Chuyên gia nói gì về bộ sách Công nghệ giáo dục không được hội đồng thẩm định thông qua?

Đức Duy| 19/09/2019 16:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo PGS. TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, sách giáo dục phổ thông là loại sách rất quan trọng, luôn luôn phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp.

Trước nhiều luồng ý kiến của dư luận về việc bộ sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại không đạt tại vòng thẩm định, PGS. TS Phạm Văn Tình -  người từng có kinh nghiệm tham gia hội đồng thẩm định sách giáo khoa chia sẻ tại buổi tọa đàm "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” – do Báo Lao động tổ chức nói: Bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được biên soạn trên một quan điểm giáo dục riêng và đã được thực hiện trong suốt 40 năm. Bộ sách có một khối lượng giáo viên, học sinh rất lớn và đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện tại hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng không thông qua bộ sách này như thế người ta đã chọn được giải pháp thích hợp hơn. 

“Tôi nghĩ kết luận của hội đồng thẩm định là khách quan. Ít nhất như tôi biết hội đồng đó không vi phạm những nguyên tắc như không đủ tư cách, khả năng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có ai đó cho rằng có một sự chỉ đạo nên lưu ý bộ này bộ kia. Trừ khi phát hiện ra văn bản hay chứng cứ có một sự vi phạm nào đó, còn không thì chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng ý kiến của hội đồng thẩm định là khách quan”, PGS. TS Tình nói.

Chuyên gia nói gì về bộ sách Công nghệ giáo dục không được hội đồng thẩm định thông qua?

PGS. TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh Lao động.

Đồng thời, PGS. TS Tình cũng chia sẻ thêm với tư cách từng là một người trong hội đồng thẩm định sách giáo khoa, giáo trình, tôi biết rằng khi thẩm định không cho biết thông tin về tác giả. Hội đồng thẩm định theo phương pháp đánh số, ký hiệu và xoá tên tác giả và những người tham gia biên soạn. Điều này tránh sự thiên vị. Chúng ta cần quay lại cốt lõi của vấn đề, các bộ sách giáo khoa đưa vào chương trình mới có phù hợp với quan điểm giáo dục và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, giới chuyên môn không. Vì thế, chúng ta hãy bình tĩnh để đánh giá vấn đề này.

Sách giáo dục phổ thông là loại sách rất quan trọng, luôn luôn phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp. Chúng ta đã thấy lịch sử điều chỉnh sách giáo khoa có nhiều giai đoạn, năm 1981 điều chỉnh một lần, năm 2002 điều chỉnh tiếp và năm nay chúng ta điều chỉnh tiếp để đuổi kịp dòng chảy chung của giáo dục.

Theo PGS. TS Tình  về vấn đề sách giáo khoa như tôi được chứng kiến, các tiêu chí đưa ra cần được bàn luận, có những lúc hội đồng tranh cãi không khoan nhượng. Họ có trách nhiệm đưa ra bộ sách cho toàn dân học nên không thể xuề xoà. Ngay cả bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng có thể điều chỉnh được, nếu như ông thấy rằng có thể sửa theo ý kiến của hội đồng. Có những bộ sách phải sửa đến gần 1.000 chi tiết bởi các thành viên hội đồng đưa ra. Vì thế chúng ta không nên băn khoăn trong việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng và có tính khả thi khi sửa hay không.

Nếu chúng ta xuất phát từ tinh thần cầu thị và tinh thần vì giáo dục thì chúng ta phải xem xét ý kiến của hội đồng có xác đáng và chủ biên có nên lưu ý hay không.

“Nhưng Giáo sư Hồ Ngọc Đại không có ý định sửa, đó cũng là quyền của chủ biên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi chúng ta tham gia một cuộc thi chúng ta phải tuân theo ý kiến của giám khảo hoặc nếu không đồng tình chúng ta có quyền phúc tra về kết quả đó. Tôi nghĩ đánh giá bộ sách giáo khoa là vấn đề hệ trọng và chúng ta cần đánh giá thật khách quan”, PGS. TS nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói gì về bộ sách Công nghệ giáo dục không được hội đồng thẩm định thông qua?