Những năm tới, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ sẽ chiếm ưu thế trong thời đại 4.0, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số. Ngược lại, những ngành nghề truyền thống như thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nghề nông, thư ký, đánh máy và nhập dữ liệu... dự báo sẽ có dấu hiệu đi xuống.
Xu hướng nghề nghiệp luôn là vấn đề được học sinh, sinh viên, người lao động quan tâm, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều chuyển biến như hiện nay. Xu hướng nghề nghiệp quyết định rất lớn đến việc chọn ngành nghề và sự thành công của mọi người.
Hiện nay, những biến động về kinh tế, xã hội và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, kéo theo sự cần thiết về nguồn nhân lực... Do đó, việc xem xét xu hướng nghề nghiệp sẽ giúp giảm đi khá nhiều rủi ro trong quá trình tìm việc, tìm nghề trong tương lai.
Chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM cho biết, thị trường lao động trong giai đoạn tới thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số.
Theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ có 6 nhóm ngành phát triển mạnh. Đầu tiên là nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật: Cơ điện tử, tự động hóa, Nhiệt, Công nghệ Kỹ thuật Ô tô - Tàu thủy), Điện - Điện tử, Công nghệ Hàn, Công nghệ Dệt - Sợi - May; Quản trị viên của các ngành kỹ thuật cùng các nhóm ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp, Mỹ thuật ứng dụng, Kiến trúc (Kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị - thiết kế nội thất...), Công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu, năng lượng, công nghệ môi trường;
Tiếp đến là nhóm ngành Công nghệ thông tin, phát triển chuyên sâu Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin - lập trình và phần mềm (bảo mật mạng, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh - hoạt hình) và trí tuệ nhân tạo;
Chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM
Kế tiếp là nhóm ngành Quản trị kinh doanh - Kinh doanh quốc tế – Tài chính – Ngân hàng kết hợp các chuyên ngành Quản trị rủi ro, Quản lý chất lượng – Quản trị kỹ thuật và y tế, Quản lý hệ thống thông tin, Kế hoạch và Dự báo kinh tế – nhân lực – xã hội – kinh doanh, Tư vấn tài chính, Quản lý dự án khoa học môi trường – Hàng không, Logistic và chuổi cung ứng, Quản lý văn phòng cao cấp… Truyền thông Marketing - Digital Marketing, Tài chính Kế toán, Kiểm toán, Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp;
Thứ 4 là nhóm ngành Khoa học xã hội, Du lịch - nhà hàng - khách sạn khách sạn - ẩm thực, Sư phạm kỹ thuật và Sư phạm giáo dục, Luật, Ngôn ngữ (Anh, Nhật, Trung, Hàn), Quan hệ công chúng - Tổ chức sự kiện, Truyền thông đa phương tiện Đông phương học và Tâm lý các chuyên ngành;
Kế đến là nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe: Y, Dược, Điều dưỡng, Nha (Răng - hàm - mặt), các chuyên ngành Quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, Kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, Công nghệ y sinh, nghiên cứu gen và Dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và sức khỏe;
Cuối cùng là nhóm ngành Công nghệ Nông - Lâm (Khoa học cây trồng, Chăn nuôi - Thú y, Lâm sinh, Công nghệ sau thu hoạch), Công nghệ Thủy - Hải sản (Nuôi trồng, Chế biến) và Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Sinh học - Hóa (Dược, Sinh, Mỹ phẩm, Thực phẩm...);
Cũng theo chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn, cùng với sự phát triển và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, sẽ có những ngành nghề dần biến mất và xuất hiện nhiều công việc mới. Trong đó, những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất.
Những năm tới, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác
Điển hình một số ngành nghề truyền thống như thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nghề nông, thư ký, đánh máy và nhập dữ liệu.... đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, việc mất hẳn một số nghề này còn phải mất một thời gian khá dài nữa.
Bên cạnh đó, những năm tới trong giai đoạn 2025 - 2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Vì vậy nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.
Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đồng bộ nhu cầu nhân lực, mất cân đối giữa các ngành nghề. Vì vậy, thị trường lao động cần tăng nhanh nhân lực chất lượng cao.
“Vấn đề quan trọng nhất của nghề nghiệp tương lai là phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân, với thị trường lao động để phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến 4.0, muốn làm việc có thu nhập cao phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động. Vì vậy, mỗi người phải chọn nghề, bậc học, chương trình học và trường đào tạo phù hợp với chính mình…”, chuyên gia Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, mỗi người có cá tính, sở thích, đam mê và khả năng khác nhau nên sự kỳ vọng vào tương lai sẽ khác nhau, do đó các em học sinh phải dành thời gian chọn nghề, chọn ngành học, chọn trường để khi qua đào tạo có đủ năng lực phù hợp hành nghề, tự tin bước vào thị trường lao động.