng 3 lần gặp Đại tướng

 Ngày Đại tướng mất, cụ Đôi phải nhờ con cháu dìu đến thắp hương

Ngày cụ Đôi quyết tâm rời nhà để đi theo cách mạng, bố mẹ cụ không khỏi lo lắng vì sợ con gái không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm và nghị lực của mình, cụ Đôi đã dần tạo được lòng tin của mọi người. Ngày đó, cũng như các “nữ tân binh” khác, cụ Đôi hết sức lạ lẫm với môi trường sinh hoạt và làm việc trong quân đội. Bàn tay thiếu nữ từ trước tới nay vốn chỉ quen với việc thêu thùa, nội trợ, nên khi tiếp xúc với vũ khí rồi rất nhiều kỹ thuật trong huấn luyện chiến đấu, cụ Đôi không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Trong quãng thời gian đầu huấn luyện, cứ mỗi lần thực hiện các thao tác khuân vác, lắp ráp đạn rồi tập bắn, toàn thân cụ đều run lên vì sợ. Để khắc phục tình trạng đó, nhiều đêm liền cụ thức trắng để luyện tập lại những động tác, kiến thức về vũ khí mà mình đã học. Chỉ một khoảng thời gian rất ngắn sau đó, cụ Đôi dần quen và thuần thục mọi kỹ năng chiến đấu, trở thành Tổ trưởng nữ dân quân của Mường Phăng.

Mỗi khi chuẩn bị có chiến dịch và các trận đánh của bộ đội địa phương, Tổ nữ dân quân của cụ Đôi lại được lệnh đi tải đạn, chuyển thương binh, nấu cơm, đắp đường, vận động quân lương... luân phiên phục vụ công tác chiến đấu. Mỗi đoàn dân công có khoảng vài chục người, với đa số là nữ. Nhờ thông thuộc địa hình, cộng thêm khả năng phản ứng nhanh với mọi tình huống nên nhiều lần cụ Đôi đã giúp mình và đồng đội thoát hiểm trước họng súng của quân thù.

Nhớ mãi kỷ niệm về Đại tướng

Trong suốt quãng thời gian hoạt động cách mạng của mình, điều cụ Đôi nhớ nhất là kỷ niệm về những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những tưởng, người đàn bà đã đi đến bên kia sườn dốc của cuộc đời, đã nếm trải hết thảy mọi sướng khổ, buồn vui của kiếp người ấy thì có còn gì để mà đau buồn nữa, thế nhưng, khi nhắc nhớ đến vị tướng tài ba, người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cụ Đôi đã không thể cầm lòng. Từ hai khóe mắt nhăn nheo của người mẹ Thái già nua, khắc khổ ấy lại lăn ra những giọt nước đục như con suối Mường Phăng mùa lũ.

Chuyện người nữ dân công Mường Phăng 3 lần gặp Đại tướng

Cụ Đôi xúc động khi nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cụ Đôi nhớ lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khi Đại tướng về làm việc tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt tại Mường Phăng. Khi đó, do thông thuộc địa hình, lại là Tổ trưởng nữ dân quân của Mường Phăng nên cụ Đôi và một chiến sỹ nữa vinh dự được là người dẫn đường cho Đại tướng. Trong buổi gặp ấy, khi được Đại tướng ân cần thăm hỏi và động viên, cụ Đôi đã hết sức xúc động.

Cụ Đôi kể: “Hôm đó, trời Mường Phăng sương mù nhiều lắm, chìa bàn tay ra trước mắt còn không thấy được ngón ngắn ngón dài. Khi được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi hồi hộp và run lắm. Nhưng khi gặp đại tướng, thấy ông ấy gần gũi, thân thiện thì tôi mới bớt sợ. Hồi đó ông ấy còn trẻ và hết sức ân cần, chu đáo. Cuối buổi gặp, sau khi động viên tôi cố gắng tham gia hoạt động cách mạng, Đại tướng còn giao cho tôi nhiệm vụ vận động quần chúng nhân dân ủng hộ quân lương...”.

