Thời gian gần đây, việc nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu với lý do bỏ giá thấp để thắng thầu khiến dư luận lo ngại về chất lượng sản phẩm. Vậy đây có phải là lý do chính?
Gói thầu cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 tổ chức lựa chọn nhà thầu ra sao? Đã có 21 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2, nhưng khi nộp hồ sơ chỉ còn lại 4. Sau đó có hai hồ sơ không hợp lệ, một hồ sơ không đạt, chỉ còn Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng thầu.
Ông Nguyễn Hồng Chung - Chuyên gia đấu thầu cao cấp, Tư vấn trưởng Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ đấu thầu Davilaw.
Để làm rõ vấn đề này, Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Chung, Chuyên gia đấu thầu cao cấp - Tư vấn trưởng Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ đấu thầu Davilaw.
Theo ông Nguyễn Hồng Chung, việc lựa chọn nhà thầu trúng thầu không chỉ căn cứ vào việc nhà thầu bỏ giá dự thầu thấp. Muốn làm rõ điều đó chúng ta cần hiểu đúng bản chất của việc đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm, có đề xuất kỹ thuật và tài chính đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Xét ở góc độ khác thì đấu thầu như một cuộc thi, chủ đầu tư (bên mời thầu) là người tổ chức cuộc thi, ra đề bài thi (HSMT), tổ chức chấm và lựa chọn ra thí sinh tốt nhất (xếp thứ nhất) vào thương thảo hợp đồng.
Các nhà thầu là các thí sinh tham dự cuộc thi, làm bài dự thi (hồ sơ dự thầu) theo đúng đề bài và tuân thủ luật của cuộc thi là pháp luật về đấu thầu. Theo đó, việc nhà thầu chào giá dự thầu thấp chưa phải là yếu tố quyết định của việc lựa chọn nhà thầu.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, điều kiện để xét duyệt trúng thầu là (i) có hồ sơ dự thầu (HSDT) hợp lệ (ii); có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu (iii); có đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và yếu tố cuối cùng mới xem xét đến đó là đánh giá về đề xuất tài chính của nhà thầu theo phương pháp quy định trong HSMT. Cuối cùng là nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời vào thương thảo hợp đồng.
Nhiều hồ sơ thầu nhưng chỉ một hồ sơ đủ điều kiện
Như vậy, trở lại với vấn đề mà dư luận đang quan tâm là việc nhà thầu Trung Quốc chào giá dự thầu thấp để trúng thầu trong một cuộc đấu thầu rộng rãi quốc tế công khai là do họ có HSDT đáp ứng được các yêu cầu trong HSMT.
Vậy nguyên do nào khiến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu trong khi chất lượng sản phẩm không đảm bảo như dư luận phản ánh thời gian qua?
Thứ nhất, công tác lập, thẩm định và phê duyệt HSMT (ra đề bài) chưa đáp ứng yêu cầu, hay nói cách khác là yếu.
Khi lập HSMT, chủ đầu tư cần căn cứ dự án được duyệt đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cũng như các tài liệu chỉ dẫn kỹ thuật phù hợp với tính chất quy mô của gói thầu.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường không coi trọng, không có chuyên gia kỹ thuật xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa vào HSMT, hoặc bị chính nhà thầu lừa giới thiệu chào công nghệ không phù hợp hoặc đã quá cũ. Hoặc chủ đầu tư khi lập HSMT đã cố ý đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu...
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do tổng thầu Trung Quốc đảm nhận
Ngoài ra, nguyên nhân có thể do HSMT chưa lựa chọn phương pháp đánh giá về tài chính phù hợp để hạn chế việc nhà thầu cố tình chào giá dự thầu thấp thì thường sử dụng phương pháp đánh giá về tài chính theo phương pháp giá đánh giá. Tức là ngoài giá dự thầu sau khi đã sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch còn cộng với các yếu tố để quy đổi trên cùng một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình. Giá đánh giá dùng để xếp hạng hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp, nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất, khi đó nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất chưa chắc đã xếp thứ nhất.
Hiện trường vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 15 (Ảnh: Nguyễn Hưởng)
Thứ hai, một yếu tố có thể dẫn đến chất lượng gói thầu không đảm bảo chất lượng là việc thương thảo hoàn thiện và quản lý hợp đồng sau khi ký kết.
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu - văn bản quan trọng nhất để các bên tuân thủ và ràng buộc trách nhiệm pháp lý, nhưng hầu như khâu thương thảo và hoàn thiện hợp đồng chưa được các chủ đầu tư chú trọng. Chỉ căn cứ các mẫu hợp đồng sẵn có điền thông tin, không có các chuyên gia pháp lý, luật sư, chuyên gia kỹ thuật tham gia thương thảo hợp đồng, dẫn đến khi hợp đồng được ký kết và thực hiện tận dụng các kẽ hở của hợp đồng mà nhà thầu thực hiện không đảm bảo chất lượng yêu cầu.
Ngoài ra, còn có thể do khâu quản lý hợp đồng trong quản lý chất lượng và tiến độ, không có cơ chế giám sát chặt chẽ của đội ngũ quản lý hợp đồng của chủ đầu tư.
Trở lại với gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 như dư luận phản ánh có 21 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, trong khi chỉ có 4 nhà thầu nộp hồ sơ, trong đó có 3 nhà thầu Trung Quốc, 2 trong số 3 nhà thầu Trung Quốc bị loại tại bước đánh giá tính hợp lệ của HSDT. Nhìn qua các thông tin này chúng ta có thể nhận thấy mặc dù nhiều nhà thầu mua hồ sơ mời thầu nhưng có thể sau khi mua HSMT, các nhà thầu thấy không thể đáp ứng được các yêu cầu của HSMT, phải chăng các yêu cầu của HSMT đã đưa vào yêu cầu kỹ thuật là đặc thù hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu, dẫn đến có nhiều nhà thầu quan tâm nhưng không nộp hồ sơ do không đáp ứng?
Bên cạnh đó, việc 2 trong số 3 nhà thầu Trung Quốc bị loại bởi lý do HSDT không đảm bảo tính hợp lệ, điều này cũng làm dư luận quan tâm phải chăng có sự "bắt tay" giữa các nhà thầu Trung Quốc với nhau cố ý vi phạm về tính hợp lệ của hồ sơ để nhà thầu Trung Quốc là Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing trúng thầu?