Đó là thời điểm Pháp cho quân nhảy dù tăng cường cho chiến dịch Điện Biên. Nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế nhu yếu phẩm và hậu cần của quân ta, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa. Bên cạnh đó, chúng còn cho máy bay chiến đấu quần thảo khắp lòng chảo Mường Thanh và các khu vực lân cận để ngăn chặn mọi hoạt động tiếp viện từ hậu phương của quân ta. Cũng thời điểm ấy, chiến trường ở bản Xôm nằm cạnh Mường Phăng đang vào hồi cam go, ác liệt. Quân và dân ta kiên cường giành nhau với địch từng quả đồi, ngọn núi. Nhưng do đường tiếp viện bị chặt đứt, quân ta lâm vào tình trạng thiếu quân lương.

Sau khi nhận chỉ thị từ Đại tướng, Đôi và các thành viên trong Tổ nữ dân quân đã đi quyên góp, ủng hộ cho bộ đội được gần 9 tấn gạo. “Lúc đó, tôi và các chị em bất kể ngày đêm lặn lội vào từng nhà ở khắp các xó rừng, góc bản để vận động đồng bào ủng hộ cho bộ đội. Lúc đầu thì cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đồng bào ở Mường Phăng và một số xã lân cận đều nghèo, thế nhưng sau khi nghe giải thích, họ đều vui vẻ ủng hộ. Không những thế, có nhiều người còn tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương...”, cụ Đôi kể.

Chuyện người nữ dân công Mường Phăng 3 lần gặp Đại tướng

Cụ đôi cùng Hội phụ nữ Mường Phăng thắp hương viếng Đại tướng

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Đôi lại vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời xuống gặp. “Trước hôm đi, do hồi hộp và xúc động quá nên tôi gần như thức trắng cả đêm. Xuống đến thành phố, do tôi không biết đường nên phải ở nhờ nhà một người quen, rồi nhờ người đi hỏi thăm, mãi hai ngày sau tôi mới gặp được Đại tướng. Suốt buổi gặp đó, ông ấy hỏi thăm tôi rất nhiều, hỏi về đời sống của đồng bào, hỏi về phong trào cách mạng ở Mường Phăng. Trước khi tôi ra về, ông ấy còn nắm chặt tay căn dặn, động viên tôi cố gắng tiếp tục hoạt động cách mạng, xây dựng phong trào ở địa phương cho tốt”, cụ Đôi nghẹn lời. Nghe lời Đại tướng, cụ Đôi vẫn tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở Mường Phăng. Không những thế, cụ còn vận động thêm rất nhiều chị em phụ nữ trong thôn bản tham gia. Về sau, cụ Đôi giữ chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Phăng cho đến khi nghỉ hưu, đó là vào năm 1979.

Sau lần ấy, cụ Đôi không nghĩ tận 50 năm sau mới lại được gặp vị tướng tài ba, gần gũi với nhân dân, thân thiết như người anh ruột thịt của mình một lần nữa. Đó là vào năm 2004, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên, thăm lại Mường Phăng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. “Lần này gặp lại, Đại tướng đã già, sức khỏe yếu, ông cầm tay tôi mà run run. Ông hỏi thăm gia đình tôi và những người quen ở Mường Phăng. Ông bảo, thỉnh thoảng viết thư cho ông ấy, nhưng tôi không biết chữ nên đành chịu. Lời cuối cùng, Đại tướng nói với tôi: “Chắc là không về thăm chiến trường xưa được nữa”, rồi kéo tôi đi chụp ảnh”, cụ Đôi kể.

Từ bấy đến giờ, tận trong thâm tâm cụ Đôi cũng như của đồng bào Mường Phăng vẫn luôn mong muốn được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa, vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế nhưng, ước nguyện đó đã không thành sự thật. Ngày Đại tướng mất, cả Mường Phăng nhỏ lệ. Hình ảnh cụ Lò Thị Đôi tóc bạc, da mồi phải tựa vào con cháu để vào thắp hương viếng Đại tướng ở Bảo tàng Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khiến nhiều người xúc động. Người nhà cụ Đôi bảo, lâu lắm mới thấy cụ buồn và khóc nhiều đến thế. Bởi đối với cụ Đôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài danh, mà còn là một người Anh Cả, một người thân ruột thịt của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người nữ dân công Mường Phăng 3 lần gặp Đại tướng